Thứ Năm, 27 tháng 8, 2009

Tình trễ
































Ngày nhà em pháo nổ tôi không cuộn mình trong chăn mà đi lang thang trên hè phố…Tôi không trách người, chẳng trách đời mà tôi chỉ trách tôi, giá như tôi chẳng phải là tôi…

TÌNH TRỄ
Biết bao lần lòng tôi day dứt
Bởi không một lần dám nói yêu em
Thương nhiều quá mà ôm hoài ước mộng
Bởi tình đời hiểu hết không em ?
Nhớ buổi đầu chưa gặp đã thấy quen
Giọng nói thương thương nụ cười sao dễ mến
Một gương mặt hiền dấu dưới nón che nghiêng
Anh mắt thôi miên cái nhìn cháy bỏng
Thưở quen em lòng tôi mang khát vọng
Phải là phần mình giọng nói riêng em
Cả gương mặt hiền ánh mắt thân quen
Em phải là của tôi bởi nghĩ trời định thế !
Vì quá ngây thơ tôi thành người đến trể
Tôi để em chờ trong ngày tháng đơn côi
Chính vì tôi cứ mãi là tôi
Nên tình em tôi là người đển trễ
Em bảo tôi sao đời quá tệ
Mối tình đầu sao để hụt tầm tay
Không đâu em đó bài học chua cay
Tôi giữ mãi trong tháng ngày còn lại
Và trong tôi em sẽ là mãi mãi !
Tình yêu đầu tôi dành cả tình tôi

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2009

Tâm sự lòng con


















Tôi mồ côi cha từ bé, một mình mẹ vất vả nuôi 4 đứa con trong những tháng ngày mà cả nước ai cũng thiếu ăn thiếu mặc, kể cả nhà giàu, ấy vậy mà anh em tôi chưa một bữa phải nhịn ăn, mẹ tôi là người tháo vát, nhanh nhẹn và thương con thì có lẻ chẳng ai bằng. Khi còn học cấp 2 tôi đã có ý định xong lớp 9 là nghỉ học để ở nhà giúp mẹ thôi…nhưng may mắn cho tôi sự học của tôi diễn ra suôn sẻ, mặc dầu cũng có những trở ngại, những gian lao nhưng, mọi chuyện cũng qua đi tôi vẫn không sao cả. Khi học Đại học tôi chẳng dám ước mơ gì cao xa, bởi tôi biết hoàn cảnh và thân phận của mình…tôi chỉ mong ra trường kiếm được việc làm và giúp mẹ nuôi em ăn học. Nhưng ước mơ giản dị đó của tôi trời đất không thấu hiểu, đói khổ chưa đủ, bệnh tật lại còn hành hạ tôi, tưởng chừng không qua nổi. Tôi chẳng còn biết làm sao, chỉ thương mẹ nhiều lắm… chẳng lẽ công lao nuôi dạy của mẹ rồi đổ sông đổ bể sao…?

Tâm Sự Lòng Con

Kính tặng Mẹ

Xưa sinh con ra mẹ cha hằng mong ước
Một mai kia con khôn lớn thành người
Có ngờ đâu cuộc đời đen bạc
Cha mất đi,con ngơ ngác , mẹ buồn đau
Cố nén đau thương mẹ nuôi con trong khổ cực
Con cố học hành mong đáp lại ơn sâu
Mẹ vui nhìn con lòng khấp khởi
Nơi suối vàng cha mong đợi phút này đây
Nhưng đời éo le thay...
Nụ cười chưa trọn trên môi chợt tắt
Nhìn con mẹ buồn chẳng biết nói sao
Tại mẹ nghèo nên đời mới lao đao ?
Để con mang bệnh tật?
Hay tại trời , tại số mạng con ơi ?
Hai má gầy hai dòng nước mắt rơi
Thương mẹ quá phận mình sao bạc quá!
Cây mẹ trồng biết bao năm vất vả
Mỏi mắt chờ ngày kết quả đơm hoa
Sao bão đời tàn phá chẳng xót xa
Vườn xanh tươi hứa chắc ngày trĩu trái !
Mẹ ơi !
Đừng buồn nữa ,mặc cho đời khổ ải !
Có thể nào bão mãi cả mùa sau ?
Rồi có ngày đời sẽ hết thương đau !
Chùm trái chín ngọt ngào xin dâng mẹ
Thoả bao ngày mong ước mẹ ơi !
1984
Trần Văn Sáu

Hương thu

















Tôi nhận quyết định vào Quãng nam-Đà nẳng công tác. Sau hơn một tháng chờ đợi, đi vào đi ra tiêu hết những đồng tiền bán rau, bán lúa mà mẹ và em tôi chắt chiu dành dụm, họ trả lại hồ sơ của tôi về trường với dòng phê thật là bi đát: “ không đủ tiêu chuẩn ...”. Tôi trở lại trường xung phong đi Đắc lắc, bởi tôi nghỉ với lời phê đó tôi khó có thể ở được miền xuôi. Thế nhưng trong những ngày đen tối đó tôi bỗng phát hiện ở cạnh nhà mình một bông hồng vừa chớm nở giữa vườn quê. ĐHSP Huế đã chấp nhận đơn của tôi, bởi nhà trường hiểu rẳng chúng tôi chỉ là nạn nhân của tư tưởng cục bộ địa phương hẹp hòi mà thôi. Nhưng lần này tôi lại quyết định ... không đi, bởi tôi thương mẹ, khi tôi cầm quyết định trên tay, mẹ tôi hai hàng nước mắt rưng rưng: “ con đi vào chốn xa xôi đó, biết khi mô về được..”( ngày đó tàu xe khó khăn lắm, đi vào nam nghe cứ như đi nước ngoài bây giờ) và một phần nữa tôi còn bị tiếng sét tình yêu…

HƯƠNG THU
“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn “
Vần thơ xưa giờ bỗng thấy yêu hơn
Bởi ở cạnh nhà tôi cũng một nàng thiếu nữ

Vần trăng thu mang hương đêm tình tự
Trăng chưa tròn mà sáng đẹp làm sao
Giữa vườn hồng nghe cây lá lao xao
Trăng lên cao tình sóng dậy dạt dào
Và đất trời xao xuyến nôn nao

Trăng thu ơi có hiểu hết lòng tôi
Trái tim tôi em đã nhuộm mất rồi
Lòng rộn ràng muốn bay theo trăng quá
Lại ngập ngừng chỉ sợ dậu mồng tơi

“Giá đừng có dậu mồng tơi”

Mưa đêm














Nhà tôi một mái tranh xiêu vẹo, ấy vậy mà vất vả lắm mẹ tôi mới tạo dựng được cho 4 anh em tôi có chổ đi về và tránh mưa tránh nắng, mái nhà được lợp lại trên cái sườn nhà ngói củ đã bị chiến tranh tàn phá, vì vậy mái rất bứa ( không được dốc) thế nên cứ chưa đầy hai năm mẹ và em gái tôi lại phải lên rừng bứt leéc( lách) về thay. Những đêm mưa trong căn nhà giột nát, nước mưa ướt sủng, không ngủ được nghe tiếng mưa rơi trên lá chuối quanh nhà buồn lắm... Nhưng trong căn nhà đó anh em tôi đã lớn lên, đã thành người…dù rất khó nhọc, rất gian lao…

MƯA ĐÊM
Đêm dài nghe mưa rơi
Nghe cuộc đời than thở
Buồn nghe mưa nức nở
Lòng tan vỡ cùng mưa
*
ngày xửa ngày xưa ...
mưa rơi trên lá
hối hả
cuộc sống dâng tràn
để giờ sao quá gian nan?
Lắng dần mỗi giọt mưa tan
Tan rồi ?
Đau đớn quá !
Biết luật đời chẳng lạ nhưng đau !
*
đêm dài mưa cứ rơi
từng giọt đời tan vỡ
mưa lòng trời than thở
đời tan vỡ cùng mưa
Mùa đông 1981
Trần Văn Sáu

Xa



















Tôi may mắn được trở về dạy ở ngôi trường củ, nơi từ đó tôi đã ra đi, một giấc mơ của tôi mà trời đất đã biến nó thành sự thật. Tôi được sống những ngày hạnh phúc trong tình thương yêu của những thầy cô giáo củ, trong sự quý mến của đám học trò vừa giỏi vừa ngoan… một hôm tôi đi ngang qua bảng tin của trường thấy có một chuyên mục về thơ của học trò…Có thể nói bài thơ cô bé đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc. Tôi lên lớp dạy mà lòng cứ lâng lâng…Lấy cảm hứng từ bài thơ cô bé, tôi viết bài này tặng cho em…Nhưng rồi chẳng thấy cô bé trả lời tôi, chẳng biết vì bài thơ quá dở, hay vì..., nhưng tôi chẳng buồn nhiều chỉ một thoáng rồi thôi…( cô bé bây giờ đã là một nhà thơ có tên tuổi, thật là mừng cho em...)

