Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

Tình khúc khe sanh













TRẦN VĂN SÁU


Tôi đến Khe Sanh vào những ngày tháng sáu.
Những đỉnh núi xa mờ mây trắng cứ giăng giăng.
Đêm phố núi mơ màng huyền ảo dưới ánh trăng.
Gió lành lạnh sương tung tăng khắp phố.

Tôi theo em qua từng con phố nhỏ.
Đường thì dài chân chẳng dám bước mau.
Tôi cứ đi chẳng cần biết về đâu.
Lòng náo nức như quê hương mở hội.
Ngày sáng trăng còn đêm không bóng tối.
Con nai vàng bên suối đứng lơ ngơ...
Chân bước đi mà lòng muốn đợi chờ...

Tôi trở về Khe Sanh giữa những ngày tháng sáu.
Nắng vẫn dịu dàng vẫn âm ỉ tiếng ve kêu.
Vẫn mây giăng giăng đỉnh núi sớm chiều.
Vẫn cơn gió lạnh đêm đêm thổi về từ Lao bão
Giữa dòng đời ngược xuôi cơm áo.
Em bây giờ nơi đâu?
Dòng sông kia sao chẳng thấy bóng cầu?
Nghe xót xa nơi đầu môi mặn đắng.
Phố xôn xao mà lòng tôi trống vắng
Không xóm đạo, chẳng nhà thờ mà chuông cứ vang vang.. .

con đường tôi đi
















Tùy bút

Trần Văn Sáu


Khi tôi nhận quyết định công tác, bạn tôi một người tính thích “bay nhảy” nửa đùa nửa thật bảo rằng : nghề đi dạy thật là nhàm chán, suốt ngày giam mình trong bốn bức tường,nhại đi nhại lại những bài ca cũ rích, thật đúng là “gà què ăn quẩn cối xay”. Tôi nghe mà chẳng nói gì, chỉ biết cười nhưng lòng suy nghĩ mông lung..
Có thực như vậy không?
Tôi đã chọn đường đi cho mình không phải vì sở thích mà do quá yêu quí và ngưỡng mộ thầy tôi. Ngày đó,chúng tôi những đứa học trò quê mùa, nhếch nhác suốt ngày quấn quýt bên thầy như bên một ông tiên. Thầy đã dẫn lối cho những tâm hồn khờ dại của chúng tôi, chỉ cho chúng tôi nhân sinh quan về cuộc sống, cho chúng tôi biết nhận ra và vươn tới cái hay cái đẹp ở quanh mình. Chúng tôi như bị thầy thôi miên.. ..
Ngày đầu tiên đi dạy tôi mang trong mình một chút háo hức, một chút vui vui và xen lẫn một chút buồn vu vơ. Bước vào lớp học nhìn xuống tôi thấy những đôi mắt ngây thơ trong veo và hồn nhiên như mặt trời buổi sớm, những gương mặt rạng ngời chào đón hân hoan. Bao muộn phiền trong tôi biến tan thành mây khói, lòng tôi bỗng hóa bình minh. Một niền tin trong tôi bổng lóe sáng: ngày mới đã bắt đầu.. .
Tháng ngày trôi đi, tôi phát hiện ra trong “bốn bức tường ấy” là cả thế giới. Có núi cao và có cả sông sâu. Có những ngày vui bất tận nhưng cũng có những đêm buồn lê thê. Có những lúc trời yên biển lặng nhưng cũng có những lúc sống gió bão bùng. Những sáng nắng trong và những chiều mưa dầm đều có cả. Ở đó chúng tôi đã “hát” cho các em nghe và chúng tôi đã lắng nghe các em “hát”. Có những tiết học trôi qua trong sự vật lộn kiếm tìm, mà kết quả là cả thầy và trò đều thu được bao điều thú vị. Ở đó không chỉ chúng tôi nói cho các em nghe về tình thương mà chúng tôi đã học được ở các em về lòng bao dung và nhân ái...
Mỗi chiều, rời lớp học, công việc buồn vui cứ theo tôi đi thẳng về nhà chả lúc nào dứt ra được. Bài vở chưa xong, đứa học trò giỏi không làm hồ sơ thi đại học vì mẹ thì nghèo mà em lại quá đông. . . ngày mai đã hết hạn rồi . . .
Vậy mà có những ngày không đến lớp lòng cứ buồn man mác . Ở giữa quê hương mà tôi như đứa nhớ nhà
Rồi cuối năm học là những cuộc chia xa, những con chim non đã đủ lông đủ cánh. Khoảng sân kia đã chật hẹp mất rồi. Mỗi năm học mới về lại mang thêm bao nỗi nhớ !
Sáng nay tôi lại đến trường, trên con đường rợp bóng cây xanh băng qua cánh đồng vắng. Trước mắt tôi cánh đồng lúa chín trải dài trong nắng. Trong gió nhẹ những bông lúa tạo những gợn sóng lăn tăn chạy mãi, chạy mãi về chân trời xa ngái. Nhìn bác nông phu với nụ cười mãn nguyện tôi cũng thấy vui lây. Lòng thấy nhẹ lâng lâng như mình vùa trúng mùa vậy!
Bạn tôi bây giờ là doanh nhân thành đạt ở tận trời tây, nhân chuyến về thăm quê nhắc chuyện củ vẫn nửa đùa nửa thật “ mình nói có sai không ?” Tôi cười “ bạn chẳng đúng đâu vì bạn quên một điều rất quan trọng là trong bốn bức tường ấy có rất nhiều cửa sổ và có những mầm xanh. . .”

