Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2010
















CHUYÊN ĐỀ NGOẠI KHÓA MỪNG XUÂN CANH DẦN

Người thực hiện: TRẦN VĂN SÁU

Kính thưa quý thầy cô giáo kính mến! thưa các em học sinh thân mến
“ Xuân của đất trời nay mới đến. xuân trong tôi đã đến tự lâu rồi”
Người ta nói rằng mùa xuân là của tuổi trẻ. Còn với người lớn tuổi cứ mỗi mùa đông trôi qua là lại thêm một chiếc lá vàng rơi, thế mà lòng tôi lại cứ háo hức như trẻ con mỗi độ xuân về. Trên những nẻo đường quê hương tôi bắt gặp những bông hoa khoe sắc tươi trong nắng vàng rộn rã, những nụ cười hân hoan như nắng mới mùa xuân.” Xuân đến rồi kia xuân đến rồi.”
Và tôi thấy mình bổng trẻ lại và muốn làm một điều gì để góp gió góp nắng cùng xuân
Hôm nay tôi xin phép quí thầy cô, tôi xin được trao đổi với các em đôi điều “trên trời dưới đất” như một món quà nhỏ đầu năm để trao tặng các em đặc biệt là các em lớp 12, với lời cầu chúc cho các em trong năm mới đạt được kết quả cao trong các kì thi sắp tới
Vì mục đích đó nên những câu hỏi tôi đua ra đều liên quan đến kiến thức mà các đã và sẽ được học, mong các em theo dõi để trả lời và chúng tôi sẽ có những phần thưởng cho những em có câu trả lời hay

Câu 1: Nhân dịp đầu năm mới có một người bạn ở một nơi xa xôi trong vũ trụ muốn đến thăm trường ta, em hãy cho bạn ấy địa chỉ ?
Trả lời: trường chuyên Lê Quý Đôn 106 Hùng Vương Đông Hà, Quảng trị, Việt Nam, hành tinh Trái đất, hệ mặt trời, trên dải thiên hà Ngân hà
Những kết quả quan trắc và nghiên cứu chứng tỏ vũ trụ là vô tận. trong phần vũ trụ mà con người đã tìm hiểu được( bán kính hàng tỉ năm ánh sáng) thì hầu hết vật chất tồn tại dưới dạng các sao tức là những thiên thể khổng lồ nóng sáng( những mặt trời). các sao phân bố trong không gian không đều, chúng tập trung thành những hệ có hình dạng xác định gọi là các thiên hà. Các sao trong thiên hà phân bố không đều đa số tập trung vào một mặt phẳng xác định được gọi là mặt phẳng chính của thên hà. Hệ mặt trời nằm cách trung tâm Thiên Hà của chúng ta 30 nghìn năm ánh sáng và quay quanh tâm thiên hà với tốc độ 250km/s

Câu 2: Có một bài ca dao rất hay mà tôi tin nhiều em thuộc vì nó được các bà mẹ dùng hát để ru con
Cầu Ô Thước trăm năm giữ vẹn
Sông Ngân Hà giữ trọn đừng phai
Sợ em ham chốn tiền tài
Dứt đường nhân ngãi lâu dài bỏ anh.
Trong văn học, cầu Ô Thước sông Ngân hà đã trở thành biểu tượng tình yêu.
Em biết gì sông Ngân Hà, cầu Ô thước ?
Trả lời: Thiên hà được gọi là thiên hà của chúng ta bao gồm 6000 sao mà ta nhìn thấy bằng mắt thường và hơn một trăm tỉ sao khác chỉ có thể quan sát bằng kính thiên văn. Những đêm trời quang mây tạnh nếu nhìn theo phương của mặt phẳng chính của thiên hà của chúng ta thì sẽ thấy một dải sáng quen gọi là dải Ngân Hà( sông Ngân), đó là hình chiếu của thiên hà chúng ta lên vòm trời
Ngưu Lang là vị thần chăn trâu, vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên cả 2 bỏ bễ công việc Ngọc Hoàng giận giữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông. Chỉ cho hai người mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm mùng 7 tháng Bảy âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu. Thời bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các phường thợ mộc ở trần thế được vời lên trời để xây cầu. Vì mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai, họ cãi nhau chí chóe nên đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng bực tức, bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Vì thế cứ tới tháng bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều. Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng lại lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh. Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, mới ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông đầu. Từ đó, cứ tới tháng bảy thì loài quạ lông thì xơ xác, đầu thì rụng hết lông.
Theo thần thoại Trung Quốc, chim quạ (ô) và chim khách (thước) khuân đá lấp sông Ngân Hà tạo nên cầu Ô Thước để Chức Nữ qua gặp Ngưu Lang vào đêm mồng bảy tháng bảy âm lịch.