XA
Mai xa rồi , em phải đi thôi !
Lời ai nói trong gió chiều dịu nhẹ ?
Cổng trường đóng còn mình tôi quạnh quẽ
Hàng phượng buồn ... tùng giọt nắng ...rớt rơi
*
Giờ tan trường trong nỗi nhớ chơi vơi
Sân trường tím,gió mang mùa thu tới
Con đường xưa bóng cây già mãi đợi
Mơ hè về ... lã tã lá bàng rơi
*
Lời thề nào tìm đến chốn xa xôi
Em bé nhỏ quên lối về nơi ấy
Chốn quễ xưa con sông gầy vẫn chảy
Con thuyền buồn đã bỏ bến xa khơi...
*
Xa anh rồi ! em phải xa thôi !
1990
Trần Văn Sáu

vu vơ















Năm đó tôi thất nghiệp nằm nhà, đang buồn thối ruột thì đám học trò tôi dạy thực tập rủ ra lớp chơi, chúng bảo:” thầy ơi, lớp mình năm nay có cô giáo thực tập rất giỏi, rất xinh, và vui tính lắm…” thế là tôi theo chúng không một phút nghỉ suy…Được mấy hôm thì cô bé lại về Huế…bỏ lại đền đài lăng tẩm ở sau lưng…

VU VƠ
Tôi tự hỏi mình vì sao tôi nhớ ?
Sao tôi buồn tôi cứ nghĩ vu vơ !
Tại vì đâu tôi cứ thẩn thơ ?
Rạo rực bâng khuâng hy vọng mong chờ...
Nỗi nhớ miên man lòng tôi xôn xao nhớ
Chợt quen em rồi xa xôi cách trở
Thầm giận người sao nỡ đến rồi đi !
Và gió kia mang hương đến làm chi
Mai em xa... xa rồi đất nắng gió...
Tìm dấu chân em tôi lần từng ngọn cỏ
Tôi muốn mình tia nắng nhỏ theo em
Để lòng tôi bao lớp sóng êm đềm
Vỗ mãi mãi về nơi phương xa ấy...
hè 1988
Trần Văn Sáu

Bông hoa nhỏ tôi gặp chiều nay














“ôi cái thuở ban đầu lưu luyến ấy…” tôi như lạc giữa một rừng hoa muôn màu muôn sắc, và tôi thấy ai đó thật là sai khi nói rằng: “ chuột chạy cùng sào…” té ra con người ta đâu chỉ cần cơm, cần áo…và cái tình người mới ấm áp làm sao

Giữa vườn thơ trẻ chiều hôm nay
Có bông hoa nhỏ tắm náng gầy
Khép mình bên lá không khoe sắc
Sao thấy lòng mình thoảng hương bay
*
Màu nắng mùi hoa thơm ngất ngây
Cớ sao tôi lạc giữa chốn này
Tự tôi tìm đến nào phải lạc
Chỉ tại hương chiều lòng tôi say
*
Hoa thương tôi bảo tí hoa này
Có biết nỗi lòng khách tới đây
Mỗi bước chân đi bao bịn rịn
Hương hoa còn mãi chứa chan đầy
*
Màu nắng mùi hoa mãi còn đây
Xa rồi lòng cứ thoảng hương bay
hè 1988
Trần Văn Sáu

Đêm lạnh thư viện















Một đêm đông lạnh giá, một thằng tôi với chiếc áo mong manh rét run lập cập giữa mênh mông những chiếc áo ấm đủ màu, đủ kiểu. Thế mà… tôi thấy bỗng thấy lòng mình như có ngọn lửa vừa nhóm lên bởi ngồi bên cạnh mình là một cô bé quá đỗi dễ thương với cái tên đề trên nhản vở: Ánh Dương. Và trong phút chốc tôi bỗng quên đi thân phận của mình, tôi lấy hết can đảm: này bạn ơi…

Đêm Lạnh Thư Viện
Đêm đông giá tên em làm ấm dậy
Ngọn lửa hồng bừng cháy trái tim tôi
Ánh mắt em hờn dỗi thoáng qua thôi
Sao trong tôi thấy cồn cào cuộn sóng
mùa đông 1984
Trần Văn Sáu

Bơ vơ













Loạn xạ ngược xuôi dòng đời cuồn cuộn chảy
Bảo tố mịt mù riêng bóng kiếp bơvơ
Sáng trong xanh nuôi hoài bão ước mơ
Giữa sóng gió hoá vật vờ trôi nổi
Dày đặc điệp trùng một màu đen bóng tối
Chán nản vô bờ buồn giạt đến nơi đâu
Bốn xung quanh chất chứa cả trường sầu
Cố ngắc ngoải càng chìm sâu bất tận
Khóc than ư trách đời trách số phận ?
Bánh xe đời định mệnh vẫn lăn mau
Nỉ non hờn ai oán suốt canh thâu
Kêu chi mãi khoảng trời không điẻm tựa
Mưa xối xả lử hành không nhà cửa
Tiếng hú dài hun hút đuổi đường trơn
Vấp ngã, té nhào chỉ có cô đơn
Cố bước tiếp... hoài công... bơ vơ quá !

1987
Trần Văn Sáu

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

Xuân không chờ















XUÂN KHÔNG CHỜ
”ta có chờ có có đợi chi đâu
mang chi xuân đén gợi thêm sầu”’


Thêm mỗi xuân về thêm nỗi đau
Đời ta là một chuỗi u sầu
Đói nghèo bệnh tật bao điều khổ
Tết đến mang niềm tủi khổ đau
*
Thiên hạ nô nức đón xuân về
Phố phường hớn hở rộn đường quê
Bao người vui vẻ mình tôi chán
Đơn lẻ riêng mình trong cơn mê
*
Có lẻ sinh ra ở kiếp này
Chịu đời khổ ải lắm đắng cay
Thế gian ngắn ngủi đời tạm bợ
Niết bàn chắc hẳn khác hôm nay
*
Chỉ sầu, chỉ chán, chán sầu thôi
Chỉ nghỉ chỉ suy ,chán sầu rồi
Thế gian tôi là người bất lực
Gói đời trong hai chử than ôi !
Xuân 1982
Trần Văn Sáu

Nghèo













Thương cho cái kiếp quá nghèo
Cuộc sống mỗi ngày thêm gieo neo
Đầu tắt mặt tối ăn không đủ
Số phận lênh đênh tựa bọt bèo
Ai lên thiên đường cho nhắn tí
Xin dùm thượng đế xét lại coi
Thế gian sao cảnh đời ngang trái?
Kẻ ở lầu son kẻ mãi nghèo?