ngọn đèn đã thắp lên














Tùy bút

TRẦN VĂN SÁU

Khai giảng năm nay con không còn mang khăn quàng đỏ và đội mũ ca lô. Với tà áo dài thướt tha con đã bỏ lại sau lưng thời niên thiếu. Con bây giờ đã là thiếu nữ trường chuyên
Mặt trời hôm nay thức dậy sớm. Con theo bạn đến trường trong cảm giác bâng khuâng. Đường vào trường như quen như lạ. Bước chân ngập ngừng lòng cứ thấy vui vui. Những nụ cười tươi như bông hồng ban mai mới nở. Những ánh mắt nhìn trời tháng chín gương trong
Cổng trường rộng mở trước mắt con như chào đón. Nhìn lên dãy nhà ba tầng cao cao sơn màu nâu giản dị , con thấy hàng chữ đề :”Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Một chút tự hào pha lẫn một chút lo lo thoáng qua trong tâm trí. Con phải làm gì trước sự tin yêu?
Con bỗng nhớ chốn quê nghèo xa xăm nơi có Mẹ. Chắc bây giờ lòng Mẹ đang hướng về con? Ngày nhận giấy báo đậu trường chuyên con nhớ mãi. Mẹ hớt ha hớt hải chạy về từ cánh đồng xa , quần ống thấp ống cao,hai nàng nước mắt lăn dài trên má. Tay run run Mẹ thắp hương cúi lạy trước hình Cha
Con lại nhớ về những tháng ngày qua, về thầy cô về bạn bè yêu dấu. Bến bờ xưa thuyền không còn neo đậu.Con sông nào rồi cũng chảy tới biển khơi. Bạn bè giờ mỗi đứa một nơi nhưng lòng ai cũng nặng ân nghĩa củ .
Tiếng trống khai trường nghe như lời nhắn nhủ: năm học mới đến rồi, sách vở đã sang trang. Trước mắt con đường lớn rộng thênh thang. Dẫu có núi cao , dẫu còn nhiều gian khó. Nhìn lên trời cao từng chùm bong bóng nhỏ, sát cánh cùng nhau bay tới đằng đông, lấp lánh xinh tươi như một giấc mơ hồng. Con thấy trong lòng đầy hi vọng. Trong con ngọn đèn nhỏ đã thắp rồi.

