Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

MÙA GIÓ CHƯỚNG

VÂN THỊ HỒNG HÀ (Bài này học trò kính viết tặng thầy Trần Văn Sáu Giáo viên Vật Lý – Trường chuyên PTTH Lê Quý Đôn)
Chiều đông. Gió hun hút luồn qua khe cửa, cái lạnh thốc vào từng thớ thịt, len lỏi vào tận tim gan. Rét buốt. Hạ rùng mình xuýt xoa, xốc lại cổ áo và sửa lại chiếc khăn quàng cổ cho ngay ngắn hơn. Cảm giác hai lòng bàn tay lạnh ngắt chạm vào đôi gò má. Vòm trời âm u, xám ngắt qua ô cửa sổ, lớp Hạ ở tầng ba nên gió mùa đông bắc càng được thể, cứ thổi thông thốc qua cửa lớp, xộc đến tận các dãy bàn, đặc biệt chỗ Hạ ngồi ngay bàn đầu, giữa lớp, ngay luồng gió từ cửa chính xộc vào nên càng buốt càng lạnh. Hạ thu mình trong chiếc áo ấm dày sụ mà vần còn cảm thấy run lập cập. Trống vào tiết đã vang lên, và tụi học trò cũng đã về chỗ ngồi ngay ngắn, lạnh quá, lớp rù rì từng nhóm chuyện trò thì thào: - Hôm qua kiểm tra toán mày làm được mấy bài? Trời ạ, câu c bài 4 tau mắc ngay bất đẳng thức Bunhiacốpxki, loay hoay mãi, tức thật … - Ê, kỳ báo toán học tuổi trẻ vừa rồi có bài giải của Lai đó, ngon thiệt… - Thì số trước cũng có bài Lê Huy lớp mình đó - … “Nghiêm”. Lớp trưởng gõ thước lên mặt bàn cái cộp. “Chúng em chào thầy ạ” Lớp thôi những lời thì thào, thôi chuyện trò rúc rích, thầy khẽ vẫy tay ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống, mỉm cười hiền hậu. Nhưng… chợt thầy khẽ nhíu mày: - Trung Nhân, sao em không ngồi đúng vị trí mà tự ý chuyển chỗ, thích đâu thì ngồi thì hỏi lớp có còn tôn trọng thầy cô giáo và có còn trật tự quy củ hay không? - Dạ, dạ thưa thầy… em… em… Cả lớp đổ dồn mắt nhìn xuống góc cuối lớp, nơi tiếng “dạ” khe khẽ vừa thốt lên sợ sệt. - Sao thế, em có thể tự do chuyển chỗ ngồi thì cũng có thể có một lý do xác đáng chứ… - Dạ, em… em… Khuôn mặt “bị cáo” ngày càng đỏ bừng, giọng nói càng nhỏ lại và càng ấp úng. Thầy cau mặt có vẻ không vừa lòng, lớp yên lặng như đang “cầu nguyện”. Hạ hết nhìn sang chỗ ngồi trống trơn ngay đầu bàn mình lại ngoái đầu nhìn xuống góc lớp, chỗ Trung Nhân đang cúi gằm đầu lúng túng. Lại một đợt gió lạnh nữa ào qua, Hạ bất giác so mình “Lạnh quá”. Hạ nhìn thầy một cách lo lắng, và khẽ liếc nhìn đồng hồ tay. “15 phút rồi”. Hạ thầm chắc lưỡi. “Trông thầy có vẻ hơi giận. Khổ cho bạn rồi, Trung Nhân ơi…” Hạ liếc nhìn cậu bạn cùng bàn, cùng lớp và chợt sững người “Kìa, sao mặt cậu ấy tái thế kia, ơ sao cậu ấy không thèm mang áo ấm, trời lạnh thế kia mà…”. Và thắc mắc của Hạ ngay lập tức được giải đáp trong vòng một phút sau đó. Trung Nhân phần sợ thầy giận, phần bị hỏi dồn, rưng rưng: - Dạ… thầy ơi, em… em… lạnh … quá… Nói xong thì cúi gầm, thổn thức. Một đợt gió nữa lại ào qua, góc cuối lớp là nơi khuất gió và ấm áp nhất cũng chùng chình, Trung Nhân khẽ run lên dưới lớp áo mỏng - chiếc áo trắng học trò đã ngả úa sang màu “cháo lòng” bạc phếch. Hạ chợt hiểu, mắt cay cay không biết tự lúc nào. Hạ len lén liếc nhìn thầy, liếc nhìn các bạn cùng lớp. Trái tim con gái thổn thức “Thôi chết, đợt này trở gió chướng đột ngột, bạn ấy ở nội trú chắc không kịp về nhà lấy áo ấm…”. Hạ cúi đầu, cả lớp cúi đầu, hình như ai cũng đang mắc “nghẹn”. “Nhà bạn ấy ở miết tận Gio Linh, mà hoàn cảnh lại rất khó khăn, làm gì có sẵn 2, 3 áo ấm dự trữ như những bạn khác, Hạ là dân “quê”, nhà không dư dả gì mà mẹ còn sắm cho được 2 cái áo ấm và khăn quàng cổ. Thời tiết miền Trung mình thất thường lắm, nhất là mùa này trở gió, rét phơi gan phơi ruột không thể coi thường được. Lời mẹ như vẳng bên tai”. Hạ chợt thấy buồn và xấu hổ, sao mình có thể vô tâm quá, cậu ấy ngồi cùng bàn, cách có một cái với tay mà mình thật… Trên bục giảng, thầy đứng lặng yên, rất lâu… từng tiếng tích tắc của kim đồng hồ, Hạ nghe rất rõ, nặng nơi lồng ngực. Hai mắt thầy rưng rưng. 39 đứa “nhất quỷ nhì ma” cũng rưng rưng. Rất lâu… Hạ nghe trái tim mình đang lạo xạo, âm ỉ một điều gì đó, bàng hoàng và đau nhói. Rồi thầy cũng vào bài giảng, một bạn nam trong lớp se sẽ chuyền tay cho Trung Nhân một chiếc áo cánh mỏng. “Khoác đi mày… cho đỡ lạnh, xin lỗi tụi tao vô tâm quá”. Tiết học trôi qua trong nuối tiếc và trầm lắng hơn mọi ngày, giọng thầy như vỡ ra trên trang giáo án, sau từng dòng phấn trắng. Hạ ngồi ngay bàn đầu nên nhìn thấy tất cả, trong khi cả lớp cắm cúi chép bài, thầy đôi ba lần đã quay lưng và khẽ quệt nước mắt. Lần đầu tiên trong đời, tuổi mười bảy Hạ thấy mình thật bé nhỏ… và Hạ như thấy mắt thầy long lanh.

Thầy tôi

VĂN THỊ HỒNG HÀ (viết nhân dịp sinh nhật thầy tôi)
Thầy tôi, một đời chăm lo tận tụy với nghề, với người... Đưa bao lớp học trò sang sông, tấm lòng thầm lặng. Tháng năm trĩu nặng trên vai, thầy cõng chữ miệt mài hôm sớm. Đò đi bao giờ trở lại? Mình Thầy lặng lẽ trông theo... Thầy tôi, suốt đời gieo trái vun cây, ươm mầm kiến thức. Là sá chi nhọc mệt, bụi trắng vấn vương trên tóc thầy bạc trắng từng ngày. Dấu thời gian in trong đáy mắt, đã hằn vài nếp chân chim. Thầy tôi, vẫn nụ cười hiền ấm nhẹ, bao dung bên đám trẻ dại khờ... "Thưa Thầy!" Con muốn về vòng tay, gọi một tiếng lòng thân thuộc. Là con vẫn mãi nhỏ nhoi, bên bóng Thầy cao cả. Mong thời gian đừng vội vã, để những chuyến đò nhẹ lướt sang sông. Thầy ôm cả gánh long đong, câu thơ vẫn cháy đốt từng mùa thi, Thầy ôm cả gánh suy tư, trở trăn mang nặng chính từ tình thương, trang sách - giáo án - mái trường, Thầy luôn lặng lẽ dẫn đường con đi, con về ru gió ngang mi, từng câu Thầy dặn khắc ghi vào lòng. Thầy tôi - một tấm gương trong, sớm hôm chẳng ngại qua sông đưa đò... Thầy! Học trò chúc Thầy đón một sinh nhật vui vẻ và ấm áp nha...a... Thầy ơi! Thầy nhớ giữ gìn sức khỏe ạ. Khi nào có dịp về QT, em sẽ lại ghé thăm Thầy 😊😊😊. Ảnh của Tieu Yen.

vị tha và vị kỉ

TRẦN VĂN SÁU
Hôm qua, vì quá nóng giận với đứa học trò tôi đã trút vào em một câu tệ hại không đáng có: “ con là một đứa quá ích kỉ, con hành động chỉ vì bản thân con mà không nghĩ đến người khác” em im lặng mà không nói gì Đêm về, khi cơn giận đã qua đi, tôi nghĩ lại thấy mình mới là thằng ích kỉ. tôi vô tình đã làm tổn thương một tâm hồn thơ trẻ. Thay vì phải tìm hiểu, lắng nghe và chia sẻ tôi lại lại bắt các em phải làm theo ý mình. Dòng xoáy cuộc đời với những lợi danh đã cuốn thằng tôi quay cuồng theo nó, và tôi ngày càng xa tôi. Bệnh thành tích, thói háo danh, bệnh sĩ… đã khiến cho tôi hành động không đúng với bản thân mình. Trớ trêu thay kẻ luôn rao giảng cho người khác về lòng vị tha, về sự bao dung lại hành động hết sức vị kỉ. Tôi buồn rất nhiều vì không bảo vệ được mình, để cho những thói hư tật xấu có đất để dung thân…và tôi bỗng nhớ đến lời dạy của Phật “ kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình” Ước sao nền giáo dục nước nhà đổi thay căn bản để cho thầy trò được là chính mình, để cho tuổi thơ của con trẻ không bị đánh mất, học trò không còn chịu áp lực thi cử, học để làm người chứ không phải để kiếm cần câu…thầy giáo là người tạo ra được những công dân biết sông vì mọi người vì đất nước chứ không phải tạo ra là những anh thợ giải bài tập với những mẹo mực núp dưới bóng kĩ năng…

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

VỀ SOI BÓNG MÌNH...




















                                                     
TRẦN VĂN SÁU  
                                                                                                    ( thư cho học trò cũ)  
                                                                                   
                                                                                                 Đông Hà: ngày …tháng…năm…
X. yêu quý!
Nhận được thư em, thầy rất mừng, vội viết cho em mấy dòng hồi âm. Ừ, đúng như em đã biết năm nay trường chúng ta kỉ niệm 20 năm ngày thành lập trường và 25 năm thành lập hệ chuyên em ạ. Nhà trường dự định tổ chức vào đầu tháng 10 dương lịch. Cố gắng sắp xếp thời gian để về dự và thông báo cho các bạn trong lớp cùng về em nhé. Nhà trường và thầy cô mong các em lắm lắm…
Đọc thư em, trước mắt thầy hiện ra cậu học trò nhà quê bé nhỏ, lần đầu xa mẹ  lên thành phố với bao điều mới lạ, lo toan. Ngày tựu trường, ngại ngùng và bở ngỡ em đến bên thầy lo lắng hỏi: thầy ơi con nghe người ta bảo trường chuyên là trung tâm luyện gà chọi phải không thầy? Nếu chỉ học môn chuyên làm sao chúng con có kiến thức để thi đại học, chúng con lấy đâu kĩ năng để bước vào đời?( hồi đó thông tin hạn chế, nên rất nhiều người hiểu không đúng về trương chuyên). Thầy nhớ hôm đó mình đã động viên, giải thích cho em rất nhiều, rằng mục tiêu cuả nền giáo dục chúng ta là đào tạo con người toàn diện, rằng trường chuyên cũng là một trường THPT nên học đầy đủ các môn,  rằng môn chuyên là môn năng khiếu, thi cử chỉ là những tập dượt cho các em vượt qua thử thách khó khăn, là những trải nghiệm  bước đầu làm quen với khoa học và để khẳng định bản thân mình mà thôi chứ chẳng phải là chọi gà, rằng thì…Thầy nhớ mình đã nói rất lâu, nhưng những lo lắng mà thầy nhìn thấy trong mắt em, trên gương mặt em… không hề thuyên giảm. Phải mất mấy hôm thầy trò trao đi đổi lại, rồi thầy còn phải nhờ cả thầy hiệu trưởng tâm sự chỉ bảo thêm thì em mới từ bỏ ý định xin về trường cấp 3 ở quê nhà. Thế rồi ba năm đã học trôi qua, giờ đây “ con gà chọi” năm xưa đã không hề “sứt đầu mẻ trán”, không hề bị “vặt lông” mà lại đứng vững vàng giữa phong ba bão táp cuộc đời, là giáo sư tiến sĩ một trường đại học danh tiếng giữa trời Âu. Và điều quan trọng nhất em đã thành người có ích cho xã hội. Em không chỉ là niềm tự hào của gia đình, của thầy cô, của nhà trường mà còn làm rạng danh quê hương xứ sở
Thầy rất vui vì em vẫn luôn nhớ đến lớp đến trường, em bảo rằng xa quê lâu ngày nên nhớ nhà, nhớ bạn bè, nhớ thầy cô qúa. Ừ có thế mới phải em à! Con người ta ai cũng phải có gốc rễ cội nguồn, đừng như ai đó “ có mới nới cũ” chưa chi đã vội chối bỏ gốc gác quê hương. Em cũng nhắc nhiều đến các bạn trong lớp mình, nhắc về những kỉ niệm buồn vui của tuổi học trò một thuở.  Em nhắc nhiều đến công lao của thầy cô giáo cũ, và ái ngại vì ít có điều kiện về thăm. Ừ, em nghĩ được vậy là quý lắm rồi. Hãy cố gắng lên em nhé, mong cho  “chân cứng đá mềm”, các em gặp nhiều may mắn đạt được ước mơ là thầy cô vui sướng và hạnh phúc rồi
20 năm qua ở quê nhà thầy vẫn luôn dõi theo bước chân đi của các em. Vui cùng những thành công, lo lắng vì những vấp ngã của các em. Mỗi lần nghĩ đến, nhắc đến các em là lòng thầy lại rộn lên những bồi hồi cảm xúc sung sướng pha lẫn tự hào. Sung sung và tự hào vì các em đã vượt qua muôn vàn thử thách khắc nghiệt của cuộc sống, đã vươn lên để tồn tại để khẳng định mình và để đóng góp cho xã hội. Sung sướng và tự hào vì các em là một tập thể đoàn kết thương yêu, biết dìu dắt nâng đỡ nhau đi lên trong cuộc sống.
Em bảo thương thầy cô bên nhà vất vả, đất nước còn nghèo nên lương bổng chẳng đáng bao nhiêu. Không em ạ, bên này mọi người vẫn sống được mà, có hơi khó khăn tí chút nhưng cũng vượt qua được, với lại vật chất thì biết bao nhiêu cho đủ. Thầy vẫn luôn tâm niệm và biết ơn cuộc đời vì đã cho mình quá nhiều thứ. May mắn làm sao mình lại được làm thầy giáo mà lại còn là …thầy giáo trường chuyên. Bởi ở đó thầy không chỉ được dạy mà còn học được bao điều tốt đẹp. Bởi bên cạnh mình không chỉ là những đồng nghiệp giỏi giang mà còn là những học trò thông minh kiệt xuất. Trong mỗi giờ lên lớp thầy vừa là thầy vừa là trò đúng nghĩa. Thầy hoàn thiện mình không chỉ nhờ sách vở, bạn bè đồng nghiệp mà còn nhờ ở chính các em. Những cách giải hay, những nghĩ suy độc đáo, những tấm lòng rộng mở, những nụ cười bao dung… Người đời thường bảo thầy cô là tấm gương sáng cho học sinh, bản thân thầy luôn soi bóng mình trong những đứa học trò trẻ dại. Mỗi sáng mai thức dậy bước chân đến trường lòng lại rộn ràng bao cảm xúc, bước vào lớp học đối diện với những tâm hồn thơ ngây sáng trong như vầng trăng mười sáu thì những vết nhơ, những vẫn đục của sự bon chen tị hiềm, những muộn phiền ích kỉ bỗng chốc hóa  hư không…
Em băn khoăn sao học sinh giỏi bây giờ không thi vào sư phạm. Ừ, đó cũng là băn khoăn trăn trở của thầy cô. Thầy nghĩ đất nước mình đang trên đường đổi mới, chúng ta đang dần hội nhập với thế giới văn minh. Chúng ta đi lên từ khốn khó, nên buổi đầu sự giàu có vật chất làm chúng ta choáng ngợp. Chính vì vậy mà ngành sư phạm không thu hút được người tài. Nhưng thầy nghĩ vấn đề này chỉ mang tính thời điểm, rồi đến lúc mọi điều sẽ tốt hơn lên. Và thầy tin điều đó sẽ sớm xảy ra, bởi những người trẻ và tài như em đã nghỉ  về nó. Em nói có dự định tài trợ học bỗng cho các em con nhà nghèo học giỏi vượt khó và có nguyện vọng theo nghề giáo ở trường ta. Ừ, đúng quá em ạ, Vậy là em đã “quẹt lên một que diêm”…mong rằng cũng nhiều người nghĩ và làm như em để một ngày mai tươi sáng lại về.
Em bảo bên này là xứ sở văn minh, giàu có cuộc sống đầy đủ không thiếu thứ gì, nhưng sao vẫn cứ muốn quay về. Đêm  hè không ngủ được nằm nhớ day dứt ngọn gió lào xứ sở, chợp mắt khi trời chưa kịp sáng bỗng mơ thấy tiếng gà trưa…Ừ, chẳng có nơi nào bằng quê cha đất tổ. Nhưng dù ở nơi đâu mà mình có tấm lòng thì vẫn đóng góp được cho quê hương đất nước, vẫn là con dân nước Việt mà thôi.
“ Thầy ơi, trăng hôm nay đẹp lắm thầy ra sân ngắm trăng đi”. Đang viết dở bức thư cho em thì nhận được tin nhắn của Y, cô bé học trò (giờ là đồng nghiệp của thầy) có tâm hồn lãng mạn trẻ trung yêu đời. Ừ trăng hôm nay đẹp thật. Ánh trăng vàng xuyên qua tàu lá dừa bên giếng nước trước sân nhà chiếu qua của sổ đậu vào trang thư. Nhìn trăng rằm mùa hạ sáng trong tròn vành vạnh thầy bỗng nhớ quay quắt những tháng ngày đẹp đẽ đã qua, nhớ bao lứa học trò đã ra đi rồi đã đến. Ừ mới đó mà đã hơn hai mươi mấy năm rồi em nhỉ? Những cô bé, cậu bé thuở nào giờ trên đầu đã hai thứ tóc. Những đứa học trò cùng chung tổ ấm năm xưa giờ mỗi em một nghề mỗi người một ngã. Thầy cô người còn người còn người mất, và phần lớn cũng đã nghỉ hưu.. Thời gian đã làm thay đổi mọi thứ nhưng ánh trăng thì vẫn như xưa và tình cảm và nỗi nhớ lại cứ đong đầy theo năm tháng… Và rồi những chuyến đò lại nối tiếp sang ngang, khách đi rồi ông lái đò thấy lòng mình trống vắng…Nắng chiều đã nhạt và đêm bắt đầu buông trên bến cũ, thả chèo gác mái ông lái đò bỗng nhớ đến những vầng trăng…Nghe xa xăm tiếng ai gọi đò da diết, ông thiếp đi trong câu hát nhẹ nhàng: “ Ở đâu trăng có nhớ người. Ở đây đang có một người nhớ trăng”.
                                                                                                     Thương nhớ các em: Thầy


