Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2009

Những bước chân đi



















Tùy bút

Mới đó mà trường tôi đã tròn 15 tuổi, hai mươi khóa học sinh hệ chuyên đã ra trường, thời gian trôi nhanh quá. Chàng trai trẻ 20 năm về trước là tôi bây giờ trên đầu đã hai thứ tóc, thế mà…tôi vẫn cứ tưởng như ngày hôm qua…Tôi vẫn còn nhớ như in buổi sáng hôm ấy : một sáng mai đầy sương thu(1)…nhưng không có gió lạnh(2), nắng sớm mai bâng khuâng lấp lánh bên những lối nhỏ đến trường, tôi hòa vào đoàn học sinh đến lớp, trong tôi rộn lên bao điều cảm xúc, chân bước đi mà lòng thấy rộn ràng. Hôm nay tôi trở thành…thầy giáo.
Thật là may mắn cho tôi khi được trở về công tác tại trường cũ(3). Có thể với ai thì đó là chuyện hết sức bình thường, nhưng với tôi là điều hạnh phúc vô bờ bến. Bởi tôi có hoàn cảnh của riêng mình, nên chẳng dám ước mơ cao xa, tôi ra trường đã hơn hai năm mà chưa xin được việc, thầy giáo tôi đã đội nắng đội mưa, cùng tôi đi hỏi hết trường này qua trường khác… Hôm biết được tin mừng, thầy tôi với chiếc xe đạp mini củ nát, đạp hơn 6 cây số về nhà tôi, mẹ tôi mừng rơi nước mắt, hồi lâu chẳng nói được với thầy một lời cám ơn. Thật là may mắn cho tôi trong những tháng ngày chập chững, bên tôi lại có thầy cô, những người mà tôi thực sự kính trọng và thật lòng tôi quí như mẹ, như cha. Mẹ tôi lo cho tôi trẻ người non dạ nên cứ dặn lui dặn tới: con không được làm bất cứ một điều gì để thầy cô buồn lòng, bởi cách biết ơn tốt nhất là con hãy đối xử với học trò như thầy cô đã đối xử với con. Mẹ tôi là một nông dân, học hành chẳng được là bao, nhưng tôi tin lời mẹ đúng, bởi đó là cả tấm lòng thương con…
Mang trong mình cả bầu nhiệt huyết tôi đến lớp với cả niềm tin. Bên tai tôi văng vẳng lời thầy: Con ạ, việc học của con hôm nay mới chỉ bắt đầu. Tôi đem tất cả những điều học được để “rao giảng” cho học trò, tôi “thao thao bất tuyệt” trên bục giảng, trống điểm hết giờ rồi mà tôi vẫn thấy có bao điều chưa nói hết, tôi nói về những điều tôi biết, về lối sống, về đạo đức, về tình yêu…Tôi muốn thắp lên trong tim các em lòng yêu thương cuộc sống, tôi muốn chắp cánh cho các em đi tới những chân trời ước mơ…Tôi nhìn vào những đôi mắt thơ trẻ, các em im lặng nghe tôi như nuốt lấy từng lời…và rồi tôi tiếp tục…
Rồi một hôm thầy tôi ngang qua lớp, đứng lại hồi lâu nghe tôi giảng, cuối giờ thầy kêu tôi lại, như mọi lần thầy lại nhẹ nhàng bảo tôi : con không phải là nhà truyền giáo, người xưa dạy: phải biết điều mình nói chứ không phải nói điều mình biết, chưa chắc học trò lắng nghe con như vậy là chúng tâm phục, khẩu phục đâu. Con nên nhớ rằng nhiều khi im lặng chưa chắc là đồng ý đâu mà nhiều khi cũng là một hình thức phản đối đấy, con đừng biến học trò thành cái túi đựng kiến thức, con dạy vật lí, con phải biết rằng tương tác bao giờ cũng có tính hai chiều…Tôi biết thầy rất thương tôi