Đêm đông 11/1982
Trần Văn Sáu

Nhớ về quê Ngoại














Sáng nay, chẳng có tiền ăn sáng, tôi lại nhịn đói đến lớp như mọi ngày, bụng đói quằn quại, tôi quá mệt mỏi mắt mơ màng, đầu óc nghỉ mông lung, bên tai tiếng thầy giáo như vọng về từ một cõi mơ hồ, xa xăm… bỗng đâu từ sông Hương vọng lại tiếng máy đò, tuổi thơ tôi bỗng trở về, trong tôi những tháng ngày thơ ấu hiện lên như một cuốn phim quay chậm, quê ngoại tôi một làng quê yên bình bên dòng Thạch hãn, một con đường nhỏ ven sông, những bến Trâu,bến Chợ, rồi đình làng, miếu cổ, những nhà thờ họ… soi bóng êm đèm xuống dòng sông . Chiều chiều những con đò ngược dòng từ Cửa Việt chở đầy tôm cá cập bến chợ Hôm, đường làng bỗng náo nức hẳn lên vì các bà , các cô, các chị… hối hả gánh gồng về chợ, kẻ bán, người mua, không khí ồn ào, náo nhiệt như ngày hội. Đặc biệt mỗi sớm mai lên, bình minh trên sông thật là tuyệt diệu, nắng sớm lấp lóa trên mặt nước như một tấm gương soi phản chiếu long lanh, và tiếng máy đò xen lẫn trong tiếng gõ mạn thuyền của những người dân chài đuổi cá vang vọng cả một dòng sông,một âm thanh đặc trưng mà tôi không thể nào quên được… Chiến tranh và thời gian đã làm đôỉ thay tất cả, con đường trong mơ ngày ấy bây giờ chẳng còn, chợ Hôm miếu cổ đã bị dòng chảy cuốn trôi, bến Trâu một mình chơ vơ buồn tủi, ngoại tôi cũng đã bỏ con cháu mà đi…Mỗi lần trở về quê ngoại, lòng tôi buồn diệu vợi, tôi cứ tìm về nơi căn nhà củ của ngoại mà nay cũng đã bị lở xói rất nhiều cứ đứng mãi, nhìn mãi mà hai hàng nước mắt cứ rưng rưng…

Nhớ về quê ngoại
Tiếng máy đò đưa tôi về quê ngoại
Thuở thiếu thời bên một con sông
Bao kỷ niệm tự đáy lòng trỗi dậy
*
Có những chiều dọc đường ven sông ấy
Mãi vui đùa đuổi bướm vờn hoa
Để ông bà dì cậu đi qua
Thương quá nên “tổ cha thằng làng đại”
*
Rồi những lần múa gươm làm Từ Hải
Để bóng mình trong gương múa lại ôm chân mẹ khóc la
Rồi những lần” con không lên đâu ba”
Cha tức giận rằng ‘’đồ con bất hiếu “
*
Tuổi thơ tôi quen nuông chiều nũng nịu
Nội ngoại thương nhiều bởi là cháu đích tôn
Theotháng ngày ngày tháng lớn khôn
Xa quê ngoại đi khắp miền đất nước
Xa tuổi thơ nhưng lòng sao quên được?
Tiếng máy đò bao kỷ niệm ngoại ơi !

1984
Trần Văn Sáu

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2009

Cho một người đi














Nó học dự bị, rồi được chuyển vào lớp tôi, đối với tôi mọi thứ ban đầu đều rất lạ lẫm, những bữa ăn ở cư xá diễn ra như những trận đánh kinh hoàng, và tôi chàng lính mới lãnh đủ…nó rất thương tôi, vì nó là thành viên của ban quản lí cư xá nên quen các bà nhà ăn, mỗi bữa nó thường cho tôi khi thì muỗng cơm, khi tí rau, đôi khi may mắn còn là miếng thịt…Nhưng trời không thương nó, và cũng chẳng thương tôi, nó bị lưu ban hai năm liền và bị đuổi…Tôi buồn lắm, thương nó quá, chẳng biết làm gì cho nó đây, thôi thì đành chịu vậy, biết đâu trong họa lại có phúc, tôi cầu mong cho nó …một ngày mai…

CHO MỘT NGƯỜI ĐI
Tặng V người bất hạnh
Xa V thật ư có lẻ nào ?
Cuộc đời nghiệt ngã đắng cay sao?
Hôm nào gặp gỡ bao vui sướng
Giờ phải chia li thấy nghẹn ngào
*
ước mơ tội nghiệp quá V ơi
manh áo miếng cơm đủ với đời
nào ngờ đói khổ càng đau khổ
càng khổ càng đau càng hiểu đời
*
bão tố phong ba cứ dập vùi
V ơi cứ bước chớ có lui
Đời ta phía trước ai cản được
Mong sao gặp lại một ngày vui
1985
Trần Văn Sáu

Vẫy chào tuổi thơ















VẪY CHÀO TUỔI THƠ
”nếu mmột mai áo học trò không mặc nữa
ta sẽ buồn như một kiếp mây hoang ”


Buồn vắng chiều nay phủ sân trường
Hàng cây ủ rủ nắng sầu thương
Giảng đường một bóng . Buồn ngơ ngác
Cất bước lên đường lòng vấn vương
*
Phượng đỏ mắt ai lệ nối hàng
Ve gào nức nở gió xốn xang
Người đi không đứt đầu ngoái lại
Kỷ niệm tràn về nhớ miên man
*
Thôi hết từ đây tuổi học trò
Bao nỗi vui buồn bao âu lo
Vẫy chào lần cuối lòng quặn thắt
Nhung nhớ vơi đầy ai biết cho
*
Ngược dòng thuyền về bao bến củ
Bể nhớ xôn xao sóng tuôn trào
Giật mình chuông réo bừng tỉnh giấc
Giả từ thơ ấu thiệt rồi sao?

Những bài thơ tôi yêu
















CHUYÊN ĐỀ NGOA.I KHÓA KỈ NIỆM NGÀY THƠ VIỆT NAM
Người thực hiện: TRẦN VĂN SÁU
Kính thưa các thầy giáo, cô giáo, thưa các em học sinh thân mến!
“Bước ra từ non biếc,tháng giêng thật lả lơi, rượu cất trong áo tết, vừa đi vừ say đời”( Nguyễn Lâm Cúc)
Đã bao mùa xuân trôi qua, nhưng chưa bao giờ tôi lại thấy đất trời, tiết trời đẹp như năm nay, có lẻ đó là một điềm lành báo hiệu một năm tốt đẹp. Năm nay thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng của cơn bão khủng hoảng tài chính nhưng theo kinh dịch vận hội nước nhà năm nay ứng với quẻ thuần li, đất nước hai lần sáng. Chúng ta cầu mong cho đất nước có một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thu được nhiều thành tựu hơn nửa trong công cuộc đổi mới, mong cho trường ta gặt hái được nhiều thành công trong năm kỉ niệm 15 năm thành lập trường. Trong không khí đó lòng tôi như trẻ lại, và hôm nay nhân ngày tết nguyên tiêu, tôi xin đọc và bình cho các em nghe một số bài thơ nổi tiếng mà có thể các em chưa biết, hi vọng sẽ mang lại cho các em những cảm xúc tươi mới đầu năm, nhưng cũng rất lo không biết các em có đồng cảm hay không bởi tôi biết thời đại ngày nay có rất nhiều hình thức giải trí và thơ ca là sự chọn lựa của rất ít người, nó đang dần mất đi đọc giả và thậm chí đang bị lảng quên. Chính vì vậy nhiều lúc thấy tâm trạng mình giống Vũ Đình Liên: “những người muôn năm củ, hồn ở đâu bây giờ..”nhiều khi tôi cứ thấy nhớ, thấy tiếc như mình vừa bị mất đi một cái gì…Nhưng các em nên nhớ rằng, văn học nghệ thật nói chung và thơ ca nói riêng là tài sản vô giá, nó làm cho tâm hồn ta giàu có hơn lên( mà sự giàu có về tâm hồn về trí thức đáng quý gấp ngàn lần sự giàu có về vật chất của cải..)nó làm cho chúng ta biết hướng về chân thiện mỹ, biết kính mẹ yêu cha biết quý tình làng nghĩa xóm biết yêu quê hương đất nước thêm bội phần…, nhân đây tôi cũng xin phép tổ văn,tôi không dám múa rìu qua mặt thợ mà chỉ muốn chia sẽ cảm xúc của một người yêu thơ và muốn góp thêm một tiếng nói làm phong phú thêm sắc màu cho việc học trong nhà trường mà thôi

Bài thứ nhất
Nắng mới
... Mỗi lần nắng mới hắt bên sông
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không
Tôi nhớ Mẹ tôi, thuở thiếu thời
Lúc Người còn sống tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi