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009














CHUYÊN ĐỀ NGOẠI KHÓA CHÀO NỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11-2009

NGƯỜI THỰC HIỆN: TRẦN VĂN SÁU

Kính thưa quý thầy cô giáo, thưa các em học sinh yêu quí hôm nay cho phép tôi với tư cách cá nhân xin được trao đổi với các em đôi điều về chuyện trường, chuyện lớp, chuyện học, chuyện dạy, chuyện thầy cô, chuyện học trò…

Phần 1: Những cảm xúc riêng tư
Các em thân mến! quay tới quay lui một mùa 20/11 nữa lại trở về tôi đi dạy năm nay đã tròn 20 năm, thế mà hàng năm cứ vào dịp này lòng tôi vẫn cứ thấy bâng khuâng. Đường tôi đi không phải lúc nào củng trơn tru bằng phẳng có rất nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn có nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nỗi buồn. Nhưng tôi có thể tự hào nói mà không thấy hổ thẹn với lương tâm rằng có lẽ trên đời này không có nghề nào hạnh phúc như nghề giáo. Bởi không có môi trường nào trong sáng như trường học bởi không có lứa tuổi nào đáng yêu như tuổi học trò, bởi chúng tôi không chỉ dạy mà còn học được bao điều từ học sinh của mình bởi chúng tôi không chỉ thương yêu mà còn được yêu thương…Các em ạ nếu ai đó trong các em chọn nghề thầy giáo thì phải hiểu rằng mình sẵn sàng dấn thân. Nghề giáo không đem lại cho em nhiều tiền bạc không đem lại cho em những vinh hoa phú quí về vật chất, hiện tại người thầy giáo cũng như bao nhiêu người làm nghề khác đang chịu sức ép của cuộc sống cơm áo gạo tiền. Không ai có thể nghĩ ra những điều tốt đẹp khi cái dạ dày đang sôi réo. Nhưng tôi lại tin rằng, những ai đã chọn và tâm huyết với nghề dạy học sẽ tìm thấy niềm vui riêng khi được làm việc trực tiếp những tâm hồn ngây thơ và trong sáng. Biết bao lứa học trò đã ra đi, biết bao lứa học trò sẽ đến. Sung sướng biết bao khi mỗi mùa thi nghe tên học trò mình trúng giải, sung sướng biết bao nhiêu khi ra đường có đứa học trò khoanh tay trước ngực “ em chào thầy” sung sướng biết bao nhiêu khi một đứa học trò nghèo hiếu thảo với mẹ cha lại còn chăm ngoan học giỏi, sung sướng biết bao nhiêu khi những đứa học trò cá biệt hoang nghịch ngày xưa mà giờ cứ mỗi độ 20/11 vẫn điện hỏi thăm thầy và sung sướng biết bao nhiêu khi được biết học trò mình giờ đã thành đạt thành danh… và biết bao nhiêu điều sung sướng nữa mà không một nghề nào có được.
Có lẽ tôi phải mượn lời của một tác giả mà tôi chưa kịp biết tên để nói hộ lòng mình trong giờ phút tràn đầy xúc động này:

“Sáng hôm nay tôi muốn nói :cám ơn đời
Cám ơn đời vì tất cả những gì cuộc đời đã ban cho tôi thật dồi dào: sức khỏe, hạnh phúc và phồn vinh….vì những bài học cam go nhờ đó mà tôi hiểu rõ được mình hơn và hiểu rõ tha nhân
Cám ơn đời vì những thất bại tôi đã kinh qua nhờ đó mà tôi học được lòng khiêm nhu, ý thức được rằng mình không được ngủ say trên chiến thắng và hiểu rằng những người khác khi họ thất bại thì cũng cần được nâng đỡ tiếp tay…vì những cơ hội để vun trồng đức nhẫn nại, lòng bao dung và niềm hi vọng
Cám ơn đời vì bao nhiêu khám phá về thực tại và về chân lí…vì những vận may tôi đã gặp, những vận rủi tôi đã tránh những giải pháp tôi đã tìm ra, những tài năng tôi đã phát triển, những thành công tôi đã đạt những ngày đẹp tôi đã sống qua
Cám ơn đời vì mẹ cha mà tôi có, bạn hữu tôi đã gặp, thầy cô tôi đã học, những cuốn sách tôi đã đọc, những chuyến đi tôi đã thực hiện, những bữa ăn tôi đã dùng …vì cảnh quan tôi đã chiêm ngưỡng, mặt trời tôi thấy kia, bông hoa tôi ngắm nhìn, khí trời tôi hít thở
Cám ơn đời vì càng ngày tôi càng ý thức rằng khi mình làm điều tốt lành thì tâm hồn sẽ thanh thản hạnh phúc. Hạnh phúc chân thật như cơn gió mát mùa xuân. Khi mình thương yêu và được yêu thương
Cám ơn đời vì niềm vui thật đơn sơ là thấy mình còn sống
Cám ơn đời vì mỗi sớm mai thức dậy tôi có thêm một ngày nữa để yêu thương”


Phần 2: Những điều trao đổi
Câu 1: em hãy cho biết chúng ta học để làm gì?