Câu 3: Bây giờ chúng ta đi tìm hiểu các thành viên trong gia đình mặt trời: gia đình mặt trời gồm mặt trời và 8 hành tinh:
Thủy, kim, đất, hỏa,( chất rắn) mộc, thổ, thiên, hải( chất khí) quay quanh mặt trời với các quỹ đạo khác nhau. Sao thủy quay quanh mặt trời mất 88 ngày sao kim 225 ngày, trái đất 365 ngày, sao hỏa 687 ngày, sao mộc 11,9 năm, sao thổ 29,5 năm, sao thiên vương 84 năm, sao hải vương 165 năm. Tế Hanh một trong những người khởi xướng phong trào thơ mới có nhiều bài thơ tình rất hay, trong bài Vườn xưa đã viết:
Đôi ta như ngày nắng tránh ngày mưa
Như mặt trời mặt trăng cách trở
Như sao mai sao hôm không cùng ở
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa
Em hãy cho biết tại sao sao Hôm và sao Mai lại không cùng ở?
Trả lời: Sao Hôm và sao mai thực chất là một hành tinh duy nhất đó là sao Kim. Tùy theo vị trí của nó trên bầu trời mà có khi chúng ta thấy nó mọc trước mặt trời đó sao Mai và có khi thì thấy nó lặn sau mặt trời đó là sao Hôm

Câu 4: Có một nhà thơ rất nổi tiếng đã từng mơ mộng có một ngày được lên tới sao Kim. Em có lời khuyên cho nhà thơ với ý tưởng lãng mạn này?
Trả lời: Sao kim có kích thước như là anh em sinh đôi với trái đất. Tuy vậy chẳng có cặp sinh đôi nào lại khác nhau đén thế. Sao kim bị bao phủ bằng những lớp mây axits sunfuric đậm đặc không khí của nó có sức ép bằng 90 lần áp suất khí quyển trên trái đất và gồm toàn khí cacsbon điôxit ngạt thở. Chất khí này thu giữ nhiệt lượng của mặt trời và làm cho nhiệt độ lên đến 4650C. Bước chân lên sao kim nhà thơ sẽ bị ăn mòn, bị nghiền nát, bị ngộp thở và bị nung nóng cùng một lúc. Có thể nói sao kim là một hành tinh địa ngục.
Để các em biết được chúng ta đang được tạo hóa ưu ái như thế nào thầy xin giới thiệu đôi nét về các hành tinh còn lại:
sao Thủy, là một thế giới nhỏ, lỗ chỗ các miệng núi lửa và hầu như không có không khí, là hành tinh gần mặt trời nhất, nó thường rất nóng mặc dầu các miệng núi lửa ở hai đầu cực thường xuyên khuất mặt trời nên lạnh đến nỗi có cả những tảng băng ( câu hỏi phụ: tại sao cư dân sao thủy lại ăn mừng sinh nhật hai lần trong một ngày. Vì từ lần mặt trời mọc này đến lần kế tiếp sao thủy hai lần quay chung quanh mặt trời , hoàn thành hai năm sao thủy).
sao Hỏa: so với các hành tinh khác sao hỏa giống trái đất nhất. nó cũng có ngày dài như trái đất, không khí và hai đầu cực băng giá và những sa mạc với những vệt sẫm. nhưng không khí ngạt thở chứa cacbonddiooxxit loảng hơn khí quyển của trái đất nhiều.
sao Mộc là vị vua của các hành tinh. Nó lớn đến nỗi ta có thể và trọng lực của nó có thể kiểm soát đến 16 vệ tinh gã khổng lồ bằng không khí này được tạo thành hầu như toàn là khí hydro.
Sao Thổ với những vành đai đủ màu là một hành tinh rực rỡ nhất. nó có kích thước cũng rất lớn chỉ thua có sao Mộc. đặc biệt nó có tỉ trọng thấp đến nỗi nó sẽ nổi trên mặt nước nếu ta tìm được một chậu nước chứa nó, sao thổ cũng có một gia đình đông đúc nhất trong các hành tinh với 18 vệ tinh đã biết
Sao Thiên Vương hành tinh bị đảo lộn nó ở xa và trông mờ nhạt đến nỗi phải dùng kính thiên văn mới quan sát được nó. Hành tinh này bị lật ngang, có lẽ cách đây rất lâu nó bị một hành tinh khác đi loạng choạng tông vào, đôi lúc cực bắc của nó hướng về mặt trời, và đôi khi cực nam cũng hướng về phía mặt trời, các mùa cũng rất khác biệt, nó được cấu thành từ chủ yếu là nước gia đình sao thiên vương gồm 15 vệ tinh
Hải Vương tinh to gần bằng kích thước sao thiên vương tinh. Cấu thành từ chủ yếu là nước là gia đình gồm 8 vệ tinh