Hình dáng Mẹ tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.
Các em thân mến! tạo hóa thật tuyệt vời khi đã ban cho chúng ta một món quà vô giá đó là Mẹ, trong mỗi chúng ta không ai là không có những kỉ niệm đẹp về Mẹ, trong mỗi đời sống ấu thơ của chúng ta không ai mà không nhìn thấy hình ảnh trìu mến của Mẹ hiền hòa với nụ cười đen nhánh sau tay áo...Hãy hình dung có một buổi chiều thu miền trung nước Việt khi gió heo may bắt đầu thổi khi nắng hanh vàng phủ trên hàng cây ruộng lúa, bờ ao có một đứa con xa nhà, chợt nhớ đến Mẹ, chợt nhớ đến những hình ảnh đầy trìu mến cất dấu từ nhiều năm trong tâm tưởng. Đây là một trong số những bài thơ hay nhất của Lưu Trọng Lư và của thi ca tiền chiến. Bài thơ Nắng Mới của Lưu Trọng Lư đã vượt thoát ra ngoài hữu hạn của thời gian. Những xúc động tột cùng, thăng hóa nỗi nhớ về Mẹ đã như một chất men rượu cất lâu ngày trong tâm hồn đứa con đang bây giờ đã lớn khôn. Bài thơ đã tạo cho Lưu Trọng Lư một chỗ đứng trang trọng trên thi đàn Thơ Mới mà Lưu Trọng Lư là một trong những thi sĩ chủ xướng phong trào này từ năm 1932. Có một người con xa xứ đã viết :Mẹ tôi bây giờ ở quê hương không biết có còn đem phơi những chiếc áo bên hàng giậu thưa khi trời trở gió, nắng hắt hiu trên cành xoan... khi mùa thu đang chuyển mình. Ở đây không có Mẹ, mỗi năm không còn nhìn thấy ...nắng mới reo ngoài nội... Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi... mà chỉ thấy hàng phong thay lá... màu vàng mênh mông của mùa thu nhung nhớ đang bắt đầu tàn phai... để chuẩn bị lễ Tạ Ơn và Mùa Giáng Sinh trở về...Đã bao nhiêu năm cuộc đời thăng trầm trôi giạt, tôi vẫn không quên bài thơ ca tụng Mẹ dễ thương này. Bài thơ hay vì chất chứa hồn thi nhân chân thật, hồn nhiên, vẽ nên nguyên thực hình ảnh đôn hậu hiền hòa của Mẹ. Có nhiều người bảo: “Trong tất cả kỳ quan của nhân loại, không có kỳ quan nào vĩ đại bằng trái tim Mẹ”. thật chẳng sai.Đây là một bài thơ mới, theo nghĩa tươi mới, dù nó được sáng tác trong thời kỳ Thơ Mới, cách nay đã sáu mươi năm.
Câu hỏi: Em còn biết bài thơ nổi tiếng nào của Lư trọng Lư?
(tiếng thu, thơ sầu rụng …)
Thơ sầu rụng
Vầng trăng từ độ lên ngôi
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ
Để tóc vương vần thơ sầu rụng
Mái tóc buồn thơ cũng buồn theo
Năm năm tiếng lụa xe đều
Những ngày lạnh rớt gió vèo trên cây
Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay
Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông
Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng
Thời gian lạnh buốt một dòng buồn tênh.

Bài thứ hai

Màu tím hoa sim- bài thơ tình hay nhất mọi thời đại
Nàng có ba người anh
Đi bộ đội
Những em nàng còn chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh.
Tôi là người chiến binh
Xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới,
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân,
Nàng cười xinh xinh
Bên anh chồng độc đáo.
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi!
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng đời chiến chinh
Mấy người đi trở lại
Lỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ
Bé bỏng chiều quê ...
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con
Đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương
Tàn lạnh vây quanh ...
Tóc nàng xanh xanh
Ngắn chưa đầy búi
Em ơi!
Giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được trông thấy nhau một lần.
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa một mình
đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa...


Một chiều rừng mưa
Ba người anh
Trên chiến trường Đông Bắc,
Biết tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng.
Gió sớm thu về
Rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió thu về
Cỏ vàng chân mộ chí.
Chiều hành quân
Qua những đồi sim ..
Những đồi hoa sim ...,
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa.
Áo tôi sứt chỉ đường tà,
Vợ tôi chết sớm mẹ già chưa khâu
Câu hỏi: Em biết gì về bài thơ “ màu tím hoa sim”
Có ba bài thơ diễn tả tuyệt vời tâm tình của những chàng trai trí thức thành thị, kháng chiến chống Pháp từ 1946 đến 1954. Đó là hai bài Đôi Mắt Người Sơn Tây, Tây Tiến của Quang Dũng, bài Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan.Trong thế kỷ trước, dấu ấn đậm nhất của thế giới về VN là chiến tranh cách mạng. Có rất nhiều bài thơ viết về chiến tranh, Màu tím hoa sim là bài thơ tình nhiều giá trị. Chiến tranh luôn kéo theo mất mát, đau khổ. Trong chiến tranh người ta cần có nhiều bài thơ hùng tráng, những tiếng xung phong để cổ vũ kháng chiến. Nhưng khi chiến tranh đã đi qua, người ta cần nhìn về nó với cái nhìn nhân bản hơn. Nỗi khổ mà chiến tranh gây ra không phải là nỗi khổ của người lính ra chiến trận mà là sự chờ đợi của những người phụ nữ ở quê nhà, không biết khi nào chồng, cha, anh, em mình mới trở về. . Bài thơ tuy chỉ kể chuyện riêng của một người mà hình ảnh và mỹ cảm lại thoát ra khỏi "cái tôi" để đến với nhiều người, tạo nên sự đồng cảm sâu xa, chan hoà trong thế giới tâm linh huyền diệu. Bài thơ thật như cuộc đời có thật. Không có gì chữ nghĩa cả mà xúc động biết bao. Nhà thơ Vũ Cao tác giả của Núi Đôi kể:"Tôi còn nhớ cái buổi chiều, ngồi trong một quán nhỏ ở Thanh Hóa, anh (Hữu Loan) báo cho tôi biết cái tin đột ngột: Ninh( cô gái trong bài thơ) vừa mất. Bàn tay anh cầm cốc nước run lên bần bật, nước bắn tung toé xuống bàn, mặt anh tái xanh. Cái tin sét đánh ấy khiến Hữu Loan tan nát cõi lòng. Nỗi đau dồn nén ấy đã bật thành lời, thành một bài thơ bất tử. Bài thơ gây xúc động mạnh vì những lời tình tự của Hữu Loan, những lời tình tự chân thành, không làm dáng, không son trát phấn vẽ mà trở thành tuyệt tác, sống mãi với thời gian…