                   

CON MỘT CHA NHÀ MỘT NÓC...


TRẦN VĂN SÁU
(Bài nói chuyện tại buổi gặp mặt cựu HS hệ chuyên và trường chuyên Lê Quý Đôn Quảng trị tại TP HCM)

Kính thưa các thầy cô giáo kính quý!
Thưa các em là cựu học sinh hệ chuyên hệ chuyên và cựu học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn Quảng trị thân quý!
Hôm nay thầy cô rất vui mừng vì được gặp lại các em trong buổi họp mặt đông vui đầm ấm này. Cảm ơn các em rất nhiều vì vẫn nhớ đến bạn bè, thầy cô, cảm ơn các em vì đã ủng hộ, hưởng ứng và đã cộng tác với thầy cô và nhà trường để chúng ta có được buổi họp mặt ý nghĩa này.
Các em thân mến! hôm nay về đây thầy thấy sự có mặt của tất cả các khóa. Có rất nhiều em là học sinh hệ chuyên( từ 89-94) mà lớp học là những mái tôn lụp xụp của trường cấp 3 Đông hà, các em là anh cả chị đầu nay mái tóc cũng đã pha sương. Có em là học sinh trường chuyên học tại dãy nhà ngang: 2 tầng rưỡi, sân trường có 3 cấp ( 94-03) nép mình khiêm nhường bên trường cấp 3 Đông hà uy nghi bề thế, nay cũng đã bước vào “ tam thập nhi lập”. Có em là học sinh chuyên học tại trường mới hiện nay(04-nay)…nhưng cho dù học ở đâu vào thời điểm nào thì các em đều ra đi từ một mái ấm, các em đều tự hào vì mình là học sinh chuyên Quảng trị, các em đã có chung những tháng ngày học cấp 3, những tháng ngày đẹp nhất của đời người, các em đều có chung trường chung lớp, chung thầy cô.
Các em thân mến! “ con ốc bể bắc xoắn từ trái sang phải, con ốc bể nam xoắn từ phải xoắn sang”. Con người ta ai cũng có gốc gác cội nguồn.  Không ai có thể chọn cửa để sinh ra. Quê hương chúng ta là mảnh đất hiền hòa nhưng khô cằn sỏi đá, gió lào cát trắng, nắng cháy thiêu người mưa dầm thối đất. Chế lan Viên nhà thơ đồng hương của chúng ta đã từng kêu lên “ gió lào ơi ngươi đừng thổi nữa. những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ, những đồi sim không đủ quả nuôi người”. nhưng chính mảnh đất này đã sinh ra bao anh hung hào kiệt, chính mảnh đất này đã sinh ra thầy trò chúng ta. Cha mẹ chúng ta nghèo quê hương chúng ta khó cho nên con dân Quảng trị tha phương cầu thực có mắt khắp mọi miền đất nước. có rất nhiều cựu học sinh chuyên Quảng trị đã chọn miền nam, đặc biệt là Sài gòn làm nơi lập nghiệp. Mặc dù xa quê, sinh sống nơi đất khách quê người nhưng thầy biết thường trực trong long em là nỗi nhớ mẹ cha, nhớ quê nhà nhớ trường nhớ lớp không nguôi…
Các em thân mến, kể từ khi các em bước chân vào ngưỡng cửa đại học, thầy cô vẫn luôn dõi theo từng bước chân các em đi. Lo lắng vì những vấp ngã của các em, vui mừng vì những thành công mà các em đã gặt hái được. Mặc dù buổi họp mặt hôm nay mới chính thức bắt đầu nhưng các thầy đã vào đây đã 3 hôm, với mong muốn được gặp sớm các em, được nghe những lời tâm sự các em, chứng kiến tận mắt  những việc các em làm để biết rõ hơn về cuộc sống của các em. Mấy hôm nay do thời gian eo hẹp các thầy không gặp được hết các em, chỉ gặp được một số ít khóa nhưng qua những gì mà các thầy nghe được, thấy được các thầy cũng đã hình dung được phần nào về sự mưu sinh về cuộc sống của các em nơi đất khách quê người. Thầy biết được rằng để có được ngày hôm nay các em đã vượt qua bao nhọc nhằn gian khó, đã xuất phát từ những điểm rất thấp, có em thậm chí từ số không, các em đã gõ cửa tất cả các nơi đã làm đủ làm đủ tất cả cac nghề có thể. Mồ hôi các em đã đổ, nước mắt các em đã rơi. Trí tuệ sức lực các em đã bỏ ra. Thầy biết rằng Sài gòn, miền nam là mảnh đất rộng lượng bao dung, nhưng ở đây không có chổ cho sự lười biếng, sự ỉ lại, chây lười. Dù thành công nhiều hay ít, ở các mức độ khác nhau, nhưng thầy rất vui mừng vì tất cả các em đều đã vươn lên để tồn tại, để làm con người có ích, để khẳng định mình và đóng góp cho xã hội
Các em thân mến, những khó khăn rồi sẽ qua đi, vấp ngã rồi sẽ đứng dậy. Thầy vô cùng cảm phục, trân trọng và chúc mừng những kết quả mà các em đạt được. Cầu mong cho “chân cứng đa mềm” các em ngày càng thành công.
Trong ngày hạnh ngộ hôm nay, ngoài việc muốn thông báo đến các em về những hoạt động chuẩn bị cho lễ kĩ niệm 25 năm thành lập hệ chuyên và 20 năm thành lập trường. điều thầy mong muốn nhất là qua buổi gặp mặt này chúng ta sẽ có một ban liên lạc của cựu học sinh chuyên Quảng trị để các em có được những thông tin về nhau, để các em có dịp gặp gỡ quan tâm và chia sẻ với nhau, bởi vì các em là con một cha, nhà một nóc. Thầy mong rằng các em sống đùm bọc thương yêu, người đi trước dắt dìu người đi sau, người mạnh giúp kẻ yếu, các lớp anh chị thương yêu các lớp em út. Các em đi sau hãy nhìn vào tấm gương của các anh chi để phấn đấu học tập. Mong rằng các em giữ gìn, phát huy truyền thống của HS chuyên Quảng trị, được như vậy là thầy cô rất mừng, là phúc ấm cho nhà  trường và quê hương
Cuối cùng một  lần nữa thầy cảm ơn các em rất nhiều vì đã tranh thủ thời gian, không ngại đường sá xa xôi (có rất nhiều bạn đến từ Vũng tàu, Bình dương, Long an, Cần thơ) để về dự buổi gặp măt. Này. Đặc biệt cám ơn cám ơn rất nhiều các em trong ban tổ chức: Em Võ Hữu Bình, Lê Minh Phụng, Hồ Ngọc Tân, Nguyễn Thành Chung, Nguyễn Thị Hoàng Anh, Văn Thị Hồng Hà đã nhiệt tình giúp đở các thầy rất nhiều để có cuộc gặp mặt hôm nay.
Cuối cùng kính chúc thầy cô và các em dồi dào sức khỏe may mắn và thành công. Hẹn gặp lại các em ở ngày hội trường 12/10


Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Nỗi nhớ đong đầy...

                                               Phan Thị Tuyết Hoa





Em đến Đông Hà trời se lạnh tháng ba
Thành phố của anh sao thân thương đến vậy
Đón đua em qua từng con phố nhỏ,
Được gặp anh rồi , cứ ngỡ một giấc mơ.
Đường phố xôn xao sao lòng em trống trải.
Mai cách xa, có còn ngày gặp lại?
Đông Hà ơi ngày cuối xuân em đến,
Để lại trong tim nỗi nhớ dâng đầy

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

THÁNG NGÀY HƯ HAO...

                                                                                                                 TRẦN VĂN SÁU

Mấy hôm nay chẳng may bị té xe, tôi nằm ở nhà một mình, vào mạng đọc lung tung, đau đầu và mỏi mắt quá, nằm dài nghĩ đủ thứ chuyện trên đời, nghĩ về nghề về những tháng ngày qua. Vậy là tôi đi dạy đã 22 năm ( không kể 3 năm lông bông vừa dạy vừa bỏ vừa chơi). “ Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” đã lùi vào quá vãng. Những cảm xúc đầu đời đã đi vào chốn xa xôi. Vậy mà mỗi lần nghe tiếng trống khai trường lòng vẫn rộn ràng những cảm xúc tinh khôi. Mỗi khi nghe tiếng ve sầu rền rĩ thì “ Lòng rượi buồn theo ngày tháng củ, Chập chờn sống lại những ngày không
 Lại một năm học nưã trôi qua. Một khóa học sinh nữa lại chuẩn bị ra trường. Thêm một chuyến đò nữa sắp sang sông. Hành khách chuẩn bị lên bờ để tiếp tục cho chuyến hành trình dài về phía trước. Còn tôi thì lại quay lại để chuẩn bị cho chuyến tiếp theo. Cũng đã thấy mỏi gối chùn chân lắm rồi. Lòng nhiệt huyết, lửa đam mê đã có rất nhiều suy giảm. Mọi sự đã bắt đầu phải làm trong trạng thái hết sức cố gắng.
Ông bà nói: “ thầy giáo già, con hát trẻ”. Đúng quá rồi, bởi càng già càng có nhiều kinh nghiệm, độ chin chắn càng cao, độ sai sót càng ít. Nhưng không đúng hết đâu. Tôi nhớ như in, khi mới ra trường kiến thức tôi còn nông cạn lắm, nhiều điều tôi nói ra tôi chưa kịp nghĩ kĩ càng, mọi việc tôi làm đều rất bột phát. Ấy vậy mà tôi được học trò yêu quý lắm. Chẳng đứa nào than phiền gì về thầy cả, trong lòng chúng thầy là “number one”. Càng đi dạy tôi càng chin chắn ra. Những điều tôi nói ra tôi đã chiêm nghiệm quá kĩ càng tôi lồng triết lí sống vào mỗi định luật khái niệm Vật lí, tôi chuyển tải kiến thức khoa học khô khan bằng thơ ca, tục ngữ và âm nhạc, tôi “ăn gian” giờ dạy để nói với các em về nhân tình thế thái, về đạo làm người. Nhưng những gì mà tôi gặt hái được thì không lại như xưa. Sự thân thiện, quý mến của học trò dành cho tôi đã có phần giảm sút. Đôi khi tôi còn nhận được sự thờ ơ ...
Tôi không dám đổ lỗi cho khách quan, nhưng có người nói học trò bây giờ thực dụng lắm, có lẽ cũng có lí cuả nó. Nhưng tôi cũng thường xét lại mình “ tiên trách kỉ, hậu trách nhân” Có lẽ lỗi chính thuộc về tôi. Tôi bây giờ cũng thực dụng lắm, cơm áo gạo tiền đã làm cho tôi bây giờ đã khác xưa, mặc dù đã cố gắng nhưng cảm xúc trước cuộc đời trong tôi cũng đã nhiều thay đổi. Có lẽ tâm hồn tôi cũng đã có phần chai sạn, thời gian và sóng gió cuộc đời đã làm cho tât cả hư hao… Đang viết đến đây tôi bỗng nhận được một tin nhắn từ một đứa học trò với số điện thoại không quen: “ thầy ơi hôm nay là buổi học cuối cùng em rất muốn gặp thầy nhưng mà không gặp được, em muốn nói lời cám ơn thầy vì đã dạy dỗ chúng em. Em cám ơn thầy vì những gì thầy đã làm cho chúng em. Chúc thầy luôn mạnh khỏe để tiếp tục dạy dỗ những lớp đàn em sau này. Tạm biệt thầy, em sẽ không bao giờ quên thầy” Không, thầy phải cảm ơn con mới đúng. Cảm ơn con đã tiếp thêm cho thầy niềm tin yêu cuộc sống, cám ơn con vì đã hiểu được lòng thầy.
Có lẽ tôi đã già rồi nên bắt đầu lẩm cẩm, nghĩ không đúng nữa chăng? cuộc đời vẫn đẹp lắm mà! Mặt trời thì vẫn đỏ, nắng vẫn dịu dàng tỏa xuống sân trường chim vẫn hót trong vườn, ngoài kia hoa vẫn nở. Trên gương mặt của mỗi đứa học trò vẫn rạng rở những nụ cười tươi…