Trả lời : các em biết không theo quan điểm của người xưa thì Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái chân và thực hành cái thiện.
Theo UNESCO 4 trụ cột của giáo dục đào tạo là:
Học để biết: learning to know
Học để làm: learning to do
Học để làm người và tồn tại: learning to be
Học để chung sống hòa nhập: learning to live toget the
4 tiêu chí đó thì ở cấp phổ thông chúng ta học để làm người là quan trọng thất và việc học làm người sẽ không bao giờ kết thúc. Các em nên nhớ rằng chúng ta đến trường không phải để học cách kiếm sống mà để học cách sống. Có điều rất tiếc hiện nay do việc làm còn quá khó khăn, áp lực của nghề nghiệp còn quá nặng nề nên cả thầy và trò chúng ta bị xoáy vào vòng xoáy của kinh tế thị trường nên chúng ta vẫn nghiêng về học để thi, chúng ta mất quá nhiều thời gian vào việc luyện thi. Nhưng tôi tin rằng một ngày không xa khi nền kinh tế của chúng ta đã phát triển khi đó các em sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc học làm người

Câu 2: Leplanđao là một nhà Vật lí nổi tiếng người Nga. Trong một giờ lên lớp cho sinh viên Vật lí ông hỏi một sịnh viên một câu hỏi chẳng liên quan gì đến Vật lí: em hãy cho biết Epghênhinôpghênhin là tác phẩm của ai? Sinh viên giói Vật lí nọ không trả lời được. thế là bị điểm kém. Em có bình luận gì về quan điểm và cách hành xử của Leplanđao?

Trả lời: Các em ạ có thể các em không đồng tình với cách hành xử của Leplanđao nhưng chắc chắn rằng chúng ta hoàn toàn đồng tình với quan điểm của ông. Bởi như trên các em đã biết chúng ta học Vật lí không phải để rồi ai cũng làm nhà Vật lí mà chúng ta học Vật lí để làm người. Vì vậy không lí gì một tác phẩm kiệt xuất của một con người vĩ đại như vậy mà chúng ta lại không quan tâm. Bởi vì nghệ thuật, âm nhạc là món ăn tinh thần mà chúng cần có. Đó là chưa nói đến chính thơ ca nhạc họa nghệ thuật chắp cánh cho Vật lí bay xa, cho những ý tưởng lảng mạn của những phát minh Vật lí

Câu 3: Có người cho rằng vai trò của thầy giáo và quan hệ thầy trò ngày nay không còn tốt đẹp như xưa nữa. Em có đồng ý với nhận định trên không? Tại sao?

Trả lời: Các em ạ, vì hiện tại chưa có một cuộc điều tra xã hội học nào về vấn đề trên nên thầy cũng không dám chắc điều trên có đúng hay không? Nhưng thấy nghĩ ý kiến này có cơ sở. đấy, các em biết không? Với học trò ngày xưa thì học trò chỉ học chủ yếu vói 1 thầy, tất cả kiến thức mà trò học được đều ở một người thầy. Vì vậy tầm ảnh hưởng của người thầy lên học trò rất lớn. tình cảm thầy trò tất nhiên là rất sâu nặng Nhưng ngày nay thì các em biết một đời học sinh học qua nhiều thầy và học trò không chỉ học ở thầy mà còn học qua bao nhiêu thứ khác. Vì vậy vai trò của người thầy không còn tuyệt đối như xưa. Bởi vậy người thầy ngày nay phải luôn cập nhật làm mới mình như vậy tôi nghĩ thầy giáo vẫn được học trò kính trọng. Đặc biệt sản phẩm của nghề dạy học không phải là những vật dụng có thể sờ bằng tay, thấy bằng mắt mà là nhân cách, tri thức, đạo đức của một con người. Một người thợ đóng giày tồi sẽ làm ra những chiếc giày không tốt, khi mua phải và đi vào, chân chúng ta có thể bị đau, nếu không thích chúng ta có thể thay chúng, nhưng một thầy giáo tồi sẽ tạo ra những thế hệ học trò méo mó về nhân cách, lệch lạc về tri thức. Khi đó, dù đau lòng và muốn thay nhưng chúng ta không thể làm như với đôi giày kia. Bởi vậy tôi nghỉ vai trò của thầy giáo ngày nay vẫn vô cùng quan trọng. Đặc biệt là những thầy giáo tâm huyết với nghề