Bài thứ ba
Chợ Tết
1. Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
3. Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
4. Người các ấp tưng-bừng ra chợ Tết.
5. Họ vui-vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;
6. Những thằng cu áo đỏ chạy lon-xon,
7. Vài cụ già chống gậy bước lom-khom,
8. Cô yếm thắm che môi cười lặng-lẽ,
9. Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ.
10. Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,
11. Con bò vàng ngộ-nghĩnh đuổi theo sau.
12. Sương trắng dỏ đầu cành như giọt sữa,
13. Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,
14. Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
15. Đồi thoa son nằm dưới ánh bình-minh.
*
16. Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.
17. Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ,
18. Để lắng nghe người khách nói bô-bô.
19. Anh hàng tranh kĩu-kịt quảy đôi bồ,
20. Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán.
21. Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản,
22. Tay mài nghiên hí-hoáy viết thơ xuân.
23. Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
24. Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.
25. Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
26. Nước thời-gian gội tóc trắng phau phau.
27. Chú hoa-man đầu chít chiếc khăn nâu,
28. Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu.
29. Áo cụ lý bị người chen sấn kéo,
30. Khăn trên đầu đương chít cũng tung ra.
31. Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
32. Quên cả chị bên đường đang đứng gọi.
33. Mấy cô gái ôm nhau cười rũ-rợi,
34. Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa.
35. Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha,
36. Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết,
37. Con gà trống màu thâm như cục tiết,
38. Một người mua cầm cẳng dốc lên xem.
*
39. Chợ tưng-bừng như thế đến gần đêm.
40. Khi chuông tối bên chùa văng-vẳng đánh,
41. Trên con đường đi các làng hẻo-lánh,
42. Những người quê lũ-lượt trở ra về.
43. Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê-thê,
44. Lá đa rụng tơi-bời quanh quán chợ.
Câu hỏi: em có bình luận gì về bài thơ “ chợ tết”
Có thể nói Đoàn Văn Cừ là một hồn thơ lặng lẽ và khiêm nhường. bài thơ Phiên Chợ Tết bất hủ của ông đã đi vào tâm trí người đọc nhiều thế hệ; bài thơ là chuổi cười ngủ sắc (Thi nhân Việt Nam) dạt dào sự sống, niềm yêu đời, cái nhìn bao dung, nhân ái đó đã đi vào tâm hồn ta.
Đọc bài thơ ta tưởng như nghe thấy tiếng cười khúc khích, hóm hỉnh, lại rất hiền lành của một nhà thơ thôn dã. Cùng với sự vận động của thiên nhiên, là con người “tưng bừng ra chợ Tết”: nam, phụ, lão, ấu và có lẽ người bán nhiều hơn cả người mua. Đọc Chợ Tết ta bỗng thấy hân hoan, vui thích bởi sự chuyển động của không gian, sắc màu và con người. Nhà họa sĩ Đoàn Văn Cừ đã trình bày cho ta biết một “bản nguyên sống” trong sự tồn tại hồn nhiên, bề bộn mà lại nhịp nhàng của đời sống. Trong đời sống đó, con người là trung tâm trong cái nhìn và sáng tạo nghệ thuật của ông: Con người là trung tâm trong mỗi khổ thơ; con người lại là trung tâm của toàn phiên Chợ Tết mà ở giữa trung tâm đó lại là thời gian. Cái thời gian sẽ chia cách hai thế giới đối với mỗi số phận; nhưng cũng cái thời gian đó sẽ làm bền vững hơn cho những tác phẩm nghệ thuật đích thực, cho nền tảng văn hóa sâu xa của mỗi cộng đồng người mà Chợ Tết là muôn một. Nhận xét về câu kết trong thơ Đoàn Văn Cừ, các tác giả của Thi nhân Việt Nam đã viết: “Những câu ấy đều khép lại một thế-giới và mở ra một thế-giới: khép một thế-giới thực, mở một thế-giới mộng. Cảnh vừa tan thì trong lòng cũng vừa nhóm. Mắt ta không thấy gì nữa nhưng lòng ta bỗng bâng-khuâng”.
Bài thứ tư
Tha la xóm đạo
Đây Tha La xóm đạo,
Có trái ngọt, cây lành.
Tôi về thăm một dạo,
Giữa mùa nắng vàng hanh,
Ngậm ngùi, Tha La bảo:
- Đây rừng xanh, rừng xanh,
Bụi đùn quanh ngõ vắng,
Khói đùn quanh nóc tranh,
Gió đùn quanh mây trắng,
Và lửa loạn xây thành.

Viễn khách ơi! Hãy dừng chân cho hỏi
Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng

Đây Tha La, một xóm đạo ven rừng.
Có trái ngọt, cây lành im bóng lá,
Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ
Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ!
Về chi đây! Khách hỡi! Có ai chờ?
Ai đưa đón?
• Xin thưa, tôi lạc bước!
Không là duyên, không là bèo kiếp trước,
Không có ai chờ, đưa đón tôi đâu!
Rồi quạnh hiu, khách lặng lẽ cúi đầu,
Tìm hoa rụng lạc loài trên vệ cỏ.
Nghìn cánh hoa bay ngẩn ngơ trong gió
Gạo rưng rưng, nghìn hoa máu rưng rưng.
Nhìn hoa rơi, lòng khách bỗng bâng khuâng
Tha La hỏi: - Khách buồn nơi đây vắng?
- Không, tôi buồn vì mây trời đây trắng!
- Và khách buồn vì tiếng gió đang hờn?
Khách nhẹ cười, nghe gió nổi từng cơn.
Gió vun vút, gió rợn rùng, gió rít,
Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch:
- Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!
Bao người đi thề chẳng trở lại nhà
Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!
Tiếng địch càng cao, não nùng ai oán
Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa
Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa
Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh
Khách rùng mình, ngẩn ngơ người hiu quạnh
- Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!
Đây mênh mông xóm đạo với rừng già
Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách.
Khách bước nhẹ theo con đường đỏ quạch.
Gặp cụ già đang ngắm gió bâng khuâng
Đang đón mây xa... Khách bỗng ngại ngần:
- Kính thưa cụ, vì sao Tha La vắng?
Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng,
Nhẹ bảo chàng: "Em chẳng biết gì ư?
Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù!
Người nước Việt ra đi vì nước Việt
Tha La vắng vì Tha La đã biết,
Thương giống nòi, đau đất nước lầm than".
***
Trời xa xanh, mây trắng nghẹn ngàn hàng
Ngày hiu quạnh. ờ...Ơ...Hơ... Tiếng hát,
Buồn như gió lượn, lạnh dài đôi khúc nhạc.
Tiếng hát rằng:
Tha La hận quốc thù,
Tha La buồn tiếng kiếm.
Não nùng chưa! Tha La nguyện hy sinh
ờ... Ơ... Hơ... Có một đám Chiên lành
Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy
Quỳ cạnh chúa, đám Chiên lành run rẩy:
- Lạy đức Thánh Cha!
Lạy đức Thánh Mẹ!
Lạy đức Thánh Thần
Chúng con xin về cõi tục để làm dân...
Rồi... cởi trả áo tu,
Rồi... xếp kinh cầu nguyện
Rồi... nhẹ bước trở về trần...
Viễn khách ơi! Viễn khách ơi!
Người hãy ngừng chân,
Nghe Tha La kể, nhưng mà thôi khách nhé!
Đất đã chuyển rung lòng bao thế hệ
Trời Tha La vần vũ đám mây tang,
Vui gì đâu mà tâm sự?
Buồn làm chi cho bẽ bàng!
ờ... Ơ... Hơ...ờ... ơ Hơ... Tiếng hát;
Rung lành lạnh, ngân trầm đôi khúc nhạc,
Buồn tênh tênh, não lòng lắm khách ơi!
Tha La thương người viễn khách quá đi thôi!
***
Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ
Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ.
Lá rừng cao vàng rụng lá rừng bay...
Giờ khách đi. Tha La nhắn câu này:
- Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé!
Hãy về thăm xóm đạo
Có trái ngọt cây lành
Tha La dâng ngàn hoa gạo
Và suối mát rừng xanh
Xem đám Chiên hiền thương áo trắng
Nghe trời đổi gió nhớ quanh quanh...

• Câu hỏi: trong ngôn ngữ dân gian xóm đạo là gì? Em có biết bài thơ, bản nhạc nào khác viết về xóm đạo mà em cho là hay?
Các em đã biết về hình ảnh xóm đạo yên bình mà anh dũng qua bài làng tôi của Văn Cao, xóm đạo buồn qua bài chuyện tình buồn của Phạm văn Bình nhưng có lẽ bài tha la xóm đạo của Vũ Anh Khanh thì các em chưa được biết. Bài thơ là một bản hùng ca thật là bi tráng, là hình ảnh hào hùng dân tộc trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp được tác giả viết bằng nhiều thể loại, nghe như một vở kịch thơ. Tha La là một xóm đạo nghèo như bao làng quê Việt Nam khác Pháp là ân nhân của nền đạo, nhưng lại là kẻ thù của dân tộc. Dù phải chọn lựa khó khăn, giáo dân Tha La đã dứt khoát ra đi kháng chiến, đi theo tiếng gọi của non sông. Đặc biệt, không phải chỉ có giáo dân mà cả những vị linh mục tu sĩ cũng tạm xếp áo dòng để đi theo cách mạng: “chúng con xin về cỏi tục để làm dân, rồi cởi áo tu, rồi xếp kinh cầu nguyện…”Cũng như bao địa phương khác trên đất nước Việt Nam thân yêu khi giặc tràn vào thôn xóm, Tha La đã đứng lên tự vệ cho chính mình một cách oai hùng, Tha La kiên cường, của niềm tự hào bất khuất. Họ kính Chúa, và họ yêu nước, yêu bờ ruộng nương, yêu con sông rạch dịu hiền, yêu xóm làng và họ chấp nhận hy sinh, để hôm nay đất nước được yên vui trong hòa bình và con cháu xóm đaọ Tha la được an bằng trong Chúa

đạo đức qua những câu chuyện kể

















CHUYÊN ĐỀ NGOẠI KHÓA VỀ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH


Người thực hiện: TRẦN VĂN SÁU .