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

VIẾT CHO TÔI

                                                                                                                                   
                                                                                                                            PHAN THỊ QUỲ


  Ngày tháng hạ mênh mông buồn, 
  Lòng vắng vẻ như sân trường…….
 Ôi, giọng hát buồn mênh mông xa vắng đưa tôi về một vùng ký ức thênh thang lồng lộng. Tuổi mười ba với vai nhỏ tóc dài, với áo tà nguyệt bạch. Tuổi mười lăm với nắng hồng trên môi và mưa buồn trong mắt. Ngày hai buổi đi về, một nụ hồng e ấp nở trong tim, dể ngại ngần cuống quýt một sớm mai thức dậy chợt thấy mình mười sáu.
Tuổi 16, một thời thiếu nữ tôi đi qua, khát khao ước vọng và ngâp tràn lo âu. Đất nước mãi chiến tranh, tôi mơ một ngày lặng yên tiếng súng, để cha mẹ tôi không còn thấp thỏm đêm đêm, để bao người quanh tôi không còn đau thương bi hận, để bạn bè cùng tôi chỉ lo chuyện vở bài, cùng hát vang những bài tình ca, ríu rít chuyền nhau những vần thơ viết vội, những dòng lưu bút đầy luyến nhớ vấn vương, ngày giã từ sân trường của tuổi đời tôi mười tám.
Tuổi 18, tôi thấy mình nhỏ bé chơi vơi nơi giảng đường đại học. Mọi thứ thật ngỡ ngàng xa lạ với một cô bé nhà quê tỉnh lẻ là tôi. Có những bàn tay nâng đỡ dịu dàng, những nụ cười thân ái khích lệ và còn có những ánh mắt làm tôi chùng xuống ngại ngần xa cách. Cuộc sống thật khó khăn và đôi khi lòng người bổng trở nên chật hẹp. Tôi mơ một ngày đất nước đi lên và khung trời rộng mở, cho tôi đượcvào đời, thanh thản tuổi hai mươi.
Tuổi 20, tôi đã là cô giáo, lại sân trường lớp học như quãng đời tôi qua, lại vở bài lo lắng như ngày xưa tôi đã trải. Tôi lại thấy tôi như những ngày xưa thơ dại, vẫn mê mãi đến trường quên cả bước thời gian trôi. Và rồi… có ai đó bỗng nhắc tôi dừng lại, níu giữ cuộc đời , níu giữ tuổi xuân phai.
Tuổi 30, không còn là thiếu nữ, bộn bề công việc, bộn bề tâm tư. Các con thơ như mầm non hé nụ. Tôi trôi giữa cuộc đời, mỏi gánh nặng hai vai. Có những lúc mệt nhoài dừng chân lại, ước như mình còn có ngắm mây bay???
 Tuổi 40, lòng đã thôi ước vọng, tôi quay về tìm lại chút hương xưa. Hương thôi thắm, màu thời gian đã nhạt, gót nhỏ âm thầm vang động cõi thinh không. Mỗi mùa phượng nở, mỗi mùa thi, tôi cất bước giữa sân trường gió lộng, nhìn các em thơ, nhớ mình thủơ mười sáu, hoa cỏ lối về bay bổng những hàng me.
Tưổi 50, thôi còn gì để nói, để còn ai lắng mãi khúc tiêu thiều, để một mai cát bụi lấp trời yêu, xin thôi hết một cõi đời vọng động. Xin thôi hết ngàn ngày xưa thơ mộng, xin hãy qua mùa lá trút nghiêng ngàn, bước rưng rưng mòn nhịp gót thời gian, lòng cuống quýt buổi xuân tàn, đông mỏi.
Còn bao lâu tôi thầm thì tự hỏi. Tuổi năm mươi héo hắt buổi xế chiều. Tuổi đơn côi gặm nhấm nổi niềm yêu, dòng viết vội bỗng thơm mùi dĩ vãng.
Tôi về đâu một chiều vàng bãng lãng, chợt quắt quay ngày tháng cũ tìm về, chút yêu thương hờn giận nẻo đường quê, bỗng len lõi trong ồn ào phố thị.
Tuổi 50 thời gian trôi nhè nhẹ, chợt qua mau trên tóc trắng phai màu, bước chênh vênh nghiêng hết một đời đau, lòng quạnh vắng, chắt chiu từng kỹ niêm… Ai còn đó, ai xa xôi biền biệt, mái trường xưa vẫn mãi đến bây giờ, Tà áo mộng vờn bay trong gió rét, viết cho tôi …..mộc mạc bỗng thành thơ…
  Mưa gieo ngàn hạt mưa mưa rụng, 
  Lá đổ muôn chiều lá lá rơi, 
 Ngày đi chầm chậm đêm dần xuống, 
 Hương nồng ấp ủ mãi khôn nguôi…

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Những ngày xưa thân ái

 
                                                                                                                                         







                                                              TRẦN TUYẾN

Bây giờ ngồi một mình, một suy tư, lòng bộn rộn Tuổi mười tám mười chín, tuổi chập chững bước vào đời. Ngày về quê lòng bâng khuâng lạ. Những tháng ngày dài dài ấy đã qua đi trong nụ cười và nước mắt, trong yêu thương và hận thù, nhưng giờ nhìn lại đôi khi thấy tiếc cho cái gọi là tuổi thơ. Buổi chiều hôm nào đó, giữa tết, nằm trên võng nhìn trời nhìn đất hay nhìn cái gì đó không rõ. Võng đung đưa, hát vu vơ, nhìn ngu ngơ để rồi bây giờ chợt nhớ. Tuổi thơ đó đi về đâu và tình yêu nằm ngã nào, tôi ơi? Nắng chiều vàng vời vợi mà cũng buồn rũ rượi. Giữa cái lạnh thở ra khói mà nhìn thấy nắng không phải là dễ có. Mấy ngọn tre ngả nghiêng theo gió xua tôi về một trời kỉ niệm. Con đường làng này tôi biết không biết từ bao giờ, nhưng ngày đi hết thì có lẽ là cái lúc tập đạp xe. Vừa đạp vừa nhắc vừa đi cũng lết đến tận cánh đồng sau lũy tre dày cuối xóm. Cái kênh nhỏ trước nhà là nơi câu cá, chỉ có điều chưa bao giờ được cá. Bên kia con kênh là bãi đất rộng không dùng để làm gì, nơi lí tưởng để thả diều. Cũng có chiều lang thang trên đồng mò cua bắt ốc mà không biết để làm gì. Đi chơi với mấy đứa nhỏ chăn trâu thì vui hơn, bắt cào cào châu chấu, nướng lên thì thơm, mà ăn thì muốn ói vì chưa chín. Nhớ lại vừa cười vừa tủi tủi. Chưa lớn, còn nhỏ lắm, mà đã bắt đầu thấy tiếc như đã già lắm rồi. Mà cái nhớ nhất là đi chăn vịt..một thời buồn nhưng lắm kỉ niệm, kỉ niệm buồn. Đi chân đất trên đường sỏi cả chục cây một ngày, đi qua cỏ gai, ruộng, bùn lầy, rắn rít, vỏ ốc hay bất cứ cái gì.. cũng không biết là cái gì. Trưa thì mắt ríu lại, còn chị thì lờ đờ. Hai đứa nhỏ đứng lơ ngơ giữa trời chang chang nắng. Mùa lũ về, vịt con chết đầy ra. Có lần đi lùa vịt rồi lội nước ngập ngang cổ, mới học sinh mẫu giáo hay lớp một gì đó, ai dám chắc sống chết. Đêm trăng sáng, còn nhớ như in những đêm trăng sáng, mấy mẹ con đi trong vội vàng, nằm giữa đồng hoang để giữ vịt. Đã qua mấy ngàn ngày rồi, kể không hết mà nhớ làm gì. Cuộc đời nghiệt ngã vô tình giết tuổi thơ chết đi trong nước mắt, nghẹn ngào với suy tư khi trưởng thành để rồi nhận ra, tôi ơi tôi già rồi giữa tuổi xanh. Bây giờ hoàng hôn sắp tắt, con nghĩ gì đây, con nhớ mẹ nhiều. Có lẽ nói về mẹ là dễ mà khó nhất. Nói sao cho hết được, chỉ biết là biết vậy thôi.Giấy bút nào đó cũng vẽ nên cái hình thôi, chứ cái hồn thì chỉ có ta tự hiểu. Mới hôm qua, bài văn của học sinh lớp 6 được 10 điểm khi viết về mẹ. Cái tuổi non nớt vậy mà cô giáo đã khóc khi đọc văn của con đó mẹ à. Tất nhiên mẹ là người vui nhất, và vì vậy con nhớ mãi. Đem khoe nhiều bây giờ nó thất lạc rồi, lạc đôi ba dòng chữ nhưng cái tình vẫn còn đây, trọn vẹn và lớn lao mẹ à. Con còn nhớ cái lối văn hoa non nớt ngày nào khi “mẹ là ngọn nến lung linh giữa đêm dài lạnh lẽo, dù ánh nên nhỏ bé nhưng chẳng bao giờ tắt, dù mong manh nhưng luôn làm ấm lòng con. Ngọn hải đăng nào dẫn lối giữa đại dương bao la liệu có bằng ngọn nến mẹ thắp, dẫn lối con trong cuộc đời. Con nghe người ta nói cuộc đời lắm chông gai, liệu chông gai của cuộc đời có làm chân con đau khi dẫm phải, nhưng con có mẹ rồi. Con không nhớ nhưng con hình dung nét cười hiền dịu mẹ nhìn con khi con chào đời. Con không tả được nụ cười của mẹ, dù nụ cười đã bên con từng ngày, nụ cười đã khơi trong con một niềm yêu đời tràn ngập. Con yêu mẹ nhiều. Vì con hiểu những giọt nước mắt trên mặt mẹ. Con chưa lau khô được, con nhìn trong nổi buồn bất tận, nên con đã làm một đứa con ngoan. Cuộc sống làm nước mắt mẹ lăn dài trên má, có nên không khi con làm gì đó để mẹ phiền lòng? Nếu không còn mẹ, cuộc đời như thiếu đi ánh sáng. Và bầu trời thiếu ánh sao đêm. Và trẻ thơ không lớn khôn thêm. Để con biết con hạnh phúc nhường nào, khi mẹ vẫn luôn bên con, vẫn mỉm cười khi con buồn, vẫn ôm con khi con khóc, và yêu con như mẹ vẫn yêu…” Ngày đó, lâu rồi, còn còn ngu dại lắm. Khi nhìn bạn bè, đôi khi con mặc cảm vì những tờ tiền, những ổ bánh mì thịt nó ăn không hết rồi vứt đi, khi con đang ước một lần được ăn. Khi bạn con cầm những que kem giữa mùa hè oi bức, con ngồi nhìn, nhìn và thèm. Vào lớp có những đứa cầm quạt đẹp phẫy phẫy, con ngồi toát mồ hôi và lại ước. Con ước mình sinh ra trong một gia đình giàu có. Đừng trách con mẹ à, trẻ thơ hay giận hờn vì vu vơ. Con giận mẹ, những khi mẹ đi mà không cho con đi theo..để con khóc và gào lên khi nhìn mẹ đạp xe đi xa. Con đâu biết, mẹ chật vật chạy theo những đồng tiền, vì con, và vì cái cuộc mưu sinh khốn nạn. Và con vui khi thấy mẹ đi chợ về. Con vui vì mấy mẫu bánh nhỏ, vì ngòi bút quyển vở mới. Con vui hơn khi có cặp sách, khi mặc những bộ áo quần tươm tất hơn những đứa nhà giàu. Và hạnh phúc bé nhỏ vì những vụn vặt đời thường bổng chốc hóa bao la, khi con đủ hiểu những đắng cay mẹ chịu đựng. Cái gia đình của mình không phải gia đình phải không mẹ? Con hiểu, con hiểu mà..chỉ có điều con không biết làm gì. Con đứng nhìn những cảnh tượng trong nước mắt, tai con nghe tiếng van xin giữa đêm khuya, để bây giờ con ớn lạnh khi nghĩ về. Con biết, con biết mà…nên con đã hận. Dần dần rồi lòng con tan nát. Con muốn làm gì đó để mẹ bớt khổ, nhưng làm gì. Mẹ thương con nên con vẫn sống trong bao bọc, trong những lời động viên để con được vui. Con yêu mẹ nhiều. Con thích ở trường, ở đó con bình yên hơn, nhưng khi nghĩ về mẹ ở nhà, con lơ đãng nhìn ra cửa sổ để nghe khóe mắt cay cay. Những ngày ở trường con lắm cảm xúc. Có những lần tim con đập thình thịch, vì con sợ lúc về nhà… Khi nghe tin mẹ gặp tai nạn, mặt con tái mét, con sợ lắm. Con gắng học như con có thể, để mẹ vui, bởi con biết tương lai của mẹ đang ở đây. Ngày đó con đâu biết về tương lai, chỉ muốn nhanh bước ra cái thế giới ngộp thở này. Con bắt đầu ngẩm nghĩ và suy tư. Con bắt đầu mặc cảm về bản thân, và rồi con tách biệt với mọi người. Con buồn vì nghĩ về mình. Chỉ với mẹ, con mới là con. Ngày chị vào đại học. Con khóc trong đêm vì nhớ chị, vì ghét chị đi để lại mẹ, vì con sợ những ngày sắp tới. Rồi con thương chị, có lẽ không có chị thì bây giờ có thể con đang lang thang như những đứa khác, hoặc con sẽ không làm mẹ tin vào tương lai để sống. Con biết chị phải chịu nhiều khổ cực hơn, để bảo vệ đứa em ngu dại này. Cũng vì nghèo nên chị không được học như người khác. Trong thiếu thốn, trong gò bó, con biết chị cũng khóc một mình trong đêm. Nhưng con yêu chị, vì thương mẹ nên đắng cay cũng chỉ là cái vụn vặt, vụn vặt thôi phải không mẹ. Rồi dần dần con cũng lớn hơn. Và con biết mình sẽ làm chổ dựa cho mẹ. Ngày tháng rồi cứ đi qua, không có gì thay đổi trong cái gia đình đó. Nhưng con đã biết giúp mẹ cười, giúp mẹ nghĩ về tương lai để quên đi nhọc nhằn hàng ngày. Con biết con phải làm gì cho mẹ. Ừ, và những ngày mới cũng đến. Con vui biết nhường nào khi thấy mẹ cười bên con, trong những bước chân mới, những ngày mới. Bây giờ con khác trước nhiều con biết cuộc sống là gì nên tình yêu thương của mẹ, con đã hiểu là vô bờ bến.Khi nghĩ về mẹ, cái kí ức yêu thương xen lẫn với khổ đau ùa về, con không cầm được nước mắt. Con vẫn nghẹn ngào như cái thuở ban đầu, kí ức vẫn còn đó, muốn quên nhưng không quên được.. con thương mẹ nhiều, và mang ơn mẹ nhiều… Bây giờ những giọt nắng cuối cùng đang lút dần sau mấy tòa nhà. Chiều hôm qua tôi vẫn còn đong đưa trên võng, nhìn mặt trời khuất dần sau rặng tre. Hoàng hôn giữa thành đô hoa lệ đẹp lắm, nhưng tôi thích cái yên bình chốn quê nhà hơn. hoàng hôn đẹp rồi cũng phải qua đi, tuổi thơ êm đềm vì ai mà tan tác, hạnh phúc nào bổng chốc hóa đau thương.