Câu 4: Theo em một thầy giáo như thế nào là một thầy giáo giỏi?
Trả lời: Các em ạ, một thầy giáo giỏi tất nhiên phải là một thầy giáo có kiến thức rộng, có đạo đức, yêu trẻ yêu nghề. Nhưng các em biết không “con người ta không phải là một bình nước cần được đổ đầy mà là một ngọn đuốc cần được thắp sáng “người thầy giỏi là người biết truyền cảm hứng cho học sinh, biết thắp lên trong các em những tia sáng đầu tiên của của những giấc mơ lớn, biết làm cho các em tự đi được trên đôi chân của mình để đi đến chân trời chân thiện mĩ. Người thầy giáo giỏi không phải phải là người chỉ huy đứng trên bờ la hét hướng dẫn học trò học bơi trong khi chúng đang bì bõm lặn ngụp dưới nước mà phải vật lộn trong dòng nước cùng với học sinh của mình và sẵn sàng đưa cánh tay ra để giúp đõ học trò của mình

Câu 5: Trong lịch sử 4000 năm của nước Việt ai được coi là người thầy mẫu mực, người thầy của muôn đời?

Trả lời: Chu Văn An ngay từ hồi còn trẻ đã nổi tiếng là người cương trực, luôn sửa mình trong sạch, giữ tiết tháo, không màng danh lợi, chỉ thích ở nhà đọc sách thánh hiền. Khi thi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), ông không ra làm quan như những người khác mà về quê nhà mở trường dạy học. Học trò khắp nơi về xin học rất đông. Học trò của ông không chỉ được học chữ thánh hiền mà còn được dạy về đạo đức của bậc trí nhân quân tử. Về sau, dù ở cương vị nào, họ cũng là những tấm gương về tài năng và đức độ. Danh tiếng của Chu Văn An vọng đến triều đình, vua Trần Minh Tông mời ông vào làm Tư nghiệp (Hiệu trưởng) Quốc tử giám, trực tiếp dạy Thái tử học. Ngoài việc dạy học, ông cùng với Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn đã tham gia vào việc triều chính, củng cố triều Trần lúc đó đang đi vào con đường khủng hoảng, suy thoái.
Đến thời Trần Dụ Tông, chính sự ngày càng thối nát, bọn nịnh thần bòn rút của cải, xúi giục vua làm những điều trái luân thường đạo lý, bọn gian thần nổi lên như ong. Chứng kiến cảnh người học trò của mình sa đọa như vậy và lo sợ đất nước suy vong, Chu Văn An đã dâng Thất trảm sớ xin chém bảy tên nịnh thần đang thao túng triều đình. Thế nhưng vua chỉ xem qua và im lặng. Có lẽ sự im lặng khủng khiếp đó đã một phần nào đẩy nhà Trần - một triều đại lừng lẫy chiến công trong lịch sử nhanh chóng suy thoái mà không thể nào cứu vãn được.
Chu Văn An thất vọng, ông treo mũ ở cửa Huyền Vũ rồi từ quan, về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng thuộc làng Kiệt Đắc, huyện Chí Linh để hòa mình với tiếng thông reo, tiếng suối chảy Cuộc đời đang vẩn đục muốn giữ danh tiết ta phải chọn dòng trong Các bậc túc nho là vậy, họ luôn hành xử theo triết lý của Nho giáo "Dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng" (Được dùng thì làm, không được dùng thì giấu mình đi).
Có điều theo thầy các em không nên học theo cách hành xử của các bậc túc nho. Bởi chúng ta không còn sóng trong xã hội phong kiến khi mà ở đó ý kiến của vua còn cao hơn cả luật pháp. Trong xã hội pháp quyền ngày nay mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Bởi vậy với cái xấu chúng ta phải biết đấu tranh không khoan nhượng. Chúng ta không thể chọn con đường an toàn cho mình mà làm ngơ trước nghững kẻ hại dân hại nước