Kính thưa các thầy giáo, cô giáo. Thưa các em học sinh thân mến!
Hôm nay được sự cho phép của Ban giám hiệu nhà trường tôi xin trao đổi với các em đôi điều về đạo đức và lối sống.
Các em thân mến! thật là sung sướng và hạnh phúc khi các em được sống giữa những đất nước đổi thịt thay da, chúng ta đang hòa nhập với cộng đồng thế giới về mọi mặt. Thật là thú vị khi cả thế giới nằm trong lòng bàn tay. Nhưng mặt trái của nền văn minh công nghiệp cũng thật là đáng sợ. Ô nhiễm môi trường đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng mà ngày nay loài người đã bắt đầu hiểu sự cần thiết phải bảo vệ môi trường của mình. Tuy nhiên vấn đề ô nhiễm về tâm hồn còn nghiêm trọng hơn ngàn lần, nó làm băng hoại đạo đức, xói mòn luân lí, hủy hoại tinh thần của bao con người. làm thế nào để giữ cho tâm hồn mình luôn được trong sáng, để tránh được lối sống đồi trụy xa hoa, chạy theo những cám dỗ vật chất tầm thường. Đó là nỗi lo, là sự quan tâm thường trực của các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo.
Hôm nay thời gian koong cho phép tôi không có tham vọng lớn lao chỉ muốn thông qua một số câu chuyện, một số tình huống để trao đổi với các em. Mong các em rút cho mình những bài học bổ ích về đạo làm con, đạo làm người.
Trước hết tôi có một câu hỏi liên quan đến lĩnh vực văn học dành cho các em:
Em hãy cho biết hai dòng đầu tiên đầu tiên và bốn dòng cuối cùng của tuyện Kiều? cảm nghĩ của em về phần mở đầu và kết thúc đó?
Trả lời:
Hai dòng đầu tiên của truyện Kiều là:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Bốn dòng cuối cùng của truyện Kiều là:
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Lời quê chắp nặt dong dài
Mua vui cuãng được một vài trống canh
Các em thân mến! Bước vào cổng trường các em thấy dòng cữ"tiên học lễ hậu học văn",bước vào lớp học các em thấy dòng chữ"hiền tài là nguyên khí của quốc gia", chữ lễ chữ hiền luôn được đặt trước đề cao so với chữ văn chữ tài. Với Nguyễn Du thì cái tài rất quan trọng, rất đáng trân trong,nhưng cái tâm còn quan trọng hơn nhiều lần. Theo ông làm người thì phải biết giữ lấy cái gốc thiện, cái nền đức để cho cái nghiệp kiếp sau. Có tài mà hay sinh sự thì tất cái nghiệp thêm nặng mãi ra. Chúng ta tự hào có Nguyễn Du không chỉ vì ông đã làm nên một kiệt tác mà hậu thế chưa ai có thể vượt qua được mà còn vì ông đã để lại cho đời một tấm lòng vì con người và một triết lí sống để làm người thật là sâu sắc.
Thế nào là một con người có đức có tâm? Sau đây là một số câu chuyện mà tôi mong muốn thông qua đó để tâm sự cùng các em.
Câu chuyện thứ nhất:
Các em ạ, ở phương tây có một ngày rất hay: ngày của mẹ( mather'sday). Một hôm nhân ngày của mẹ, một thanh niên đi làm xa nhà ra bưu điện để gửi điện hoa về cho mẹ. Xong việc anh thấy lòng nhẹ nhàng và thanh thản. Trên đường quay ra bỗng anh gặp một em bé nhỏ đang đứng bên quầy hoa với hai hàng nước mắt rưng rưng. Động lòng thương, hỏi ra anh biết em bé cũng muốn mua cho mẹ một bó hoa nhưng không đủ tiền. Anh thanh niên liền mua hoa cho em bé và đề nghị được chở em về nhà. Em bé đồng ý, nhưng các em biết không? Em lại dẫn anh thanh niên ra một nghĩa trang. Thành kính đặt bó hoa lên một ngôi mộ rồi em ôm chầm lấy nấm mồ khóc nức nở. Thì ra em đã không còn mẹ. Vô cùng xúc động trước hoàn cảnh của em bé. Anh thanh niên sau khi đưa em về nhà đã tức tốc thay đổi ý định, anh lái xe một mạch về thăm mẹ, anh muốn ôm lấy mẹ mà nói rằng: "mẹ ơi con yêu mẹ vô cùng"
Em rút ra bài học gì từ câu chuyện trên?
Trả lời: các em ạ! Người có đức có tâm trước hết phải là người biết yêu mẹ kính cha. Bởi các em biết không?mẹ là món quà vô giá mà tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta. Mẹ là suối nguồn của sự sống, là suối nguồn của cuộc đời, suối nguồn của mọi cuộc đời. Trên thế gian này không ai thương ta bằng mẹ, suốt cuộc đời mẹ đã hy sinh vất vả vì ta, công ơn đó biết lấy gì đền đáp, biết trả bao nhiêu cho vừa, thương mẹ biết bao nhiêu mà đủ? Các em nên nhớ rằng thương mẹ không phải là bổn phận mà là quyền lợi đó nghe không. May mắn thay, Hạnh phúc thay cho những ại đang còn mẹ ở trên đời, xót xa thay cho những ai không còn mẹ để được mẹ yêu thương và thương yêu mẹ. Bởi vậy các em không được làm cho mẹ buồn, mẹ khổ, mà mỗi ngày hãy mang đến cho mẹ một niềm vui. Chúng ta phải sống sao cho đến một ngày kia có thể tự hào mà nói rằng:
Tôi không khóc khi áo tôi cài hoa trắng
Vì trong hoa tôi thấy mẹ tôi cười
Câu chuyện thứ hai:
Ở một làng nọ có những người nông dân chuyên làm nghề trồng bắp. Có một bác nông dân nhờ biết áp dụng khoa học kĩ thuât nên cuối mùa đã thu được những trái bắp tốt. Trong khi đó những người nông dân trong làng, vì không nắm được kĩ thuật nên bắp bị sâu rầy mất mùa, đói kém. Và thế là bác nông dân kia một mình một chợ tha hồ giàu to. Thế nhưng đầu mùa sau người ta lại thấy bác nông dân kia đem những hạt giống tốt tặng những người hàng xóm và lại còn vui vẻ bày cho họ cách chăm sóc ruộng bắp của mình nữa. Ngạc nghiên trước việc làm của bác, một phóng viên đã hỏi bác:“sao ông lại cho láng giềng những hạt bắp giống tốt nhất của mình như vậy, trong khi họ cũng tham gia cạnh tranh với ông ?” “Ồ ! người nông đân trả lời, anh không biết rằng những luồng gió thổi những hạt phấn hoa từ những cây bắp này sang những cây bắp khác sao?nếu láng giềng tôi trồng toàn những cây bắp kém chất lượng thì sự thụ phấn có thể khiến những cây bắp của tôi cũng sản sinh ra những trái bắp kém chất lượng. Do đó nếu muốn có những trái bắp tươi tốt , tôi phải giúp những người hàng xóm tôi có những trái bắp tươi tốt. Lý do chỉ là đơn giản vậy thôi "
Việc làm và câu trả lời của bác nông dân gợi cho em suy nghĩ gì?
Trả lời: Các em thấy không chân lí thật là giản dị. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng nhận ra. Và nhiều người lại cố tình không muốn nhận ra. Có người nhận ra rồi nhưng để thực hiện được nó không phải dễ dàng. Bởi chúng ta phải có bản lĩnh để chiến thắng được lòng nhỏ nhen, tính ích kỉ và những tị hiềm.Người nông dân trên đã nhận thức được sự liên hệ của cuộc sống. Những trái bắp của ông không thể lớn mạnh trừ khi những trái bắp của người láng giềng cũng lớn mạnh. Các khía cạnh khác trong cuộc sống cũng vậy. Những ai muốn có được sự hoà bình trước hết phải giúp người khác tìm được sự hoà bình. Những ai muốn có cuộc sống tốt đẹp phải giúp người khác tìm được cuộc sống tốt đẹp cho họ. Những ai muốn có hạnh phúc nên giúp đỡ người khác tìm được hạnh phúc. Nếu không muốn khổ đau thì đừng đem đau khổ cho người khác. Bởi cuộc sống của mỗi người gắn liền với tất cả mọi người