Câu 5: Em hãy cho biết ai là người đầu tiên phát hiện ra trái đất quay?
Trả lời: Ngày nay Chúng ta đã biết trái đất không hề là trung tâm vũ trụ, nhưng có một thời người ta đã nghỉ như thế, bởi khi ta ngước nhìn bầu trời, ta chỉ thấy mặt trời, mặt trăng và các vì sao quay quanh mình. Khi con người mở mắt nhìn xã hội, tất cả đều hiện ra như chính mình là tâm điểm, con người luôn lấy vị trí của mình làm trung tâm để nhìn môi trường xung quanh, thái độ đó đã ăn sâu trong đầu óc con người. trước copernicus tồn tại hệ đia tâm Ptoleme
Copernicus đi vào lịch sử như là người đầu tiên khẳng định trái đất quay quanh mặt trời và đã mở ra một kỉ nguyên mới cho loài người. trái đất từ chổ là trung tâm bất động của vũ trụ đã trở thành một hành tinh tí hon quay quanh mặt trời. Nó đã mỡ đường cho nghành thiên văn học hiện đại, đã làm đảo lộn quan niệm về thần học đang ngự trị trong giới triết học và khoa học châu âu thời bấy giờ ( thế kỉ 16) trong khoảng không gian vô tận trái đất chỉ còn là một vật thể bé nhỏ trong vũ trụ và con người chỉ là hạt bụi trong không gian vô tận đó.

Câu 6: Thi sĩ Hàn Mặc Tử trong những ngày tuyệt vọng đã thốt lên: “ hôm nay có một nữa trăng thôi, một nữa kia ai cắn vỡ rồi. Ta nhớ người xa thương đứt ruột. Gió làm nên tội buổi chia phôi"” và đại thi hào Nguyễn Du trong truyện Kiều ở cảnh Thúy Kiều khi tiễn đưa Thúc Sinh: "Người về chiếc bóng năm canh. Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi", Kiều ngẩng lên trời và hoảng hốt: “ vầng trăng ai xẻ làm đôi, nửa soi gối chiếc, nửa phơi dặm trường”.còn ca dao thì có câu: “ trăng trên trời có khi tròn khi khuyết” Em hãy giải thích tại sao lại chỉ có nữa vầng trăng, tại sao chị Hằng khi tròn khi khuyết
Trả lời: Mặt trăng như ta biết vận hành quanh trái đất và chỉ có một bề mặt của nó hướng về mặt trời và nhận ánh sáng từ mặt trời rồi phản xại về trái đất. Sự thật thì diện tích ánh sáng này trên mặt trăng không thay đổi ngoại trừ khi có nguyệt thực. Con người ở mặt đất nhìn vào nó với một góc độ khác nhau tùy theo từng khoảng thời gian khi mặt trăng nằm chệch một góc khác nhau giữa trái đất và mặt trời làm cho ta chỉ thấy một phần của ánh sáng này và nó hiện ra khi ‘tròn’, khi khuyết