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Thư gửi MẸ








                                           














                                            VĂN THỊ LINH HÀ

 Mẹ kính mến! Có lẽ đây là lần đầu tiên con viết thư cho mẹ, chắc hẳn đã làm mẹ vô cùng ngạc nhiên. Hôm nay là một ngày vui của con bởi con đã có cơ hội nói rất nhiều những lời cảm ơn đến những người tốt bụng đã giúp đỡ mình và rồi con chợt nhận ra 18 năm qua đã không biết bao nhiêu lần con nói tiếng cảm ơn nhưng chưa lần nào nói với người con mang nợ nhiều nhất trong cuộc đời này là mẹ. Cảm ơn mẹ trước hết vì mẹ là người đã chịu vô vàn đau đớn để sinh ra con, để con có cơ hội phám khá thế giới rực rỡ này. Cảm ơn mẹ vì mẹ cùng ba đã là những người yêu thương con vô điều kiện từ lúc con còn chưa lọt lòng.Những người xung quanh có thể yêu mến con một phần vì con ngoan ngoãn, lễ phép; những người bạn có thể yêu mến con một phần vì con tốt tính hay dễ gần; người chồng tương lai của con có thể yêu con một phần vì con có chút ngoại hình và học thức, những đứa con của con yêu con vì con đã sinh thành và nuôi dưỡng chúng; duy chỉ có mẹ và ba yêu con không vì bất cứ một lý do nào kể trên và tình yêu đó của ba mẹ luôn lớn hơn tất cả những tình yêu trên cộng lại. Và cảm ơn mẹ vì mẹ không chỉ yêu con một cách đơn thuần mà luôn chuyển hóa nó thành hành động. Con biết chắc chắn mẹ không thể là người đồng hành cùng con trong suốt cuộc đời này nhưng trên những bước đường con đang đi luôn có sự dõi theo và động viên của mẹ. Con luôn tin dù mình có đi xa đến đâu khi ngoảnh đầu lại vẫn thấy bóng dáng của mẹ sẵn sàng là điểm tựa cho con lúc khốn cùng. Con chợt nhận ra những lúc buồn con đều ngồi bó gối và đó chính là tư thế của những đứa trẻ khi đang ở trong bụng mẹ. Đó chắc chắn không phải là sự tình cờ ngẫu nhiên của tạo hóa mà có thể đó đã là một lối mòn vô thức trong hành động của con người: mỗi khi gặp khó khăn lại nhớ về mẹ, nhớ về vòng tay che chở của mẹ. Cảm ơn mẹ vì cách mà mẹ đã nuôi dạy con. Mỗi bà mẹ trên thế giới này đều dành một yêu thương vô bờ bến cho con cái nhưng mỗi người trong số đó nuôi dạy con theo một cách riêng của mình. Mẹ không chỉ xây dựng cho con những thói quen tốt trong sinh hoạt hằng ngày mà mẹ cũng nuôi dưỡng cho con những tính cách cần thiết trong cuộc sống. Ai đó có thể cảm thấy việc chải răng buổi tối thật đang ghét, vô vị thì nhờ mẹ con luôn cảm thấy đó là điều nên làm và làm nó theo một thói quen như ăn cơm, uống nước hằng ngày. Cảm ơn mẹ đã tập cho con cách chào hỏi lễ phép với người lớn để giờ đây mỗi khi nói chuyện với các chú, các cô, các bác con có niềm tự hào nho nhỏ là được khen ngoan ngoãn, dễ thương. Cảm ơn mẹ vì mẹ đã tập cho con tính kiên trì, chịu khó. Mẹ chẳng cần nói nhiều chỉ cần quan sát cách mẹ làm việc con cũng hiểu muốn thành công dù việc lớn hay nhỏ đều phải cố gắng hết mình. Cảm ơn mẹ vì mẹ đã tập cho con tính cách sống thoải mái, không ghen tỵ với người khác. Con còn nhớ lúc con còn đi học phổ thông có những bạn luôn phải băn khoăn so sánh điểm mình với điểm người khác, lo sợ nếu mình thấp điểm hơn người khác thì sẽ bị mẹ mắng còn mẹ thì chẳng bao giờ như vậy bởi đơn giản mẹ không so sánh con với người khác, mẹ chỉ muốn con tự đánh giá được khả năng của bản thân và đặt ra những mục tiêu phù hợp. Giờ đây trước cuộc sống bộn bề con luôn thầm cảm ơn mẹ vì lối suy nghĩ đó đã được mẹ xây dựng cho con, nó làm cho con luôn cảm thấy thoải mái và vững tin trong những sự lựa chọn của mình. Và có những khi trong những cơn nóng giận con đã nghĩ nếu người khác đối xử với mình thế nào thì mình sẽ đối xử như thế với họ thì chính mẹ đã giúp con gạt bỏ những suy nghĩ ấy ra khỏi đầu. Thực sự con đã từng nghĩ có lẽ vì mẹ hiền lành quá, chịu thương chịu khó quá nên mới để những người xung quanh bắt nạt hay con đã nghĩ vì thế hệ của mẹ đã sống khác với thế hệ của con nhưng rồi giờ đây con nhận ra con phải cảm ơn vì những lời khuyên đó của mẹ. Mẹ nói đúng: “đối xử chân thành và khoan dung với người khác chính là cách tốt nhất làm cho tâm hồn thoải mái và thảnh thơi”, nếu con luôn ghi nhớ những điều không tốt mà người khác đã làm với mình hay sẽ đối xử với họ như cách mà họ đối xử với con thì con sẽ vô cùng mệt mỏi và cắn rứt. Giờ đây mỗi khi tức giận trước hành động không đẹp của một ai đó với mình con sẽ kiềm chế cảm xúc và bỏ qua nó. Như mẹ đã nói thế giới mà con đang sống thực sự còn rất nhỏ bé và hiền lành so với xã hội phức tạp ngoài kia vì vậy những con người xung quanh con chắc hẳn sẽ có những điểm rất đáng yêu, nếu họ đối xử không tốt với con thì có thể đó chỉ là những giây phút nhất thời của họ. Duy chỉ có một điều con nghĩ hơi khác mẹ là mẹ bảo con tha thứ thì một ngày nào đó người khác sẽ hiểu ra còn con khi tha thứ cho ai đó con sẽ không có ý đợi cho người khác hiểu ra được đâu mẹ ạ vì con tim con cũng đau lắm, cho con giữ một chút ích kỷ cho mình mẹ nhé . Như một câu hát trong bài hát “Rêu Phong” nổi tiếng của nhạc sỹ Tuấn Khanh : “Đời còn lắm ma quái bước đi về trên phố dài…”, nếu cuộc đời thực sự lắm ma quái đến vậy thì tại sao lại không chọn cho mình cách nghĩ và cách sống dễ thương nhất phải không mẹ? Và cảm ơn mẹ, cảm ơn vì mẹ đã dạy cho con biết cách để trở thành một người vĩ đại trong cuộc sống. Dù cho mẹ không phải là Êđisơn với những phát minh nổi tiếng hay Anhstanh với thuyết tương đối bất hủ thì đối với con mẹ cũng đã là người vĩ đại bởi tình yêu mà mẹ đã dành cho con, bởi cách mà mẹ đã chăm sóc và nuôi dạy con. Con hứa con cũng sẽ cố gắng để được như mẹ, để được trở thành một người vĩ đại trong mắt con gái mình. Điều cuối cùng mà con muốn nói với mẹ là mẹ hãy vững tin ở con vì mặc cho con chỉ là một hạt cát nhỏ bé giữa biển cát khổng lồ thì con tin con vẫn luôn muốn mình là một hạt cát lấp lánh. Con gái của Mẹ

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

tình cờ...mùa đông!



TÌNH CỜ...MÙA ĐÔNG!



Trần Văn Sáu

viết tặng: VTLH

Một chiều đông rét mướt tôi đứng tựa cửa lớp học nhìn ra sân trường nhìn gió mưa sướt mướt kéo nhau về lòng miên man nhớ về những ngày mùa đông thơ ấu: những ngày gió rét lùa qua căn nhà tranh trống trải tường phên rách nát, cơm không có sắn khoai chẳng đủ ăn, áo quần tơi tả, tối đến cả 5 mẹ con nằm trên chiếc gường ọp ẹp với chiếc chiếu bằng nilon và chiếc mền mỏng hơn chiếc áo người nghèo được cấp trong những tháng ngày tị nạn, tôi bỗng thương mẹ vô cùng một mình chống chọi với bão tố cuộc đời để nuôi 4 anh em tôi tới bờ tới bến…đang nghĩ mông lung thì phía cuối hành lang bỗng xuất hiện một cô bé dễ thương mái tóc suôn dài bồng bềnh trong gió lạnh với đôi mắt rất hiền như nhìn vào cõi xa xăm, như chẳng quan tâm gì thời hiện tại, một chiếc khăn quàng cổ đổ xuống chiếc áo lạnh màu ghi một dáng đi mang chút dáng dấp của người con gái phương tây sãi bước về phía tôi. Thấy tôi cô bé dừng lại hai tay khoanh trước ngực, đầu cúi xuống ngang vai rồi tiếp tục bước đi, tôi nhìn theo lòng đầy thiện cảm, chẳng biết cô bé con cái nhà ai, học lớp nào mà ngoan vậy, tự dưng cô bé đem đén cho tôi một niềm vui, một đốm lửa hồng khi lòng tôi đang lạnh giá…và vui hơn tôi thấy cô bé rẽ vào phòng bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia môn toán. Tôi bỗng nhớ Nam Cao: không cuộc đời chưa hẳn đáng buồn…
Cô bé làm tôi xao động mất mấy ngày, tôi là người hay nghĩ đa sầu đa cảm nhiều lúc có những điều tưởng chừng như nhỏ bé tầm thường với ai đó lại đem đến cho mình những suy tư những hạnh phúc, những tin yêu... tôi vẫn cố không tin vào nhận xét của nhiều người lớn: trẻ con bây giờ khác xưa rồi, chúng chỉ biết mình thôi, cô bé đã cho tôi một phản ví dụ để tôi có thể tôi củng cố được niềm tin của mình, tiếp cho tôi thêm một chút tin yêu vào cuộc sống…
Thế rồi mùa đông cũng qua đi, mùa hè lại đến. Cô bé cũng theo tháng ngày đi vào chuyện cổ tích của trí nhớ bắt đầu lẩm cẩm và đang giảm sút của tôi. Trong giờ nghỉ tôi lại đứng tựa cửa nhìn ra sân trường, không có hoa phượng nở đỏ thắm như trong lời một bài ca mà tôi yêu từ thuở nhỏ, nhưng bóng dáng những tà áo dài trắng thì vẫn cứ bay bay…những gương mặt rạng ngời của con trẻ, những nụ cười "như mùa thu tỏa nắng" thì vẫn cứ còn mãi với tháng năm…tôi nghe tiếng ve râm ran trên sân trường và lòng mình cũng ngập tiếng ve kêu…tôi lại thấy lòng mình buồn lạ, lại cứ tưởng như mình sắp đi xa…và tôi thấy nhớ Nguyễn Bính” một mình làm cả cuộc phân li”. Bỗng nghe bên tai: dạ thầy,con mời thầy chụp với con một kiểu ảnh nghe thầy. Tôi như thoát ra từ cõi mộng: ơ hay sao lại là cô bé. và sao lại là tôi? “ Phúc bất trùng lai” chẳng lẽ câu nói của người xưa lại sai ư? Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, tôi nhìn thấy trong đôi mắt xa xăm ấy một chút thân thiện, một chút trìu mến không biết là có phải dành cho tôi…?Làm thế nào mà lại không nhận lời được chứ. Và tôi không quên dặn cô bé nhớ chuyển ảnh cho thầy…cô bé lại làm cho tôi vui thêm được mấy ngày…
Và rồi mùa hè lại qua đi, mùa thu lại đến. Lại một mùa tựu trường nữa lại về. Sân trường lại rộn rã cười vui. Tôi đứng giữa sân trường nhìn đàn con trẻ nô đùa bỗng chạnh lòng nhớ những tháng năm qua. Vẫn là những khuôn mặt trẻ, vẫn là những tà áo trắng tinh khôi…con đò còn đó, người xưa đâu rồi?... Tôi hay tin cô bé đã vào một trường đại học danh giá, người ta nói sai rồi” hoa thơm không quí” cô bé vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang, vừa ngoan vừa giỏi…ngày 20-11 tôi lại nhận được mail cô bé với những lời chúc mừng và xin lỗi vì không gửi tấm hình…ồ cô bé có lỗi gì đâu, rất mừng là vì trong tâm trí cô bé vẫn có tôi một người không quen biết, không dạy dỗ cô bé một ngày, một chữ cũng không, với tôi đó quả là một hạnh phúc lớn lao. Tôi bỗng nhớ tới Vũ Thành An” triệu người quen có mấy người thân…”
Và rồi mùa đông lạị trở về. Tôi bỗng tình cờ gặp lại cô bé giữa mùa đông Hà Nội. Một triết gia Hy lạp tôi không nhớ tên đã nói” sự tình cờ chỉ đến với những người đáng được tình cờ”. Cô bé mang đến cho tôi niềm vui khó tả. Trong đôi mắt xưa giờ đã bây giờ đã bớt xa xăm, tôi nhìn thấy ở đó niềm vui, sự trẻ trung đã trở lại…Tôi như lâu ngày gặp lại tri âm, tri kỉ( trước đó tôi chưa bao giờ nói chuyện với cô bé dù chỉ một phút giây). Tôi trải lòng và lắng nghe cô bé. Cô bé nói với tôi đủ mọi thứ chuyện trên đời. Cô bé coi tôi như một người rất thân rất gần gũi. Và lạ kì chưa, sao cô bé lại tin tôi đến thế. Cô Cô bé đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác…Tôi không ngờ cô bé lại quan tâm nhiều chuyện và lại sâu sắc đến vậy. Cô bé có những nhận xét làm tôi rất bất ngờ. Tôi cứ sợ những con số khô khan đã làm khô cằn con trẻ.Tôi cứ mong trời đừng tối, chiều cứ dài ra…để được mãi ngồi nghe cô bé nói, để được ngắm nhìn cô bé…để thấy tháng ngày đừng trôi qua.
Tiễn cô bé lên xe về nhà rồi, tôi đứng tần ngần ngẩn ngơ mất mấy giây giữa con đường đông đúc xe cộ. Trong tôi Hà Nội dễ thương hơn rất nhiều, vì giờ có thêm một cô bé dễ thương sống cùng Hà Nội và như lời cô bé nói “ sao con thấy ai cũng dề thương hết mà…” tôi ước mong những ngày đông êm đềm đừng vội trôi đi, và ước mơ những “ ngày xưa” rồi sẽ trở lại. Cô bé ơi: ta muốn nói với con một điều: con là người rất đáng yêu… ta yêu con lắm

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

xa rồi 5B!



XA RỒI 5B!