Câu chuyện thứ 3:
Đêm 15-4-1912 một tai nạn thảm khốc đã xảy ra ngoài khơi Bắc Đại Tây Dương nhấn chì con tàu Titanic và làm hơn 1500 người thiệt mạng. Sau khi chiếc tàu ấy bị đắm một tờ báo ở Anh đã đăng kề nhau hai bức ảnh minh hoạ có nội dung như sau: trong bức ảnh thứ nhất, người ta thấy chiếc tàu chạm vào tảng băng bên dưới có dòng chữ : “sự yếu đuối của con người và sức mạnh của thiên nhiên ". Còn bức ảnh thứ hai người ta lại thấy một người đàn ông nhường chiếc phao cấp cứu của mình cho người đàn bà đang bế con trên tay. Lần này bức ảnh được chú thích bằng dòng chữ: “ sự yếu đuối của thiên nhiên và sức mạnh của con người "
Em có bình luận gì về hai bức tranh và hai lời đề tự trên?
Trả lời:
Các em ạ, Titanic có nghĩa là vĩ đại. Đặt tên cho như thế cho con tàu, con người muốn nói lên niềm kiêu hãnh cho một công trình có một không hai vào thời bấy giờ. Nhưng cái vĩ đại mà con người tưởng mình có thể đạt được trong tiến bộ khoa học kĩ thuật ấy không là gì trước sức mạnh thiên nhiên. Nhưng các em thấy không, thiên nhiên có thể cướp đi con tàu nhưng không thể cướp được sự sống của bà mẹ và em bé bởi vì người đàn ông dũng cảm kia đã sẳn sang hy sinh tính mạng để cứu sống họ.
Sức mạnh sự vĩ đại đích thực của con người không nằm trong khả năng chinh phục hay chế ngự thiên nhiên, mà chính là trong khả năng chế ngự được bản thân vượt thắng sự ích kỷ. Mahatma Gandhi,người dành độc lập cho Ấn độ bằng cuộc đấu tranh bất bạo động đã nói : “sức mạnh vĩ đại nhất mà con người có trong tay mình chính là tình yêu"
Câu chuyện thứ 4:
Ở Palextin có hai biển hồ cùng lấy nước từ một nguồn là sông Giócđan. Nhưng các em biết không ở biển hồ thứ nhất, nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, không có một sinh vật nào sống soát được, nó được gọi với cái tên là biển hồ chết, sở dĩ như vậy là vì nó nhận nước rồi giữ lấy cho riêng mình chẳng trao đổi cho sông hồ nào cả. Còn biển hồ thứ hai có tên gọi là biển hồ Galile nước trong xanh, cá tôm đày ắp, sinh vật xanh tươi. Bởi vì nó nhận nước rồi lại chia đều cho nhiều hồ và sông khác. Một sự khác nhau thật là thú vị phải không các em?
Em có suy nghĩ gì từ câu chuyện trên ?
Trả lời:
Các em ạ, hạnh phúc không phải chỉ là nhận lấy mà còn là biết cho đi. Người hạnh phúc nhất ở trên đời là người biết đem đến cho người khác nhiều hạnh phúc nhất Các em thấy không cho không phải là mất đi mà lại được, chúng ta cho đi tức là chúng ta đã nhận về. Bởi vậy trong cuộc sống các em phải luôn biết chia sẻ với người khác. Nếu biết sống vì người khác thì cuộc đời chúng ta sẽ tốt đẹp hơn nhiều lần, cuộc đời sẽ có ý nghĩa thêm bội phần. Có người nói" người ta kính trọng bạn không phải những gì bạn nhận được. Sự kính trọng là phần thưởng dành cho những gì mà bạn cho đi". Các em có tin không? Tin hay không các em hãy thực hành ngay để biết kết quả nhé
Câu chuyện thứ 5:
Trong một giờ sinh hoạt lớp học sôi nổi tranh luận về cách đánh giá một con người. Có nhiều ý kiến khác nhau. Ai cũng cho là mình đúng. Cuộc tranh cãi xem chừng không có hồi kết. Cả lớp đồng tình xin ý kiến cô giáo. Cô giáo không trả lời ngay mà dùng hai hình ảnh để các em tham khảo. Lần thứ nhất cô giáo đưa lên một tờ giấy trắng trên đó có một vết mực đen, cố giáo hỏi: "các em nhì thấy gì?" cả lớp đồng thanh :" chúng em nhìn thấy vết mực đen" cô giáo bảo" vết mực đen là một phần rất nhỏ, còn phần lớn là tờ giấy trắng sao các em không nhìn ra". Tiếp theo cô giáo đặt lên bàn một quả cầu, rồi hỏi" các em thấy quả cầu màu gi? Cả lớp hô to: màu đen ạ" bỗng cô giáo quay quả cầu 1800 rồi hỏi bây giờ các em thấy quả cầu màu gì? Lần này mọi người lại thấy nó có màu trắng. Cô giáo bảo các em thấy không nếu nhìn từ hai góc độ khác nhau các em thấy màu sắc quả cầu khác nhau.
Các em hãy cho biết quan điểm của cô gáo về cách đánh giá một con người?
Trả lời:
Các em thấy không con người ta ai cũng có hai mặt: mặt tốt và mặt xấu, nhưng mặt tốt là cơ bản, là nhiều hơn. Muốn đánh giá một con người để không bị phiến diện các em phải nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Trước sự vấp ngã của một con người các em phải biết cảm thông, phải biết nâng đở họ đứng dậy.Không nên vì một sai làm nhỏ mà đánh gục người khác, vô hình chung nhiều khi chúng ta đã làm tổn thương, làm hại một con người chúng ta đã đẩy họ xuống vực sâu. Nếu nhìn đời dưới góc độ tình thương các em sẽ thấy thế gian này mới đáng yêu làm sao, những con người quanh ta mới đáng quý làm sao Nếu được như vậy các em đã gieo lên trên mảnh đất tốt tươi kia một hạt mầm tốt, và biết đâu đó chúng ta đã làm thay đổi một con người, và nhiều con người khác
Câu chuyện thứ 6:
Xưa có một người thầy một hôm muốn dậy cho học sịnh một bài đạo đức, thầy bảo các em hảy mang vào lớp một người một bao khoai, và hảy khắc và mỗi củ khoai tên của một người mà mình còn giận hờn còn ghen ghét, tên của những người đã mang lại cho mình sự khó chịu. Sau đó hãy mang theo bao khoai đó bên mình. Cả lớp làm theo, và một cảm giác thật là khó chịu và phải mang lè kè bên mình một bao khoai nặng, rồi chẳng bao lâu những bao khoai kia thối vữa ra, khi mọi người hết chịu nỗi thì thầy giáo mới bắt đầu lên lớp cắt nghĩa. Cả lớp ai cũng thấm thía bài học thầy dạy
Theo em thầy muốn dạy điều gì?
Trả lời:
Thầy đã chỉ cho chúng ta cái giá khi luôn cất giữ bên mình những nỗi giận hờn phiền muộn và bi quan. Chúng ta thường nghĩ rằng sự tha thứ là món quà dành cho người khác nhưng thực chất đó là món quà dành cho chính bản thân chúng ta. Sự tha thứ không thể làm thay đổi được quá khứ nhưng nó có thể mở rộng cánh cửa dẫn đến tương lai. Sự tha thưa và lòng yêu thương luôn có thể cảm hóa được người khác. Các em thấy trong lịch sử mỗi khi chiến thắng quân xâm lược thì ông cha ta đã cấp lương thực, thuốc men, ngựa xe cho kẻ thù để chúng về nước, bởi họ hiểu rằng:"lòng nhân ái là vũ khí cao thượng nhất để khuất phục kẻ thù". Trịnh Công Sơn đã viết rất hay: "Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Ðời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm."