Câu 7: Thời xưa, ở Hòa Châu (tức Thanh Hóa bây giờ), có một người tên là Từ Thức, là người có học, nhân đức. Một hôm, có một thiếu nữ nhan sắc xinh đẹp, gặp nạn đã được Từ Thức ra tay cứu giúp. Không ngờ đó là tiên nữ giáng trần có tên là Giáng Hương. Rồi sau đó hai người xe mây về tiên giới kết nghĩa vợ chồng. Từ Thức ở được chừng một năm, có ý nhớ nhà, nhớ mẹ nói với Giáng Hương rằng:
- Tôi đi xa nhà đã lâu, lắm lúc nhớ quê cũ, muốn về thăm một chút.
Giáng Hương tần ngần, không đáp.
Từ Thức lại nói:
- Tôi chỉ về chơi ít bữa, rồi lại đến đây với nàng.
Giáng Hương khóc mà nói rằng:
- Thiếp không phải vì tình lưu luyến hẹp hòi mà ngăn trở ý định của chàng, chỉ vì ở trần gian tháng ngày ngắn ngủi, sợ chàng có về đến nhà, cũng không thấy còn như trước nữa.
Giáng Hương đem chuyện nói với ngọc hoàng. Thấy Từ Thức trần duyên chưa dứt, ngọc hoàng mới sai người lấy một cỗ xe để tiễn đưa chàng. Giáng Hương viết một phong thư dán kín đưa cho chồng, dặn đến nhà hãy mở ra xem.Từ Thức từ biệt Giáng Hương và ngọc hoàng, rồi lên xe, chỉ chớp mắt đã về đến làng cũ. Nhìn phong cảnh chàng thấy khác hẳn xưa, chỉ còn hai bên khe núi là vẫn nguyên như trước. Chàng đem họ tên mình hỏi thăm các cụ già trong làng thì có một cụ trả lời:
- Hồi nhỏ, tôi cũng có nghe nói hình như cụ tổ bốn đời nhà tôi họ tên cũng như thế, nhưng lạc vào hang núi cách đây đã ngót hai trăm năm rồi.Từ Thức buồn rầu, muốn lại ngồi lên xe tiên để đi, thì xe đã hóa thành chim loan bay đi mất rồi. Mở bức thư của Giáng Hương ra xem, chàng chỉ thấy có dòng chữ vắn tắt: "ở nơi tiên cảnh, cùng nhau kết bạn, nay duyên xưa đã hết, không còn mong hội ngộ".Về sau, người ta thấy Từ Thức đội cái nón nhỏ vào núi Hoàng Sơn (thuộc huyện Nông Cống, Thanh hóa ) rồi không về nữa. Em thử lí giải hiện tượng trên?
Trả lời: Theo thuyết tương đối hẹp trong hệ quy chiếu chuyển động thì thời gian ngắn lại so với hệ quy chiếu đứng yên.( đồng hồ gắn với vật chuyển động chạy chậm hơn đồng hồ gắn với quan sát viên đứng yên) như vậy khái niệm thời gian cũng có tính tương đối phụ thuộc vào việc chọn hệ quy chiếu. vì vậy nên một ngày trên tiên giới bằng một năm ở hạ giới. không biết khi tìm ra thuyết tương đối Einstein có lấy ý tưởng từ câu chuyện từ thức không?