Trần Hương Quỳnh

Phải làm sao khi tôi sắp phải xa mái trường tiểu học, phải làm sao khi mai đây tôi sẽ không còn thấy bóng dáng bè bạn vào mỗi buổi học như trước, và nhất là không còn được nghe cái giọng trầm bổng của người đã đưa tôi tới ngày hôm nay…rồi lúc đó,tôi sẽ không còn được nắm tay,trò chuyện…với những người bạn đồng trang đồng lứa với tôi. Thời gian trôi quá nhanh, nhanh đến mức giờ đây chữ “5B” đã từ giã tôi, từ giã tất cả mọi người . Rồi lúc tôi ra đi những hạt nước mắt lại tuôn trào à để lại cho “5B” một nỗi buồn khó tả. Chúng tôi xa nhau,chúng tôi sẽ rất nhớ nhau, nhưng có lẽ người nhớ nhất vẫn là người mẹ thứ hai của tôi. Mai xa rồi,tôi đã để lại cho cô biết bao là kỉ niệm vui buồn bên mái nhà êm ấm này và người khắc ghi chính là cô. Cô là người mở đầu cho chúng tôi những lối đi riêng lẻ. Và tất nhiên, cô không để cho chúng tôi đi mà không mang theo hành trang gì, cô đã trao cho chúng tôi cả một trái tim. Trái tim cô ấm áp, dịu dàng, là ngọn đuốc dẫn dắt chúng tôi trong tất cả mọi con đường chứa đầy bóng tối….Và trong đó, người đã cho tôi những niềm tự tin trên con đường là bạn bè.
Tôi biết là vẫn còn có rất nhiều cơ hội để nói chuyện, tâm sự với bạn bè,thầy cô nhưng sao tôi vẫn tự hỏi mình sao không kìm nén được. Tôi nhớ bạn bè, nhớ thầy cô, tôi sẽ nhớ tưng giây từng phút tại mái nhà này. Tôi sẽ nhớ tất cả, tất cả những gì ở đây và tôi mong rằng cô cũng sẽ nhớ 38 con tim bé bỏng này. Tôi nhớ những mùa hè trước, mỗi lần được nhìn thấy từng cánh phượng nở và từng chú ve nâu đang khẽ khàng đưng trên từng nhành phượng thắm là lòng tôi lại xao động và ước muốn mùa hè về thật nhanh cơ mà. Nhưng giờ đây thì lại khác, mỗi lần ngắm phượng rơi là lòng tôi lại buồn não ruột. Cũng có thể nói là tôi muốn cho thới gian quay trở lại,tôi sẽ không phải ghét ngắm nhìn hoa phượng đến mức này. Nhưng đôi lúc ngắm nhìn hoa phượng tôi cũng thấy thương, thương là thương những ngày tôi mới bước vào trường,tôi chỉ biết lấy phượng làm bạn,thế rồi thời gian sao vội vàng thế….Đối với tôi,thầy cô là những người lái đò còn bạn bè là những vị khách đi cùng. Trên chuyến đò đó đã có những niềm vui cũng như nỗi buồn…giờ đến lúc con đò phải cập bến rồi.Biết nói sao vơi những vị khách đi cùng đây,những giây phút bên nhau đã hết rồi, niềm vui rồi phải làm sao phải đi thôi…
tạm biệt người lái đò nhé....!!!!

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011
















CHUYÊN ĐỀ NGOẠI KHOÁ VỀ TỔ QUỐC VÀ DÂN TỘC VIỆT NAM


Người thực hiện: Trần Văn Sáu

Kính thưa quý thầy cô giáo kính mến! thưa các em thân mến
Tiếp tục với bài học làm người mà tôi đã cùng các em trao đỏi với các em mấy năm nay. Hôm nay xin phép BGH nhà trường và quý thầy cô xin được nói với các em đôi điều về tổ quốc và dân tộc Việt Nam
Các em ạ! Đối với mỗi con người, tổ quốc và dân tộc là một thực thể thiêng liêng, là một phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn của mỗi một chúng ta
Ôi tổ quốc ta ta yêu như máu thịt.
Như mẹ cha ta như vợ như chồng
Ôi tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mõi ngôi nhà ngọn núi con sông (Chế Lan Viên)
Và để rồi mỗi khi đi xa lại nhớ quay nhớ quắt, lại chỉ muốn quay về:
Tổ quốc ơi! Bởi vì sao mỗi bước
Chân con đi xa mẹ nhói bàn chân,
Cũng ánh sáng, cũng trời mây, gió nước
Xa quê hương sao nhạt nhẽo muôn phần.( Huy Cận)
Tại sao tổ quốc dân tộc lại thiềng liêng như thế? lại muôn vàn yêu quý như thế lại đáng tự hào như thế? Thây muốn các em cùng tìm hiểu
Câu hỏi 1: Em hãy cho biết nghĩa đen và nghĩa bóng của từ tổ quốc và đồng bào Từ ý nghĩa đó gợi cho em suy nghĩ gì?
Trả lời : Tổ quốc: đất nước cuả tổ tiên. Đồng bào: người trong một bọc (theo truyền thuyết trăm trứng trăm con). Các em ạ! Dân tộc Việt Nam chúng ta may mắn là con một cha nhà một nóc. Chúng ta cùng có chung cội nguồn, có chung dòng máu Lạc Hồng, dòng máu rồng tiên. Tổ quốc Việt nam là của chung chung ta. Đất nước việt nam là của dân tộc Việt nam, những người sống trên đất nước này đều là đồng bào của chúng ta. Đó là điều thuận lợi mà không phải bất kì quốc gia nào cũng có được. Người Mĩ chẳng hạn, họ cùng sống trên nước Mĩ nhưng không cùng tổ quốc, các em biết không, tổ quốc của tổng thống đương nhiệm của nước Mĩ không phải là Hoa kì mà là Kenya, các cộng đồng dân cư trong nước Mĩ đều có tổ quốc riêng của họ. Đối với họ tổ quốc (the fatherland), đất nước (country )và quốc gia (nation ) là hoàn toàn khác biệt chứ không là một như chúng ta. Chỉ có khái niệm nhân dân Mĩ chứ không có khái niệm dân tộc Mĩ. Vậy thì hà cớ gì mà chúng ta không thương yêu đùm bọc nhau. Các em hôm nay ngày hai buổi tới trường thì các em phải nhớ rằng có những người anh em của mình đang phải đi đánh giày, bán báo ngoài kia để kiếm từng miếng cơm manh áo, các em được cha mẹ thương yêu, thầy cô bạn bè qúy trọng thì các em phải nhớ rằng anh em mình đang có kẻ lang thang không cửa không nhà giữa những hè đổ lửa ngày đông tháng giá. Mỗi khi các em gặp một cụ già vất vưỡng kiếm sống trên đường thì các em hãy nhớ đó là đồng bào của chúng ta chúng ta phải động lòng trắc ẩn, khi các em thấy ai đó gặp nạn thì các con phải nhớ đó là ruột thịt của ta, phải ra tay giúp họ, đừng để như ai đó chỉ đứng lại nhìn vì hiếu kì rồi lại bỏ đi. Đừng như ai đó khi thấy tai nạn xảy ra thì không cứu người mà chỉ lo hôi của. Khi các em lớn lên các em sẽ là những bác sĩ các em phải nhớ rằng bệnh nhân là đồng bào mình, các em phải cứu họ vì họ cần phải sống chứ không phải vì trong túi họ có bao nhiêu tiền. Các em sẽ là những thầy giáo, các em phải tận tâm với học trò phải thương yêu học trò vì đó là đó là đồng bào mình chứ không phải vì nó là con ông nọ bà kia. Các em sẽ là những nhà lãnh đạo các em phải coi nhân dân là cha mẹ là anh em mình chứ đừng nghĩ rằng họ là tôi tớ của các em để rồi bắt nạt dạy bảo và đe nẹt họ. Các em phải nhớ lấy chúng ta là con Hồng cháu Lạc, chúng ta là người Việt Nam
Câu hỏi 2: Em hãy nêu tên nước ( quốc hiệu) của chúng ta qua các thời kì?
Trả lời: Văn Lang dưới thời họ Hồng bàng, Âu Lạc dưới thời nhà Thục. Nam Việt dưới thời nhà Triệu. trong thời kì Bắc thuộc lần 1 gọi Giao chỉ sau đổi thành Giao châu trong lần Bắc thuộc lần 2. Vạn Xuân dưới thời nhà tiền Lí. An Nam trong lần Bắc thuộc lần 3. Đại Việt dưới thời nhà Ngô. Đại Cồ Việt dưới thời nhà Đinh, nhà tiền Lê, nhà Lí. Đại Việt dưới thời nhà Lí, nhà Trần. Đại Ngu dưới thời nhà Hồ. dưới thời nhà hậu Trần, nhà hậu Lê lấy lại tên nước là Đại Việt . Việt nam dưới thời nhà Nguyễn cho đến nay
Câu hỏi 3: Em hãy cho biết diện tích đất nước ta?
Trả lời: Nước ta có hai phần: lãnh thổ và lãnh hải. Diện tích phần đất liền khoảng 331.698 km². Vùng biển của Việt Nam chiếm diện tích khoảng 1.000.000 km². Trong đó có 3260km bờ biển, 3000 hòn đảo lớn nhỏ, 2 quần đảo xa bờ là Hoàng sa và Trường sa. Trước đây nhiều quốc gia chỉ quan tâm tới phần lãnh thổ. Nhưng trong thế giới ngày nay, lãnh hải vô cùng quan trọng, ngoài tài nguyên trong lòng nó thi đây còn là cửa ngõ để giao thương với bên ngoài
Các em biết đấy để có được giang san gấm vóc như hôm nay, ông cha ta đã mất gần 4000 năm để tạo dựng, mở mang và gìn giữ. Trên mỗi tấc đất quê hương, mỗi góc phố, bờ tre đều in dấu bước chân của ông cha, máu mồ hôi của bao thế hệ đã đổ xuống. Không ý thức được điều đó là chúng ta có tội lớn với tiền nhân.
Câu hỏi 4: Đất nước chúng ta có 4000 năm lịch sử. trải qua các thời kì khác nhau. Thời kì thứ nhất : Thời kì Thượng cổ thời đại: tính từ khi lập nước đến hết đời nhà Triệu.Theo truyền thuyết về thời Hồng Bàng, cách đây hơn 4000 năm. Các tộc người Việt cổ (Bách Việt) đã xây dựng nên nhà nước Xích Quỷ có lãnh thổ rộng lớn tại khu vực ngày nay là miền nam sông Dương Tử (Trung Quốc). Tới thế kỷ 7 trước công nguyên (TCN), người Lạc Việt, một trong những nhóm tộc Việt ở phía Nam đã lập nên nhà nước Văn Lang tại khu vực mà ngày nay là miền Bắc Việt Nam, và kế tiếp là nhà nước Âu Lạc vào giữa thế kỷ 3 trước công nguyên. Trong thời kì này ngày nay còn lưu lại nhiều câu chuyện cổ tích: trăm trứng tăm con, sự tích trầu cau, phù đổng thiên vương, bánh dày bánh chưng , sự tích quả dưa hấu, sơn tinh thuỷ tinh, mị châu trọng thuỷ. Thầy có một câu hỏi vui nhé. Có rất nhiều kỉ lục quốc gia được lập trong thời kì này. Đó là những kỉ lục nào?
Trả lời : Bà mẹ đông con và có con cái thành đạt nhất? mẹ Âu cơ và các con là các Vua Hùng
Người đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ? Thánh Gióng
Người Việt nam đầu tiên làm maketting? Mai An Tiêm
Người đầu tiên đưa hàng giả vào việt nam? Trọng Thủy
Câu hỏi 5: Thời kì thứ 2: thời kì Bắc thuộc: Bắt đầu từ thế kỷ 2 TCN, đất nước chúng ta bị các triều đại phong kiến Trung Quốc cai trị trong hơn 1000 năm. Em hãy cho biết tại sao các nhà lịch sử chia thời kì này thành 3 giai đoạn: BT lần 1, BT lần 2, BT lần 3. Em có suy nghĩ gì có điều gì ngạc nhiên và khâm phục ông cha chúng ta qua thời kì này?
Trả lơì: Trong suốt 1000 năm đô hộ, nhân dân ta không cam chịu làm nô lệ, luôn đứng lên đánh đổ ách thống trị của giặc phương Bắc. Sau nhiều lần khởi nghĩa không thành của Bà Triệu, Mai Thúc Loan,...hoặc chỉ giành độc lập ngắn của Hai Bà Trưng, Lý Bí... đến năm 905 Khúc Thừa Dụ đã giành quyền tự chủ cho người Việt, và Việt Nam chính thức giành được độc lập lâu dài sau trận chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng do Ngô Quyền chỉ huy trước đoàn quân Nam Hán năm 938. điều lí thú nhất là trải qua 1000 năm bị đô hộ. Lòng yêu nước không bị dập tắt mà vẫn âm ỉ và khi có cơ hộị và điều kiện thì lại bùng phát và đứng lên dành lại độc lập đặc biệt bản sắc văn hóa dân tộc vẫn được giữ gìn. Ông cha ta vẵn không bị đồng hóa, vẫn giữ gìn được tiếng nói, vẫn phát triển được nền văn hóa. Nước Trung Hoa xưng hùng xưng bá, nhưng chưa bao giờ chiến thắng trước bất cứ cuộc chiến tranh xâm lược nào của ngoại bang. Nhưng họ có một biệt tài kỳ lạ, độc nhất vô nhị trên thế gian này, đó là trả thù bằng cách Hán hóa tất cả các đạo quân xâm lược, kể cả những đế chế lừng lẫy nhất thế giới, như Mông Cổ và Mãn Thanh. Đế chế Mãn Thanh hùng mạnh như vậy mà bị “thôn tính” trở lại theo kiểu “Hán hóa”, đến mức ngày nay chỉ còn lại con số cỡ trên trăm người nói được tiếng Mãn. Một nhà khoa học xã hội đã kể: Trong thời gian làm việc ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, ông có cơ hội được tiếp xúc với nhiều bạn bè người Mãn… ông nhận ra, ai cũng mang một đôi mắt đượm buồn, và khó tìm được vẻ buồn nào hơn thế. Có lần ông buột miệng hỏi một nhà nghiên cứu người Mãn: “Chị nói tiếng Mãn vẫn tốt chứ?”. Lòng chị ấy trĩu xuống, nói không ra tiếng, lắc đầu buồn bã, và buông ra một lời ứ máu nghẹn ngào: “Các bạn hạnh phúc vì vẫn giữ được tiếng Việt sau hơn một ngàn năm đô hộ của người Hán”. Đấy các em thấy ông cha chúng ta là như vậy
Câu hỏi 6: Thời kì thứ 3: Thời kì tự chủ: . Sau chiến thắng cuả Ngô Quyền chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc. chúng ta bước vào thời kì xây dựng đất nước với các triều đại phong kiến hùng mạnh. Em hãy cho biết đó là các triều đại nào?Các công việc lớn mà các triều đại này làm được?
Trả lời:Các triều đại phong kiến trong thời kì này. Ngô, Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, hậu Trần, Lê, hậu Lê, Trịnh Nguyễn phân tranh, nhà Nguyễn Tây sơn, nhà Nguyễn Có thể nói đây là thời kì hưng thịnh đất nước có nhiều vua hiền tôi giỏi chăm lo việc nước việc dân chống lại giặc phương Bắc, mở mang bờ cõi phía Nam. Sau khi giành được độc lập, từ thế kỷ 10 dân tộc Việt Nam đã xây dựng đất nước, chống lại sự xâm lược bởi các triều đại phương Bắc của người Hán, Mông Cổ, Mãn Thanh gắn liền với những tên tuổi của những vị tướng tài ba: Lí Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…và với những lần mở rộng lãnh thổ dần xuống phía nam nơi người Chăm, người Khmer sinh sống, gắn liền với tên tuổi cuả Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hữu Cảnh… Việt Nam có ranh giới địa lý gần như hiện nay vào năm 1757
Câu hỏi 7: Đến giữa thế kỷ 19, cùng với các nước ở Đông Dương, Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp. Trong Thế chiến thứ hai, phát xít Nhật chiếm Việt Nam và toàn thể Đông Dương, ngay sau khi hay tin đế quốc Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, Việt Minh đã giành lại chính quyền từ tay Nhật. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập thành lập nưảớc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Em hãy cho biết 2 câu thơ:
Mường thanh, Hồng cúm, Him lam.
Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng
viết về sự kiện lịch sử trọng đại nào của dân tộc ta?
Trả lời: Chiến thắng Điện Biên Phủ gắn liền với tên tuổi cuả vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp.
Em có biết điểm gì đặc sắc trong câu thơ trên? lối chơi chử tài tình. Câu thơ là một bức tranh thanh bình của quê hương sau ngày chiến thắng. cả 2 câu là những sắc màu tươi vui: xanh, hồng, lam, trắng, vàng.
Câu hỏi 8: Có ý kiến cho rằng giới trẻ ngày nay quay lưng lại với lịch sử, họ sống ích kỉ và ít quan tâm tới vận mệnh của đất nước, họ chỉ tìm cách làm sao kiếm được thật nhiều tiền em nghĩ sao?
Các em ạ! Thầy nghĩ rằng người Việt nam chúng ta lòng yêu nước đã trở thành máu thịt. Đất nước là vấn đề hết sức thiêng liêng. Thầy không tán thành với đánh giá là giới trẻ quay lưng với lịch sử. Lịch sử ở trong tâm can con người, vấn đề là nó có được đánh thức hay không thôi. Thực tế cho thấy nếu có vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, giới trẻ đều quan tâm và thể hiện thái độ của họ. Vấn đề là người lớn tổ chức như nào, làm cái gì và người lớn có phải là một tấm gương không? Tuy nhiên cũng có một số bạn trẻ ý thức xã hội ít, nhạt nhẽo, thậm chí còn có những quan niệm lối sống lệch lạc. Nhưng thực ra đấy chỉ là một bộ phận rất nhỏ. Và thầy nghĩ trách nhiệm một phần thuộc về người lớn. Thầy cô, cha mẹ chưa chăm sóc quan tâm các em chưa thật chu đáo, chưa lắng nghe các em.Và thật sự họ đang nghĩ gì? Biểu hiện bên ngoài có song hành với suy nghĩ bên trong tâm hồn thực của họ không?Đó là điều người lớn cần suy nghĩ
Có nhiều bạn cho rằng mục đích của đời mình là kiếm thật nhiều tiền. Quả là một quan niệm sai lầm và tai hại Các em nên nhớ kiếm tiến không phải là điều xấu. Nhưng kiếm để làm gì ? và kiếm như thế nào mới là điều đáng nói. Ai đó đã nói vui : tiền bạc là phù du, nhưng không có tiền thì phù mỏ, cũng đúng đấy các em a. Nhưng các em cần biết rằng đồng tiền chỉ là phương tiện chứ không thể là mục đích sống. Người ta nói rằng đồng tiền là người đầy tớ tốt nhưng là người chủ xấu. Thần tượng cuả giới trẻ là Bill Gates đầy tham vọng và khao khát làm giàu. Ông là người tài năng và giàu nhất thế giới hiện nay. Nhưng đồng tiền ông ta làm ra đã dành phần lớn để cống hiến trở lại vì hạnh phúc của nhân loại qua công tác từ thiện. Các em nhớ điều đó
Kết luận: Các em ạ! Tổ quốc ta dân tộc ta thật là vĩ đại. Tìm hiểu cội nguồn để chúng ta thêm tin yêu cuộc sống hôm nay. Không ai có thể yêu đất nước, yêu đồng bào mà không biết gì về đồng bào và đất nước. Ông cha ta đã để lại cho chúng ta một di sản đáng tự hào. Các em phải biêt nâng niu gìn giữ. Ai đó đã nói rất hay: Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác.
Ngày nay, với sự bùng nổ của Internet và các phương tiện thông tin hiện đại, các em có đầy đủ thông tin. Đó là thế mạnh mà các em so với thế hệ cha ông. Nhưng những kiến thức đó không tự dưng mang đến cho người ta một lý tưởng sống. Tuổi trẻ chúng ta không thiếu thông tin nhưng cái ta thiếu chính là tính nhân văn trong các thông tin đó. Cuộc sống sẽ vô cùng ý nghĩa nếu chúng ta biết sống vì cộng đồng. Hạnh phúc không chỉ đến từ những điều chúng ta nhận được mà còn đến từ những gì mà chúng ta đã cho đi, Kinh tế thị trường đem đén cho chúng ta cuộc sống đây đủ hơn về vật chất nhưng nó là mảnh đât tốt tươi cho tính ích kỉ, chủ nghĩa cá nhân xuất hiện Và, điều gì sẽ xảy ra nếu bản lĩnh của ta trước cuộc đời trở nên yếu hèn hoặc lệch lạc. Và em hãy nghe con tim mình nhắc nhở :
Em có là người Việt Nam dòng máu đỏ da vàng biết yêu thương nồng nàn.
Em có là người Việt Nam mang trái tim nhân hậu thương giống nòi về sau
Thầy chúc các em hãy nuôi dưỡng khát vọng, có nhiều niềm đam mê, đầy ắp sự sáng tạo, nhiệt huyết, dám nghĩ và dám làm của tuổi trẻ, với một mục đích là vì cuộc sống cuả chính các em vi sự an vui hạnh phúc của đồng bào vì sự thịnh vượng bình yên của đất nước. Cuối cùng kính chúc quý thầy cô và các em mạnh khoẻ. Càm ơn quý thầy cô giáo và các em đã lắng nghe