Phần 3: những lời tâm sự của học trò:
Sau đây thầy xin giới thiệu cho các em những suy tư sâu sắc những tâm sự chân thành của những học trò về thầy cô giáo của mình mà thầy thấy rất hay rất đông cảm

Tâm sự 1

Em vẫn thường nhắc đến mùa thu
Bông cúc vàng cánh mềm như tuổi nhỏ
Bài tập đọc năm nao em còn nhớ
Dẫu bây giờ em đã biết làm thơ

Đọc chữ O cô dặn phải tròn môi
Chỉ vậy thôi, chao ôi, sao mà khó!
Lỗi tại con chuồn chuồn cánh đỏ
Mải rong chơi nên em chẳng thuộc bài

Chỉ mỗi chữ O em đọc sai
Dường như cô già đi mấy tuổi
Đến khi em hiểu điều đơn giản ấy
Cô giáo ơi, tóc cô bạc hết rồi!

Em hiểu, mỗi sợi tóc đổi màu kia
Là một lớp người lớn lên và biết sống
Mặt đất như trời xanh mơ mộng
Bông cúc vàng nên buổi sáng vô tư.

Khởi đầu cho một chuyến đi xa
Lối trường cũ thoảng hương cỏ mật
Bài tập đọc khóa bình minh thứ nhất
Cả cuộc đời cô dõi bóng theo em ...

Tâm sự 2
Cầm bút lên định viết một bài thơ
Chợt nhớ ra nay là ngày nhà giáo
Chợt xấu hổ cho những lần cao ngạo
Thì ra con cũng giống bấy nhiêu người.

Cầm bút lên điều đầu tiên con nghĩ
Đâu là cha, là mẹ, là thầy…
Chỉ là những cảm xúc vu vơ, tầm thường, nhỏ nhặt…
Biết bao giờ con lớn được, Thầy ơi !
Con viết về thầy, lại “phấn trắng”,”bảng đen”
Lại “kính mến”, lại “hy sinh thầm lặng”…
Những con chữ đều đều xếp thẳng
Sao lại quặn lên những giả dối đến gai người .

Đã rất chiều bến xe vắng quạnh hiu
Chuyến xe cuối cùng bắt đầu lăn bánh
Cửa sổ xe ù ù gió mạnh
Con đường trôi về phía chẳng là nhà…

Mơ màng nghe tiếng cũ ê a
Thầy gần lại thành bóng hình rất thực
Có những điều vô cùng giản dị
Sao mãi giờ con mới nhận ra.

Tâm sự 3
Có thể bây giờ cô đã quên em
Học trò quá nhiều, làm sao cô nhớ hết
Xa trường rồi, em cũng đi biền biệt
Vẫn nhớ lời tự nhủ: sẽ về thăm.

Có thể bây giờ chiếc lá bàng non
Của ngày em đi đã úa màu nâu thẫm
Ai sẽ nhặt dùm em xác lá
Như em thuở nào ép lá giữa trang thơ ?

Ước gì... Hiện tại chỉ là mơ
Cho em được trở về chốn ấy
Giữa bạn bè nối vòng tay thân ái
Được vui-buồn-cười-khóc hồn nhiên

Em nhớ hoài tiết học đầu tiên
Lời cô dạy: "Văn học là nhân học"
Và chẳng ai học xong bài học làm người!
Chúng em nhìn nhau khúc khích tiếng cười
Len lén chuyền tay gói me dầm cuối lớp

Rồi giờ đây theo dòng đời xuôi ngược
Vị chua cay thuở nào cứ thấm đẫm bờ môi
Những lúc buồn em nhớ quá - Cô ơi!
Bài học cũ chẳng bao giờ xưa cũ... !..."

Cuối cùng xin chúc quý thầy cô giáo và các em mạnh khỏe, gặt hái được nhiều thành công trên con đường giảng dạy và học tập của mình. Xin cám ơn thầy cô giáo và các em đã chú ý lắng nghe.