Năm tháng trôi đi, tôi vẫn luôn nhớ lời thầy dặn. Tôi đã dạy, đã tiếp xúc với bao lứa học trò, có những lứa học trò rất giỏi, rất thông minh và những giờ học trôi qua như một giờ hội thảo mà học trò là những nhà phản biện tài ba. Có những bài toán những vấn đề tôi trăn trở cả tuần, cả tháng mới giải quyết được, tôi tâm đắc lắm, khi đem ra lớp học có em chỉ làm trong vài phút là xong, làm tôi …cụt hứng mất mấy giây, nhưng rồi lại thấy quá vui. Bởi tôi tin chắc chắn rằng ngày mai đây các em sẽ làm nên việc lớn. Nhưng cũng có những lứa học trò học đã không chăm lại còn hoang nghịch nữa, tôi nhớ có lần sắp đến kì thi rồi mà “đám học trò” hoang nghịch kia vẫn “án binh bất động”. Tôi lo quá, hễ bước chân vào lớp là tôi nổi cáu, làm không khí giờ học vô cùng căng thẳng, thế mà một ngày nọ tôi chẳng nhớ là ngày gì bỗng nhiên tôi lại nhận được bó hoa rất đẹp và lần đầu tiên trong đời tôi có một ngày sinh nhật với đầy đủ bánh, hoa, những ngọn nến lung linh và đặc biệt là những nụ cười bao dung của những gương mặt thơ trẻ…Tôi nghĩ không biết mình là thầy hay lũ trẻ là thầy của mình đây…
Hai mươi năm đã trôi qua, “chân lí “ trong tôi đã có nhiều thay đổi. Có lẽ tôi thực sự đã đúng được trên đôi chân của mình. Bao lứa học trò của tôi đã ra đi đã trưởng hành, rất nhiều em giờ là tiến sĩ, là giảng viên đại học, là những nghiên cứu sinh ở Mĩ, ở Đức, ở Pháp, ở Na uy…, là những doanh nhân tài ba, là cán bộ chủ chốt của nhiều ngành cấp bộ nhưng cũng có nhiều em đang vật lộn với cuộc sống khó khăn đang lo toan với cơm áo gạo tiền …nhưng tôi tin rằng các em đều là những con người có ích cho quê hương, đất nước. Bởi tôi biết rằng khi người ta biết yêu cái đẹp thì khó làm điều xấu. Khi anh biết rung cảm với một chiếc lá rơi, thì anh cũng biết rung động trước nỗi khổ của con người…
Người đời ưu ái gọi chúng tôi là những người đưa đò, tôi nghĩ điều đó bây giờ không đúng lắm. Trong thế giới phẳng hôm nay vai trò của thầy giáo không còn tuyệt đối như xưa nữa. Bởi vậy tôi luôn luôn cố gắng làm mới mình, vì tôi không muốn mình trở thành lạc hậu. Tôi nghĩ mãi về Alber Einstein với công thức E = mc2. Năng lượng tiềm ẩn trong nội tại mỗi con người là vô cùng to lớn, trách nhiệm của chúng tôi là tìm cách để giải phóng năng lượng đó, làm sao để các em tìm được chính mình. Vì rằng trong cuộc đời này không có ai là xấu cả, và củng chẳng có ai là kém cỏi cả đâu, chỉ tại hoàn cảnh… và nhiều khi vì vô tình hay cố ý mà chúng ta không chịu thấy mặt tốt, không phát hiện được tài năng của họ mà thôi.
Ai đó thật là sai khi nói rằng: Chuột chạy cùng sào chui vào sư phạm. Hai mươi năm đi dạy tôi ngộ ra một điều: Té ra con người ta đâu chỉ cần có cơm, có áo… và cái tình người mới ấm áp làm sao…
Cứ mỗi độ tựu trường lòng tôi lại như cô lái đò của Nguyễn Bính năm xưa: xuân lại đem mong nhớ trở về…Tôi lại nghĩ về bao lứa học trò đã ra đi, không biết bây giờ các em đang ở đâu làm gì có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô…
Thầy tôi bây giờ đã chuyển sang làm quản lí và cũng đã sắp nghỉ hưu, nhưng thầy vẫn luôn theo dõi bước tôi đi. Tôi tự hào vì đã không phụ lòng thầy.

Chú thích: (1)(2): theo Thanh Tịnh
(3): trước 1994 hệ chuyên thuộc trường cấp 3 Đông hà