Câu 8: người Việt chúng ta từ xa xưa đã có tính hiếu hoc. Ngày nay cũng có rất nhiều người Việt thành công treenccon đường khoa học. Em hãy cho biết các nhà thiên văn người Việt nổi tiếng?
Trả lời: Trịnh Xuân Thuận là một chuyên gia người Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực vật lý thiên văn, là một nhà văn đã viết nhiều quyển sách có giá trị cao về vũ trụ học và về những suy nghĩ của ông trong tương quan giữa khoa học và Phật giáo. Ông còn là một nhà thơ, một triết gia,một nhà hoạt động cho môi trường và hòa bình. Ông đã nhận lãnh nhiều giải thưởng trong lĩnh vực thiên văn và trong lĩnh vực văn hoá xã hội.Giai điệu bí ẩn. Và con người đã tạo ra vũ trụ, Văn Hỗn độn và hài hòa, Cái vô hạn trong lòng bàn tay (Từ Big Bang đến Giác ngộ),Lượng tử và hoa sen, Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận.
Nguyễn Quang Riệu, Giám đốc Đài thiên văn Paris
Phòng làm việc của nhà thiên văn học được đặt gần tháp Eiffel, nơi quản lý giờ quốc tế thông qua việc sử dụng đồng hồ nguyên tử theo dõi và tính giờ chuẩn xác nhất. Chính tại đây, ngày 1-1-2006 vừa qua, các nhà khoa học đã "vặn" chậm lại một giây đồng hồ để thời gian trên trái đất trùng với thời gian quay của quỹ đạo các thiên thể trong Hệ Mặt trời.

Câu 9: Nếu bạn là một người từ thế giới khác đến thăm thái dương hệ, bạn sẽ thấy có một hành tinh kì là hơn những hành tinh khác. Hành tinh thứ 3 từ mặt trời. Một hành tinh có màu xanh dương rất lạ, bởi vì đấy là một hành tinh đầy nước. Đó là một hành tinh duy nhất có nhiều oxy, và đó là chốn duy nhất trong thái dương hệ có sự sống. chắc chắn các em cũng biết đó chính là trái đất thế giới quê hương chúng ta. ấy vậy mà trái đất đang đứng trước những hiểm họa khôn lường, theo em những mối đe dọa đó là gì? Và chúng ta phải làm gì để cứu lấy trái đất thân yêu?
Trả lời: Trái đất ngày nay đang bị đe dọa vì chúng ta tiêu hao các tài nguyên của nó quá nhanh mà lại chưa làm gì để ngăn chặn nạn ô nhiễm đất, nước và không khí. Sự phát triển của công nghiệp và giao thông đã đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng dẫn đến mức độ ô nhiễm trầm trọng. hiệu ứng nhà kính đang thay đổi khí hậu trái đất làm nước biển dâng cao, cây cỏ bị hủy diệt nhiễm độc phải chết dần chết mòn, một số vùng sẽ nóng và khô hơn, bão cũng nhiều hơn tác động xấu đến việc sản xuất lương thực, thực phẩm. tầng ozon tấm lá chắn trên cao bị phá hủy để lọt những tia bức xạ có hại của mặt trời làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người
Tuy nhiên có rất nhiều giải pháp để cứu trái đất: Đó là sử dụng năng lượng có thể tái tạo được, đó là năng lượng mặt trời, ngăng lượng gió và biển vừa rẻ, không ô nhiễm lại không bao giờ cạn kiệt. Đó là sự dụng vật liệu tái sinh, đó là tiết kiệm tài nguyên bằng cách kéo dài thời gian sử dụng của vật dụng. Đó là phân chia một cách công bằng tài nguyên thế giới làm cho người giàu tiêu phí ít hơn và người nghèo không phá hủy tài nguyên nơi mình sồng

Kết luận: con người ta sinh ra lớn lên ai cũng đầu đôi trời, chân đạp đất, nhưng thử hỏi có mấy ai quang tâm đến chuyện đất trời? Vào một đêm đẹp trời nào đó em hãy tìm một nơi thanh vắng để nhìn ngắm bầu trời để thấy sự tuyệt vời của tạo hóa, để thấy lòng mình trở nên vô cùng thánh thiện, để quên đi những nỗi ưu phiền những nhọc nhằn những bon chen của cuộc sống, để thả trôi đi những tị hiềm để được đồng cảm với Trịnh Công Sơn khi cất lên câu hát: “ tôi là ai, là ai mà yêu quá đời này” và để thấu hiểu cùng Xuân Diệu: “ còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi, nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”
Cuối cùng xin chúc quý thầy cô và các một năm dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và gặt hái được nhiều thành công. Xin cám ơn quý thầy cô và các em rất nhiều vì đã lắng nghe