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011














CHUYÊN ĐỀ NGOẠI KHÓA VỀ QUÊ HƯƠNG ĐẦU NĂM TÂN MÃO:

QUÃNG TRỊ QUỂ HƯƠNG TÔI

Người thực hiện: Trần Văn Sáu
Kính thưa quý thầy cô giáo kính mến, thưa các em thân mến. Hôm nay khi không khí xuân hãy còn ngập tràn trên khắp quê hương, khi lòng mỗi chúng ta vẫn còn rộn ràng hứng khởi của những ngày đầu năm mới. Đây đó phố phường làng mạc tươi vui như trong thơ Hàn Mặc Tử” trong làn nắng ửng khói mơ tan, đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng, sôt soạt gió trêu tà áo biếc, trên giàn thiên lí bóng xuân sang” tôi xin phép ban giám hiệu nhà trường và quý thầy cô được trò chuyện với các em đôi điều về quê hương Quãng trị mến yêu
Các em yêu quý
“Con ốc bể bắc xoắn từ trái sang phải
Con ốc bể nam xoắn từ phải xoắn sang”
Mỗi người sinh ra, ai mà chẳng có cội nguồn gốc gác, ai mà không có quê hương. Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn.Ở đó ta có mẹ có cha, có những tháng ngày êm đềm bên gia đình bè bạn thầy cô xóm làng Ở đó ta đã chập chững những bước đầu tiên, đã học bài học sơ khai về đạo làm người, ở đó ta có những chiều vui tan học mang điểm 10 về khoe với mẹ, và cũng có những ngày buồn “ trốn học bị đòn roi”. Trong trái tim mỗi chúng ta, tình yêu quê hương thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng tha thiết là hành trang mang theo suốt cả cuộc đời. Để rôi mai này lớn lên đi xa những đêm buồn lại nhớ quay nhớ quắt, để rồi khi tuổi già bóng xế lại muốn quay về…
Sau đây tôi xin nêu một số câu hỏi giúp các em tìm hiểu về Quảng trị quê hương của chúng ta

Câu hỏi 1:
“Đất nước mình đâu cũng đẹp như tranh” quê hương Việt nam ta là một bức tranh thủy mặc, non xanh nước biếc. Xứ Đoài thì có núi Tản – sông Đà, xứ Nghệ thì có núi Hồng – sông Lam, đất kinh kì thì có núi Ngự - sông Hương Nam định có non Côi sông Vị, Quãng Ngãi có núi Ấn sông Trà… Còn Quảng Trị chúng ta? Câu trả lời dành cho các em?
Trả lời: non Mai – sông Hãn.
Non Mai tức núi Mai Lĩnh, một ngọn núi đẹp ở gần chiến khu Ba Lòng. Sông Hãn là sông Thạch Hãn, ôm lấy phía bắc của Thành cổ Quãng trị
Thầy xin nói thêm một chút về con sông Thạch hãn: Quảng Trị là nơi phát tích của họ Nguyễn khi Nguyễn Hoàng mới vào dựng nghiệp ở Đàng Trong, vì thế năm 1836, sau khi ổn định đất nước, vua Minh Mạng đã chọn sông Thạch Hãn là một trong 9 thắng cảnh của đất nước để đúc vào Cửu Đinh bày ở sân rồng coi như quốc bảo.
Câu hỏi 2:
Em hãy thử lí giải tại sao thành phố của chúng ta lại có tên gọi là Đông Hà

Trả lời: Đông Hà trước đây là tên gọi của một ngôi làng bây giờ thuộc phường 3. Sở dỉ có tên gọi này vì ở đây là một vùng có rất nhiều hà ( cùng loài với hến) nên gọi là Đồng Hà sau gọi chệch thành Đông Hà. Dân làng sinh sống nhờ hến và làm thợ rèn. Có câu ca rằng : “ trai Tân trúc chặt tre thở hoi hóp. Gái Đồng hà đãi hến hát ngêu ngao” ( giải thích câu đối). không chỉ thế ở làng điếu ngao( phường 2 bây giờ) cũng có câu ca: “ cam lộ không cam là cam lộ lộ. điêu ngao không hến là điếu ngao ngao” (giải thích câu đối).

Câu hỏi 3:
Sự hình thành phần đất phía nam quãng trị gắn với tên tuổi cuả một công chúa đời Trần bà được nhân dân xem là khai quốc công thần. em hãy cho biết bà là ai?
Trả lời: Huyền Trân công chúa
Câu hỏi phụ: em có biết ở Đông hà chúng ta đền thờ của Bà ở đâu? Con đường mang tên Bà?
Vào năm 1293, Trần Nhân Tông sau khi đã truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên tu ở núi Yên Tử, mến cảnh núi sông thường hay đi du ngoạn các nơi, vào đến đất Chiêm. Trong khi ở Chiêm Thành, vua Chế Mân biết du khách khoác áo cà sa là Thượng Hoàng nước Việt, nên lấy tình bang giao mà tiếp đãi nồng hậu. Không rõ Thượng Hoàng vân du có ý định mở mang bờ cõi cho đất nước về phía nam không, hay vì cảm tình đối với ông vua trẻ tuổi Chiêm Thành mà hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân.mặc dù khi đó Chế Mân đã có chính thất là hoàng hậu Tapasi, người Java (Inđônêxia ngày nay). Năm 1306, vua Chăm là Chế Mân dâng biểu cầu hôn lên vua Trần Anh Tông xin cưới công chúa Huyền Trân và dâng 2 châu: Châu Ô và châu (Rí) Lý làm vật sính lễ. Vua Trần bằng lòng gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân và nhận hai châu: Ô, Rí. Năm 1309, nhà Trần đổi châu Ô thành Thuận Châu, châu Rí thành Hóa Châu. Thuận Châu chính là dải đất từ sông Hiếu - Cửa Việt trở vào phía Nam, trong đó có các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và phần lớn đất thành phố Đông Hà ngày nay.
Cuộc hôn nhân này là một sự hy sinh to lớn của bà cho đất nước. Chúng ta haỹ nghe nỗi lòng cuả Bà
Nước non ngàn dặm ra đi...
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Ly.
Để tỏ lòng biết ơn vị khai quốc công thành nhân dân Quảng trị đã lập đền thờ bà tại phường Đông thanh thành phố Đồng hà, và con đường trước mặt UBND thành phố chúng ta được vinh dự mang tên Bà
Câu hỏi 4:
Quảng trị vốn là một vùng đất cằn cỗi nghèo khó
“Những ruộng đói mùa những đồng đói cỏ
Những đồi sim không đủ quả nuôi người “
Nhưng vùng quê nghèo ấy lại là nơi sản sinh ra những người con chịu thương chịu khó và rất hiếu học, những nhân tài cho đất nước. Em hãy cho biết những con người Quãng trị đã làm rạng rở cho quê hương

1.Về khoa bảng: Bùi Dục Tài người xã Câu Nhi huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.là người tiến sĩ đầu tiên của xứ đàng trong năm 1502, được cử giữ chức Hàn Lâm dưới triều Lê, Dưới triều Lê Tương Dực, ông được thăng Tả thị lạng bộ Lại. Đời Lê Chiêu Tông, làm đến tham tướng.