Câu chuyện thứ 7:
Cuối năm học thứ nhất ở trường y, một sinh viên phải trải qua một kỳ thi vấn đáp. Là một sinh viên chăm chỉ, nên anh ấy đã vượt qua hết các câu hỏi trong đề thi một cách khá dễ dàng. Những tưởng anh ta sẽ đạt điểm tuyệt đối cho đến khi bắt gặp câu hỏi cuối cùng: “bạn hãy cho biết tên người lao công trường ta?”. Anh tự hỏi không biết thầy có ý đùa không nữa. Và cuối cùng anh ta quyết định không trả lời vì nghĩ rằng mình không có bổn phận phải trả lời câu hỏi ấy. Nhưng các em biết không thầy giáo quyết định không cho anh ta điểm tuyệt đối, thật là kỳ lạ phải không các em?
Em có đồng ý với cách làm của thầy giáo không? và hãy cho biết quan điểm của em?
Trả lời:
Các em ạ, có thể các em không đồng tình với quan điểm của thầy giáo, nhưng các em nên nhớ rằng đó là một bài học mà em cần phải suy nghĩ, bởi các em biết không, trong sự nghiệp của mình, các em sẽ còn gặp gỡ rất nhiều người thuộc mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội. Tất cả họ đều là những người quan trọng. Họ đáng để chúng ta quan tâm và chăm sóc dù rằng tất cả những gì mà các em có thể làm được cho họ chỉ là một câu chào với nụ cười thật tươi trên môi. Các em có đồng ý vậy không?
Câu chuyện thứ 8
Ở một thành phố nọ có một người hiền lành làm nghề đóng giày. Những đôi giày mà anh ta đóng rất tuyệt do anh ấy biết chọn da tốt, đóng vừa vặn,giá lại rẻ. Ây vậy mà khách đến đóng giày lại rất ít, bởi mỗi khi cầm bàn chân của khách lên anh ta lại có thể nói đúng những đặc điểm của họ. Mà lại là những điểm xấu mới ác chứ. Khách muốn đóng ngưng không dám đến. Vì lẻ đó, tiệm của anh ta ngày càng ế ẩm .Những ngày mùa đông tới, anh ta rất lo âu bởi cái đói, cái rét bắt đầu tấn công. Đã nhiều ngày trôi qua anh không có lấy một người khách. Một chiều nọ, bụng đói cồn cào, không đủ sức cầm nổi chiếc búa nhỏ. May thay có một người vào trả giá mua một đôi giày với giá rẻ mạt. Anh ta vội bán ngay. Cầm tiền trong tay, anh băng qua đường đến quày bánh mì. Vừa trở về vừa nhai ngấu nghiến chiếc bánh , khi đi qua một mái hiên , anh trông thấy một bà lảo nằm bên dưới đang run rẩy vì lạnh cóng. Đọng lòng, anh dừng lại và cho bà lảo một ít tiền. Bà lão cầm tiền mĩm cười : “cảm ơn lòng tốt của cháu, ta sẻ giúp con giàu có bằng nghề đóng giày. Tuy nhiên để tránh chuyện làm khách phật lòng ta cho con một hòn đá nhỏ. Mỗi khi đóng giày cho ai, con hãy ngậm viên đá vào miệng và đừng nói điều gì. Hãy chịu đựng im lặng dẫu cho điều gì xảy ra, đến người khách thứ một trăm thì viên đá sẽ thành viên kim cương. Con hãy bán nó đi và có thể sống sung sướng suốt đời Anh ta cầm viên đá trở về nhà. Tiệm đóng giày của anh bắt đầu có khách vâng lời bà lão, anh không hề hé răng. Nhiều tháng trôi qua đã đến người khách đóng giày thứ 98 và 99. Và một buổi sáng , người khách thứ 100 bước vào. Đó là một tu sỉ. Anh cố gắng im lặng trước vị khách sau cùng ấy. Nhưng khi cầm bàn chân vị tu sĩ lên, anh biết ngay đây là một tên ma cô đang khoác áo từ bi. “ ông chỉ là một tên kẻ cướp chứ không phải là tu sỹ " anh la to khiến người khach giật mình bỏ chạy. Anh nhả viên đá và ném đi
Em rút ra được bài học gì từ câu chuyện trên
Trả lời: Đó là bài học về lòng trung thực. chúng ta thật cảm phục anh thợ đóng giày kia bởi anh ta thà chấp nhận sự nghèo khổ chứ không không chấp nhận đánh đổi sự trung thực để lấy sự giàu có. Em biết không năm 2004 có một sự tự thú của một nhà vật lí đã gây sững sờ cho cả giới vật lí, và những người kính trọng ông thì vô cùng thất vọng. Ông là Stêfen hốpking. Ông là tác giả của lí thuyết về hố đen vũ trụ đã đêm đến cho mọi người sự kính trọng và khâm phục vô bờ bến, mọi người vô cùng ngưỡng mộ ông. Nhưng các em biết không ông đã tuyên bố rằng lí thuyết về hố đen củ mình là sai lầm. Nếu ông không nói ra thì không một ai biết rằng ông sai, và ông vẫn ở trên đỉnh vinh quang, nhưng như các em đã thấy ông không đánh đổi vinh quang bằng sự dối trá. Và các nhà vật lí và mọi người sau cú xốc ban đầu, giờ đây càng kính trọng ông hơn. Các em biết không ông là người bị liệt toàn thân và được đánh giá là có bộ óc vĩ đại chỉ sau Anhxtanh.
Vài dòng kết luận:
Các em thân mến!
Các em nên nhớ rằng hạnh phúc không đến từ những gì một người đang có, mà từ chổ người ấy là ai. Cho đi và tha thứ thì cao quí hơn là chỉ biết nhận lấy và nuôi mãi oán thù. Chúng ta không chế ngự được thế giới chung quanh, nhưng chúng hoàn toàn có thể làm chủ cuộc sống của chính mình. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng biết đặt tình bạn lên cái tôi ích kỷ, biết khiêm tốn thay cho tự mãn, biết lắng nghe thay vì chỉ ban phát lời khuyên. Các em cần biết rằng không nên ghét bỏ một người chỉ vì lo sợ khi thấy họ khác mình, trái lại phải biết sợ hãi chính lòng căm ghét ấy… Niềm vui nằm trong việc có được sức mạnh chân chính để nâng người khắc dậy, chứ không phải sức mạnh giả tạo để hạ người khác xuống. Các em nên nhớ rằng rằng giá trị cuộc sống không phải được đo bằng năm tháng lo tích cóp tài sản, mà bằng những phút giây quên đi hạnh phúc cá nhân để chia sẻ niềm tin, khơi nguồn hi vọng, lau khô nước mắt và xoa dịu những nổi đau.Vẽ đẹp của một người không chỉ được nhận biết bằng mắt mà bằng cả trái tim, và dù thời gian và nỗi khổ có thể tàn phá hình hài thì chúng cũng đồng thời làm tăng nhân cách và giá trị của con người. Các em không nên xét nét người khác, vì mọi người đều có quyền hưởng hạnh phúc dù họ tốt hay xấu, vì suy cho cùng việc họ trở nên tốt hay xấu chính là tùy thuộc vào việc họ được người xung quanh giúp đỡ hay chỉ gây cho họ những tổn thương...Mỗi con người đều được tạo hóa ban tặng một món quà riêng biệt, và cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi mọi người biết chia sẻ món quà ấy với những người chung quanh.
Đó là tất cả những gì mà tôi muốn tâm sự với các em. Chúc các em có một tuần học thật hạnh phúc, thật giỏi, thật vui và làm được nhiều điều có ích cho cuộc sống.