2. Về khoa học: Nguyễn Hữu Thận Nhà toán học, danh sĩ thời Nguyễn . Quê làng Đại Hòa, huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Ông say mê toán học từ thuở trẻ, hằng chuyên tâm nghiên cứu về môn học này. Cả hai triều Tây sơn và Gia long đều trọng dụng ông làm đên thượng thư . Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm quý giá
Ý trai toán pháp nhất đắc lực Tam thiên tự lịch đại văn chú Bách ti chức chế
3. Về hội họa có danh họa Lê Bá Đảng Lê Bá Đảng người làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sang Pháp học và trở thành một hoạ sĩ nổi tiếng ở châu Âu. Năm 1989 nhận giải thưởng "Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo" của Mỹ; Năm 1992 được Trung tâm tiểu sử quốc tế thuộc Đại học Cambridge của Anh đưa vào danh mục who is who in the word ; năm 1994 được Nhà nước Pháp tặng "Huân chương Văn hóa nghệ thuật Pháp". Được giới nghệ thuật đánh giá là bậc thầy của hai thế giới Đông - Tây. Hiện hội họa thế giới có một trường phái gọi là trường phái Lê Bá Đảng
4. Về thơ ca có Chế Lan viên người xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông xuất bản tập thơ đầu tay nhan đề Điêu tàn, Từ đây, cái tên Chế Lan Viên trở nên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được người đương thời gọi là "Bàn thành tứ hữu".Con gái ông, bà Phan Thị Vàng Anh, cũng là một nhà văn nổi tiếng
5.Về văn chương chúng ta có Hoàng Phủ Ngọc Tường người làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tác giả của bài kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” mà em được học trong chương trình 12. người được đánh giá là viết ki chỉ sau Nguyễn Tuân
6. Về âm nhạc chúng ta có Trần Hoàn quê quán Hải Lăng, Quảng Trị, tác giả của bản tăng gô” sơn nữ ca “bất hủ. có Hoàng Thi Thơ người làng Bích Khê ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị được coi là người viết nhạc quê hương hay nhất Việt Nam…
7. Về giáo dục chúng ta có GS hồ ngọc đại Hồ Ngọc Đại người làng Vệ nghĩa huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.Ông là một nhà khoa học giáo dục, một nhà tổ chức thực tiễn hoạt động giáo dục, một nhà giáo tràn đầy nhiệt huyết, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, một người "chịu thua tất cả chỉ để được công nghệ giáo dục ( từ chối chức bộ trưởng) ông sáng lập ra Trung tâm Công nghệ Giáo dục (CGD) để tiến hành thực nghiệm công nghệ giáo dục, công nghệ phát triển con người (cả về lý thuyết lẫn thực tiễn).
8. Về chính trị ta có tổng bí thư Lê Duẩn người được đánh giá là tài năng chỉ sau chủ tịch Hồ Chí Minh
9. Về quân sự chúng ta có Lê chưởng quê xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; là một vị tướng tài ba.. có Đoàn Khuê Quê quán: Thôn Gia Đẳng, Xã Triệu Lăng, Huyện Triệu Phong, Tỉnh Quảng Trị là bộ trưởng quốc phòng
Câu hỏi 5: Đầu năm mới có du khách là bạn em ghé thăm Quãng trị em hãy giới thiệu cho họ những nơi cần đến, những món cần ăn
Trả lời: về du lịch nghỉ dưỡng chúng ta có Cửa tùng, Cửa việt, Mĩ thủy…du lịch di tích lịch sử văn hóa cách mạng chúng ta có Thành cổ, địa đạo vĩnh mốc, hàng rào điện tử mắcnamara..về du lịch tôn giáo chúng ta có thánh địa La vang, có chùa Sắc tứ Tịnh quang…
Về đặc sản chúng ta có Rượu kim long, ngày xưa được đánh giá Việt Nam Tứ Đại Danh Tửu. Cháo cá Hải Lăng đã du nhập vào tận Sài gòn. Tục ngữ có câu: Nem chợ Sãi, vải La Vang - Khoai quán Ngang, dầu tràm Đại Nại - Gạo Phước Điền, chiêng Sắc Tứ - Khoai từ Trà Bát, quạt chợ Sông - Cá bống Bích La, gà Trà Lộc... Nưa Lạt Lạo, gạo Cá Tiêm, chiêm Biền bắn, sắn Biền Càn (ở Câu Nhi) Chợ Ngô Xá nón lá Kệ Văn (Văn Quỷ)
Câu hỏi 6: Em hãy cho biết ý nghĩa hai câu thơ sau của nhà thơ Tế Hanh
Trời vẫn xanh một màu xanh Quãng Trị
Tận chân trời mây núi có chia đâu?
Trả lời: Trong lịch sử đát nước chúng ta đã hai lần phải chia cắt. Câu thơ này được Tế Hanh viết trong những ngày đất nước còn khói lửa binh đao, nhân dân phải sống trong cảnh ngày bắc đêm nam, cha xa con, vợ xa chồng…Con sông Bến Hải của Quãng trị chúng ta được chọn làm giới tuyến tạm thời. Nhưng ranh giới ấy chỉ là về địa lí. Còn trong lòng mỗi người con đất Việt thì không gì có thể chia cắt được. Hôm nay chúng ta may mắn được sống trong một đất nước hòa bình thống nhất, chúng ta phải có nhiệm vụ gìn giữ giang san gấm vóc sao cho non sông liền một dải, đừng bao giờ có cảnh máu chảy đầu rơi, làm sao cho trong thôn cùng xóm vắng rộn tiếng cười vui nhà nhà no ấm…
Câu hỏi 6:
Có một ngôi trường có tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã làm nên những kì tích lớn lao, là niềm tự hào của người dân Quảng Trị và được mệnh danh là “ quốc tử giám” của Quảng Trị. Em hãy cho biết đó là trường nào?
Câu hỏi phụ em hãy tự giới thiệu về trường mình? Nơi đào tạo nhân tài cho tỉnh nhà, xép hạng thứ 37 toàn quốc. Học sinh của trường rất thành đạt
Nói rõ ý nghĩa của lô gô của trường: Nói theo ngôn ngữ thời hiện đại là 3 trong 1
Ngọn lửa: Tượng trưng cho sức trẻ
Con ong: Tượng trưng cho sự cần mẫn đam mê chăm chỉ hút nhụy nhả mật cho đời
Cánh buồm: Tượng trưng cho lòng khát khao vươn tới những chân trời mơ ước.
Biểu tượng nói lên sự đào tạo con người toàn diện của nhà trường về cả 3 mặt thể lực đạo đức và tài năng
Các em thân mến thầy còn rất nhiều điều để nói và muốn nói về Quãng trị chúng ta. Nhưng hôm nay thời gian không cho phép những điều thây đã trao đổi chỉ là những gợi ý để có dịp các em tìm hiểu thêm. Bởi thầy nghĩ không ai có thể yêu quê khi mà chẳng biết rõ về quê mình. Thầy xin tạm dừng lại ở đây
Cuối cùng xin đọc tặng các em bài thơ “ Những cánh buồm” mà có thể các em chưa biết như là lời tâm tình, nhắn nhủ của những người làm mẹ làm cha người thầy với các em nhân dịp đầu năm mới chúc các em như những cánh buồm đi thẳng tới những chân trời cao rộng thênh thang
Những cánh buồm
Hai cha con bước đi trên cát
Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh
Bóng cha dài lênh khênh
Bóng con tròn chắc nịch,
Sau trận mưa đêm rả rích
Cát càng mịn, biển càng trong
Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng
Nghe con bước, lòng vui phơi phới.
Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:
“Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời,
Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”
Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ:
“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa,
Sẽ có cây, có cửa, có nhà
Vẫn là đất nước của ta
Ở nơi đó cha chưa hề đi đến.”
Cha lại dắt con đi trên cát mịn,
Ánh nắng chảy đầy vai
Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời
Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ:
“Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,
Để con đi!”
Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm
Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2010










XUNG QUANH TÔI…

TRẦN HƯƠNG TRÀ

Thất bại, vấp ngã trong cuộc sống là điều không tránh khỏi. Bởi chẳng có con đường trải thảm hoa nào có thể dẫn đến thành công cả. Nhưng điều quan trọng là có thể đứng dậy, tiếp tục phấn đấu. Một chổ dựa tinh thần là thực sự cần thiết để tiếp cho ta sức mạnh vượt qua thất bại, bước tới thành công.
Chỗ dựa, là nơi tìm thấy niềm vui sau một ngày dài mệt mỏi, là nơi san sẽ nỗi vui buồn hay chỗ dựa đó là nơi cho ta nguồn an ủi, động viên mỗi khi gặp thất bại, buồn phiền, để từ đó ta có thêm sức mạnh, nghị lực. Một người có một cuộc đời, số phận riêng, hoàn cảnh riêng nhưng khi cô đơn, hay thất bại ai cũng cần một người ở bên chia sẻ, cảm thông mang niềm tin trở lại. Nhà bác học học Achimeghè đã nói rằng: “ Hãy cho một điểm tựa, tôi sẽ nhấc trái đất lên” Câu nói đó không chỉ đúng trong vật lí mà còn rất đúng trong cuộc sống. Bởi một tiếng gọi “ mẹ” của con là điểm tựa cho mẹ thêm yêu cuộc đời; một cái vỗ tay khích lệ của cha là điểm tựa cho con chập chững bước những bước đi đầu đời, một lời động viên, an ủi của bạn là điểm tựa cho tôi quên cả muộn phiền. Trong cuộc sống, ai cũng cần ít nhất một điểm tựa, điểm tựa đó là niềm tin, sự kì vọng, mục đích, tình yêu…Một điểm tựa vững chắc sẽ giúp ta đối đầu với thử thách, gian nan; vượt qua vất vả của tinh thần, đi qua khó khăn, nghịch cảnh dễ dàng hơn. Vì ta biết, bên cạnh ta luôn có một bờ vai sẵn sàng sớt chia, an ủi.
Những hạt cát bé nhỏ góp lại để tạo thành một sa mạc bất tất tận; những con sông dựa vào nhau chảy về tạo thành biển cả mênh mông và những con người đơn lẻ đã tập hợp thành một cộng đồng, một thế giới rộng lớn. Vì vậy, không ai có thể tách rời ra, không ai là không có một chổ dựa. Một chỗ dựa tinh thần vững chắc, đó chính là những người thân yêu nhất của chúng ta, là gia đình, là thầy cô, là bè bạn…là những người luôn sẵn sàng một bờ vai để an ủi, một đôi tay âu yếm, chở che mỗi khi ta cần. Có nhiều người có một chỗ dựa thật vững chắc nhưng lại không nhận ra; chỉ có những người khi thất bại, cô đơn hay chịu sự xa lánh của mọi người mới nhận thức được ý nghĩa thực sự quan trọng của một chỗ dựa. Hãy tỏ thái độ biết ơn đối với điểm tựa của mình!
Bạn có hạnh phúc khi có một chỗ dựa nhưng bạn được gấp đôi hạnh phúc khi trở thành chỗ dựa cho người khác. Bởi lẽ khi kiếm tìm hạnh phúc cho người khác, bạn cũng đang tìm hạnh phúc cho chính mình. Có một chỗ dựa có nghĩa là có một người an ủi, có một chỗ để nghỉ nghơi khi mỏi mệt tìm về. Nhưng ta không nên quá dựa dẫm , phụ thuộc, phải luôn biết tự cố gắng bằng chính sức mình. Phải tự mình cố gắng thì thành công mới có ý nghĩa. Trong cuộc đời, đã bao lần bạn cảm thấy hụt hẫng, dằn vặt, đau đớn…những lúc đó điều quan trọng nhất là có một điểm tựa. Vì vậy, bạn đừng nên ngạc nhiên mà hãy sẵn sàng một bờ vai khi ai đó gục đầu vào bạn mà khóc. Dù là người mạnh mẽ hay yếu đuối thì cũng có lúc cần cho mình một điểm tựa khi mất đi niềm tin hay một điểm tựa để tiến cao hơn, xa hơn trong cuộc sống. “ Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” điểm tựa là như vậy.
Gia đình cho con niềm tin, là chổ dựa để con sống tốt; thầy cô cho em sự khích lệ giúp em vượt qua khó khăn trong học tập, bạn bè tiếp cho tôi sức mạnh để vượt qua thất bại. Vì vậy, hãy tôn trọng, yêu quý điểm tự của mình. Đừng để mất họ, ta mới nhận ra và tiếc nuối.
Hãy tìm cho mình một chổ dựa, để được chia sẽ những khi vui; an ủi những khi buồn; vỗ về những khi đơn lạnh…
“ tựa vai nhau
Cho nhau yên vui ấm áp cuộc đời…”














DẠ THƯA CÔ…



TRẦN HƯƠNG QUỲNH
Kính tặng cô Thúy

Vậy là đã kết thúc năm học lớp 4 này rồi. Tôi vui khi được bước lên một lớp nữa, còn buồn là vì phải chia tay người cô giáo dịu hiền, người đã dạy tôi li một làm toán, từng cách một làm thơ. Phải xa cái chỗ ngồi quen thuộc mà tôi thường ngồi để nghe những lời dạy bảo ân cần mà cô trao trọn vẹn cho chúng tôi. Có những lúc chúng tôi phá đén nỗi mà cô đã khóc vì chúng tôi. Ba mươi tám học sinh mà cô xem như ba mươi tám đứa con của mình. Cô đã dạy chúng tôi khôn lớn thành người, dạy cho chúng tôi cách sống đạo đức của con người Việt Nam chúng ta. Những lúc nghịch phá, cô lại nói với chúng tôi: “các em hãy noi gương Bác mà sống, Bác đã hy sinh vì dân vì nước để tìm con đường cứu tổ quốc Việt Nam. Các em cũng vậy, các em phải tìm một con đường tốt đẹp để dẫn đến tương lai nhé”
Cả cuộc đời đi dạy, cô hết hơi, hết giọng là vì chúng tôi. Có lẽ cuộc đời này, chẳng có thứ gì mà tôi đền đáp cho cô được. Nhưng cô lại nói: ‘ món quà quý giá mà cô cần ở các em là các em phải học giỏi, cô chỉ cần cái đó là cô vui rồi”. Có những lúc những bạn phá nhất lớp lại được con điểm 10 làm cô hạnh phúc đến nỗi bừng khóc lên.
Cô ơi!
Chúng em xem cô như một người mẹ ruột thịt đã sinh thành chúng em. Sau này xa trường, làm sao em quên được những kỉ niệm êm đềm của cô trò chúng ta được chứ. Khi xa mái trường này, em chỉ biết chạy tới ôm cô mà khóc. Giọt nước mắt mắt của em sẽ làm cô vui hơn sau một năm dạy dỗ vất vả. có lẽ thế, nên cô là người mà em yêu nhất trong 4 năm học vừa qua

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2010
















CHUYÊN ĐỀ NGOẠI KHÓA MỪNG XUÂN CANH DẦN

Người thực hiện: TRẦN VĂN SÁU

Kính thưa quý thầy cô giáo kính mến! thưa các em học sinh thân mến
“ Xuân của đất trời nay mới đến. xuân trong tôi đã đến tự lâu rồi”
Người ta nói rằng mùa xuân là của tuổi trẻ. Còn với người lớn tuổi cứ mỗi mùa đông trôi qua là lại thêm một chiếc lá vàng rơi, thế mà lòng tôi lại cứ háo hức như trẻ con mỗi độ xuân về. Trên những nẻo đường quê hương tôi bắt gặp những bông hoa khoe sắc tươi trong nắng vàng rộn rã, những nụ cười hân hoan như nắng mới mùa xuân.” Xuân đến rồi kia xuân đến rồi.”
Và tôi thấy mình bổng trẻ lại và muốn làm một điều gì để góp gió góp nắng cùng xuân
Hôm nay tôi xin phép quí thầy cô, tôi xin được trao đổi với các em đôi điều “trên trời dưới đất” như một món quà nhỏ đầu năm để trao tặng các em đặc biệt là các em lớp 12, với lời cầu chúc cho các em trong năm mới đạt được kết quả cao trong các kì thi sắp tới
Vì mục đích đó nên những câu hỏi tôi đua ra đều liên quan đến kiến thức mà các đã và sẽ được học, mong các em theo dõi để trả lời và chúng tôi sẽ có những phần thưởng cho những em có câu trả lời hay

Câu 1: Nhân dịp đầu năm mới có một người bạn ở một nơi xa xôi trong vũ trụ muốn đến thăm trường ta, em hãy cho bạn ấy địa chỉ ?
Trả lời: trường chuyên Lê Quý Đôn 106 Hùng Vương Đông Hà, Quảng trị, Việt Nam, hành tinh Trái đất, hệ mặt trời, trên dải thiên hà Ngân hà
Những kết quả quan trắc và nghiên cứu chứng tỏ vũ trụ là vô tận. trong phần vũ trụ mà con người đã tìm hiểu được( bán kính hàng tỉ năm ánh sáng) thì hầu hết vật chất tồn tại dưới dạng các sao tức là những thiên thể khổng lồ nóng sáng( những mặt trời). các sao phân bố trong không gian không đều, chúng tập trung thành những hệ có hình dạng xác định gọi là các thiên hà. Các sao trong thiên hà phân bố không đều đa số tập trung vào một mặt phẳng xác định được gọi là mặt phẳng chính của thên hà. Hệ mặt trời nằm cách trung tâm Thiên Hà của chúng ta 30 nghìn năm ánh sáng và quay quanh tâm thiên hà với tốc độ 250km/s

Câu 2: Có một bài ca dao rất hay mà tôi tin nhiều em thuộc vì nó được các bà mẹ dùng hát để ru con
Cầu Ô Thước trăm năm giữ vẹn
Sông Ngân Hà giữ trọn đừng phai
Sợ em ham chốn tiền tài
Dứt đường nhân ngãi lâu dài bỏ anh.
Trong văn học, cầu Ô Thước sông Ngân hà đã trở thành biểu tượng tình yêu.
Em biết gì sông Ngân Hà, cầu Ô thước ?
Trả lời: Thiên hà được gọi là thiên hà của chúng ta bao gồm 6000 sao mà ta nhìn thấy bằng mắt thường và hơn một trăm tỉ sao khác chỉ có thể quan sát bằng kính thiên văn. Những đêm trời quang mây tạnh nếu nhìn theo phương của mặt phẳng chính của thiên hà của chúng ta thì sẽ thấy một dải sáng quen gọi là dải Ngân Hà( sông Ngân), đó là hình chiếu của thiên hà chúng ta lên vòm trời
Ngưu Lang là vị thần chăn trâu, vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên cả 2 bỏ bễ công việc Ngọc Hoàng giận giữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông. Chỉ cho hai người mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm mùng 7 tháng Bảy âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu. Thời bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các phường thợ mộc ở trần thế được vời lên trời để xây cầu. Vì mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai, họ cãi nhau chí chóe nên đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng bực tức, bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Vì thế cứ tới tháng bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều. Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng lại lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh. Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, mới ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông đầu. Từ đó, cứ tới tháng bảy thì loài quạ lông thì xơ xác, đầu thì rụng hết lông.
Theo thần thoại Trung Quốc, chim quạ (ô) và chim khách (thước) khuân đá lấp sông Ngân Hà tạo nên cầu Ô Thước để Chức Nữ qua gặp Ngưu Lang vào đêm mồng bảy tháng bảy âm lịch.

Câu 3: Bây giờ chúng ta đi tìm hiểu các thành viên trong gia đình mặt trời: gia đình mặt trời gồm mặt trời và 8 hành tinh:
Thủy, kim, đất, hỏa,( chất rắn) mộc, thổ, thiên, hải( chất khí) quay quanh mặt trời với các quỹ đạo khác nhau. Sao thủy quay quanh mặt trời mất 88 ngày sao kim 225 ngày, trái đất 365 ngày, sao hỏa 687 ngày, sao mộc 11,9 năm, sao thổ 29,5 năm, sao thiên vương 84 năm, sao hải vương 165 năm. Tế Hanh một trong những người khởi xướng phong trào thơ mới có nhiều bài thơ tình rất hay, trong bài Vườn xưa đã viết:
Đôi ta như ngày nắng tránh ngày mưa
Như mặt trời mặt trăng cách trở
Như sao mai sao hôm không cùng ở
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa
Em hãy cho biết tại sao sao Hôm và sao Mai lại không cùng ở?
Trả lời: Sao Hôm và sao mai thực chất là một hành tinh duy nhất đó là sao Kim. Tùy theo vị trí của nó trên bầu trời mà có khi chúng ta thấy nó mọc trước mặt trời đó sao Mai và có khi thì thấy nó lặn sau mặt trời đó là sao Hôm

Câu 4: Có một nhà thơ rất nổi tiếng đã từng mơ mộng có một ngày được lên tới sao Kim. Em có lời khuyên cho nhà thơ với ý tưởng lãng mạn này?
Trả lời: Sao kim có kích thước như là anh em sinh đôi với trái đất. Tuy vậy chẳng có cặp sinh đôi nào lại khác nhau đén thế. Sao kim bị bao phủ bằng những lớp mây axits sunfuric đậm đặc không khí của nó có sức ép bằng 90 lần áp suất khí quyển trên trái đất và gồm toàn khí cacsbon điôxit ngạt thở. Chất khí này thu giữ nhiệt lượng của mặt trời và làm cho nhiệt độ lên đến 4650C. Bước chân lên sao kim nhà thơ sẽ bị ăn mòn, bị nghiền nát, bị ngộp thở và bị nung nóng cùng một lúc. Có thể nói sao kim là một hành tinh địa ngục.
Để các em biết được chúng ta đang được tạo hóa ưu ái như thế nào thầy xin giới thiệu đôi nét về các hành tinh còn lại:
sao Thủy, là một thế giới nhỏ, lỗ chỗ các miệng núi lửa và hầu như không có không khí, là hành tinh gần mặt trời nhất, nó thường rất nóng mặc dầu các miệng núi lửa ở hai đầu cực thường xuyên khuất mặt trời nên lạnh đến nỗi có cả những tảng băng ( câu hỏi phụ: tại sao cư dân sao thủy lại ăn mừng sinh nhật hai lần trong một ngày. Vì từ lần mặt trời mọc này đến lần kế tiếp sao thủy hai lần quay chung quanh mặt trời , hoàn thành hai năm sao thủy).
sao Hỏa: so với các hành tinh khác sao hỏa giống trái đất nhất. nó cũng có ngày dài như trái đất, không khí và hai đầu cực băng giá và những sa mạc với những vệt sẫm. nhưng không khí ngạt thở chứa cacbonddiooxxit loảng hơn khí quyển của trái đất nhiều.
sao Mộc là vị vua của các hành tinh. Nó lớn đến nỗi ta có thể và trọng lực của nó có thể kiểm soát đến 16 vệ tinh gã khổng lồ bằng không khí này được tạo thành hầu như toàn là khí hydro.
Sao Thổ với những vành đai đủ màu là một hành tinh rực rỡ nhất. nó có kích thước cũng rất lớn chỉ thua có sao Mộc. đặc biệt nó có tỉ trọng thấp đến nỗi nó sẽ nổi trên mặt nước nếu ta tìm được một chậu nước chứa nó, sao thổ cũng có một gia đình đông đúc nhất trong các hành tinh với 18 vệ tinh đã biết
Sao Thiên Vương hành tinh bị đảo lộn nó ở xa và trông mờ nhạt đến nỗi phải dùng kính thiên văn mới quan sát được nó. Hành tinh này bị lật ngang, có lẽ cách đây rất lâu nó bị một hành tinh khác đi loạng choạng tông vào, đôi lúc cực bắc của nó hướng về mặt trời, và đôi khi cực nam cũng hướng về phía mặt trời, các mùa cũng rất khác biệt, nó được cấu thành từ chủ yếu là nước gia đình sao thiên vương gồm 15 vệ tinh
Hải Vương tinh to gần bằng kích thước sao thiên vương tinh. Cấu thành từ chủ yếu là nước là gia đình gồm 8 vệ tinh

Câu 5: Em hãy cho biết ai là người đầu tiên phát hiện ra trái đất quay?
Trả lời: Ngày nay Chúng ta đã biết trái đất không hề là trung tâm vũ trụ, nhưng có một thời người ta đã nghỉ như thế, bởi khi ta ngước nhìn bầu trời, ta chỉ thấy mặt trời, mặt trăng và các vì sao quay quanh mình. Khi con người mở mắt nhìn xã hội, tất cả đều hiện ra như chính mình là tâm điểm, con người luôn lấy vị trí của mình làm trung tâm để nhìn môi trường xung quanh, thái độ đó đã ăn sâu trong đầu óc con người. trước copernicus tồn tại hệ đia tâm Ptoleme
Copernicus đi vào lịch sử như là người đầu tiên khẳng định trái đất quay quanh mặt trời và đã mở ra một kỉ nguyên mới cho loài người. trái đất từ chổ là trung tâm bất động của vũ trụ đã trở thành một hành tinh tí hon quay quanh mặt trời. Nó đã mỡ đường cho nghành thiên văn học hiện đại, đã làm đảo lộn quan niệm về thần học đang ngự trị trong giới triết học và khoa học châu âu thời bấy giờ ( thế kỉ 16) trong khoảng không gian vô tận trái đất chỉ còn là một vật thể bé nhỏ trong vũ trụ và con người chỉ là hạt bụi trong không gian vô tận đó.

Câu 6: Thi sĩ Hàn Mặc Tử trong những ngày tuyệt vọng đã thốt lên: “ hôm nay có một nữa trăng thôi, một nữa kia ai cắn vỡ rồi. Ta nhớ người xa thương đứt ruột. Gió làm nên tội buổi chia phôi"” và đại thi hào Nguyễn Du trong truyện Kiều ở cảnh Thúy Kiều khi tiễn đưa Thúc Sinh: "Người về chiếc bóng năm canh. Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi", Kiều ngẩng lên trời và hoảng hốt: “ vầng trăng ai xẻ làm đôi, nửa soi gối chiếc, nửa phơi dặm trường”.còn ca dao thì có câu: “ trăng trên trời có khi tròn khi khuyết” Em hãy giải thích tại sao lại chỉ có nữa vầng trăng, tại sao chị Hằng khi tròn khi khuyết
Trả lời: Mặt trăng như ta biết vận hành quanh trái đất và chỉ có một bề mặt của nó hướng về mặt trời và nhận ánh sáng từ mặt trời rồi phản xại về trái đất. Sự thật thì diện tích ánh sáng này trên mặt trăng không thay đổi ngoại trừ khi có nguyệt thực. Con người ở mặt đất nhìn vào nó với một góc độ khác nhau tùy theo từng khoảng thời gian khi mặt trăng nằm chệch một góc khác nhau giữa trái đất và mặt trời làm cho ta chỉ thấy một phần của ánh sáng này và nó hiện ra khi ‘tròn’, khi khuyết

Câu 7: Thời xưa, ở Hòa Châu (tức Thanh Hóa bây giờ), có một người tên là Từ Thức, là người có học, nhân đức. Một hôm, có một thiếu nữ nhan sắc xinh đẹp, gặp nạn đã được Từ Thức ra tay cứu giúp. Không ngờ đó là tiên nữ giáng trần có tên là Giáng Hương. Rồi sau đó hai người xe mây về tiên giới kết nghĩa vợ chồng. Từ Thức ở được chừng một năm, có ý nhớ nhà, nhớ mẹ nói với Giáng Hương rằng:
- Tôi đi xa nhà đã lâu, lắm lúc nhớ quê cũ, muốn về thăm một chút.
Giáng Hương tần ngần, không đáp.
Từ Thức lại nói:
- Tôi chỉ về chơi ít bữa, rồi lại đến đây với nàng.
Giáng Hương khóc mà nói rằng:
- Thiếp không phải vì tình lưu luyến hẹp hòi mà ngăn trở ý định của chàng, chỉ vì ở trần gian tháng ngày ngắn ngủi, sợ chàng có về đến nhà, cũng không thấy còn như trước nữa.
Giáng Hương đem chuyện nói với ngọc hoàng. Thấy Từ Thức trần duyên chưa dứt, ngọc hoàng mới sai người lấy một cỗ xe để tiễn đưa chàng. Giáng Hương viết một phong thư dán kín đưa cho chồng, dặn đến nhà hãy mở ra xem.Từ Thức từ biệt Giáng Hương và ngọc hoàng, rồi lên xe, chỉ chớp mắt đã về đến làng cũ. Nhìn phong cảnh chàng thấy khác hẳn xưa, chỉ còn hai bên khe núi là vẫn nguyên như trước. Chàng đem họ tên mình hỏi thăm các cụ già trong làng thì có một cụ trả lời:
- Hồi nhỏ, tôi cũng có nghe nói hình như cụ tổ bốn đời nhà tôi họ tên cũng như thế, nhưng lạc vào hang núi cách đây đã ngót hai trăm năm rồi.Từ Thức buồn rầu, muốn lại ngồi lên xe tiên để đi, thì xe đã hóa thành chim loan bay đi mất rồi. Mở bức thư của Giáng Hương ra xem, chàng chỉ thấy có dòng chữ vắn tắt: "ở nơi tiên cảnh, cùng nhau kết bạn, nay duyên xưa đã hết, không còn mong hội ngộ".Về sau, người ta thấy Từ Thức đội cái nón nhỏ vào núi Hoàng Sơn (thuộc huyện Nông Cống, Thanh hóa ) rồi không về nữa. Em thử lí giải hiện tượng trên?
Trả lời: Theo thuyết tương đối hẹp trong hệ quy chiếu chuyển động thì thời gian ngắn lại so với hệ quy chiếu đứng yên.( đồng hồ gắn với vật chuyển động chạy chậm hơn đồng hồ gắn với quan sát viên đứng yên) như vậy khái niệm thời gian cũng có tính tương đối phụ thuộc vào việc chọn hệ quy chiếu. vì vậy nên một ngày trên tiên giới bằng một năm ở hạ giới. không biết khi tìm ra thuyết tương đối Einstein có lấy ý tưởng từ câu chuyện từ thức không?

Câu 8: người Việt chúng ta từ xa xưa đã có tính hiếu hoc. Ngày nay cũng có rất nhiều người Việt thành công treenccon đường khoa học. Em hãy cho biết các nhà thiên văn người Việt nổi tiếng?
Trả lời: Trịnh Xuân Thuận là một chuyên gia người Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực vật lý thiên văn, là một nhà văn đã viết nhiều quyển sách có giá trị cao về vũ trụ học và về những suy nghĩ của ông trong tương quan giữa khoa học và Phật giáo. Ông còn là một nhà thơ, một triết gia,một nhà hoạt động cho môi trường và hòa bình. Ông đã nhận lãnh nhiều giải thưởng trong lĩnh vực thiên văn và trong lĩnh vực văn hoá xã hội.Giai điệu bí ẩn. Và con người đã tạo ra vũ trụ, Văn Hỗn độn và hài hòa, Cái vô hạn trong lòng bàn tay (Từ Big Bang đến Giác ngộ),Lượng tử và hoa sen, Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận.
Nguyễn Quang Riệu, Giám đốc Đài thiên văn Paris
Phòng làm việc của nhà thiên văn học được đặt gần tháp Eiffel, nơi quản lý giờ quốc tế thông qua việc sử dụng đồng hồ nguyên tử theo dõi và tính giờ chuẩn xác nhất. Chính tại đây, ngày 1-1-2006 vừa qua, các nhà khoa học đã "vặn" chậm lại một giây đồng hồ để thời gian trên trái đất trùng với thời gian quay của quỹ đạo các thiên thể trong Hệ Mặt trời.

Câu 9: Nếu bạn là một người từ thế giới khác đến thăm thái dương hệ, bạn sẽ thấy có một hành tinh kì là hơn những hành tinh khác. Hành tinh thứ 3 từ mặt trời. Một hành tinh có màu xanh dương rất lạ, bởi vì đấy là một hành tinh đầy nước. Đó là một hành tinh duy nhất có nhiều oxy, và đó là chốn duy nhất trong thái dương hệ có sự sống. chắc chắn các em cũng biết đó chính là trái đất thế giới quê hương chúng ta. ấy vậy mà trái đất đang đứng trước những hiểm họa khôn lường, theo em những mối đe dọa đó là gì? Và chúng ta phải làm gì để cứu lấy trái đất thân yêu?
Trả lời: Trái đất ngày nay đang bị đe dọa vì chúng ta tiêu hao các tài nguyên của nó quá nhanh mà lại chưa làm gì để ngăn chặn nạn ô nhiễm đất, nước và không khí. Sự phát triển của công nghiệp và giao thông đã đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng dẫn đến mức độ ô nhiễm trầm trọng. hiệu ứng nhà kính đang thay đổi khí hậu trái đất làm nước biển dâng cao, cây cỏ bị hủy diệt nhiễm độc phải chết dần chết mòn, một số vùng sẽ nóng và khô hơn, bão cũng nhiều hơn tác động xấu đến việc sản xuất lương thực, thực phẩm. tầng ozon tấm lá chắn trên cao bị phá hủy để lọt những tia bức xạ có hại của mặt trời làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người
Tuy nhiên có rất nhiều giải pháp để cứu trái đất: Đó là sử dụng năng lượng có thể tái tạo được, đó là năng lượng mặt trời, ngăng lượng gió và biển vừa rẻ, không ô nhiễm lại không bao giờ cạn kiệt. Đó là sự dụng vật liệu tái sinh, đó là tiết kiệm tài nguyên bằng cách kéo dài thời gian sử dụng của vật dụng. Đó là phân chia một cách công bằng tài nguyên thế giới làm cho người giàu tiêu phí ít hơn và người nghèo không phá hủy tài nguyên nơi mình sồng

Kết luận: con người ta sinh ra lớn lên ai cũng đầu đôi trời, chân đạp đất, nhưng thử hỏi có mấy ai quang tâm đến chuyện đất trời? Vào một đêm đẹp trời nào đó em hãy tìm một nơi thanh vắng để nhìn ngắm bầu trời để thấy sự tuyệt vời của tạo hóa, để thấy lòng mình trở nên vô cùng thánh thiện, để quên đi những nỗi ưu phiền những nhọc nhằn những bon chen của cuộc sống, để thả trôi đi những tị hiềm để được đồng cảm với Trịnh Công Sơn khi cất lên câu hát: “ tôi là ai, là ai mà yêu quá đời này” và để thấu hiểu cùng Xuân Diệu: “ còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi, nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”
Cuối cùng xin chúc quý thầy cô và các một năm dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và gặt hái được nhiều thành công. Xin cám ơn quý thầy cô và các em rất nhiều vì đã lắng nghe