Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Thư gửi MẸ








                                           














                                            VĂN THỊ LINH HÀ

 Mẹ kính mến! Có lẽ đây là lần đầu tiên con viết thư cho mẹ, chắc hẳn đã làm mẹ vô cùng ngạc nhiên. Hôm nay là một ngày vui của con bởi con đã có cơ hội nói rất nhiều những lời cảm ơn đến những người tốt bụng đã giúp đỡ mình và rồi con chợt nhận ra 18 năm qua đã không biết bao nhiêu lần con nói tiếng cảm ơn nhưng chưa lần nào nói với người con mang nợ nhiều nhất trong cuộc đời này là mẹ. Cảm ơn mẹ trước hết vì mẹ là người đã chịu vô vàn đau đớn để sinh ra con, để con có cơ hội phám khá thế giới rực rỡ này. Cảm ơn mẹ vì mẹ cùng ba đã là những người yêu thương con vô điều kiện từ lúc con còn chưa lọt lòng.Những người xung quanh có thể yêu mến con một phần vì con ngoan ngoãn, lễ phép; những người bạn có thể yêu mến con một phần vì con tốt tính hay dễ gần; người chồng tương lai của con có thể yêu con một phần vì con có chút ngoại hình và học thức, những đứa con của con yêu con vì con đã sinh thành và nuôi dưỡng chúng; duy chỉ có mẹ và ba yêu con không vì bất cứ một lý do nào kể trên và tình yêu đó của ba mẹ luôn lớn hơn tất cả những tình yêu trên cộng lại. Và cảm ơn mẹ vì mẹ không chỉ yêu con một cách đơn thuần mà luôn chuyển hóa nó thành hành động. Con biết chắc chắn mẹ không thể là người đồng hành cùng con trong suốt cuộc đời này nhưng trên những bước đường con đang đi luôn có sự dõi theo và động viên của mẹ. Con luôn tin dù mình có đi xa đến đâu khi ngoảnh đầu lại vẫn thấy bóng dáng của mẹ sẵn sàng là điểm tựa cho con lúc khốn cùng. Con chợt nhận ra những lúc buồn con đều ngồi bó gối và đó chính là tư thế của những đứa trẻ khi đang ở trong bụng mẹ. Đó chắc chắn không phải là sự tình cờ ngẫu nhiên của tạo hóa mà có thể đó đã là một lối mòn vô thức trong hành động của con người: mỗi khi gặp khó khăn lại nhớ về mẹ, nhớ về vòng tay che chở của mẹ. Cảm ơn mẹ vì cách mà mẹ đã nuôi dạy con. Mỗi bà mẹ trên thế giới này đều dành một yêu thương vô bờ bến cho con cái nhưng mỗi người trong số đó nuôi dạy con theo một cách riêng của mình. Mẹ không chỉ xây dựng cho con những thói quen tốt trong sinh hoạt hằng ngày mà mẹ cũng nuôi dưỡng cho con những tính cách cần thiết trong cuộc sống. Ai đó có thể cảm thấy việc chải răng buổi tối thật đang ghét, vô vị thì nhờ mẹ con luôn cảm thấy đó là điều nên làm và làm nó theo một thói quen như ăn cơm, uống nước hằng ngày. Cảm ơn mẹ đã tập cho con cách chào hỏi lễ phép với người lớn để giờ đây mỗi khi nói chuyện với các chú, các cô, các bác con có niềm tự hào nho nhỏ là được khen ngoan ngoãn, dễ thương. Cảm ơn mẹ vì mẹ đã tập cho con tính kiên trì, chịu khó. Mẹ chẳng cần nói nhiều chỉ cần quan sát cách mẹ làm việc con cũng hiểu muốn thành công dù việc lớn hay nhỏ đều phải cố gắng hết mình. Cảm ơn mẹ vì mẹ đã tập cho con tính cách sống thoải mái, không ghen tỵ với người khác. Con còn nhớ lúc con còn đi học phổ thông có những bạn luôn phải băn khoăn so sánh điểm mình với điểm người khác, lo sợ nếu mình thấp điểm hơn người khác thì sẽ bị mẹ mắng còn mẹ thì chẳng bao giờ như vậy bởi đơn giản mẹ không so sánh con với người khác, mẹ chỉ muốn con tự đánh giá được khả năng của bản thân và đặt ra những mục tiêu phù hợp. Giờ đây trước cuộc sống bộn bề con luôn thầm cảm ơn mẹ vì lối suy nghĩ đó đã được mẹ xây dựng cho con, nó làm cho con luôn cảm thấy thoải mái và vững tin trong những sự lựa chọn của mình. Và có những khi trong những cơn nóng giận con đã nghĩ nếu người khác đối xử với mình thế nào thì mình sẽ đối xử như thế với họ thì chính mẹ đã giúp con gạt bỏ những suy nghĩ ấy ra khỏi đầu. Thực sự con đã từng nghĩ có lẽ vì mẹ hiền lành quá, chịu thương chịu khó quá nên mới để những người xung quanh bắt nạt hay con đã nghĩ vì thế hệ của mẹ đã sống khác với thế hệ của con nhưng rồi giờ đây con nhận ra con phải cảm ơn vì những lời khuyên đó của mẹ. Mẹ nói đúng: “đối xử chân thành và khoan dung với người khác chính là cách tốt nhất làm cho tâm hồn thoải mái và thảnh thơi”, nếu con luôn ghi nhớ những điều không tốt mà người khác đã làm với mình hay sẽ đối xử với họ như cách mà họ đối xử với con thì con sẽ vô cùng mệt mỏi và cắn rứt. Giờ đây mỗi khi tức giận trước hành động không đẹp của một ai đó với mình con sẽ kiềm chế cảm xúc và bỏ qua nó. Như mẹ đã nói thế giới mà con đang sống thực sự còn rất nhỏ bé và hiền lành so với xã hội phức tạp ngoài kia vì vậy những con người xung quanh con chắc hẳn sẽ có những điểm rất đáng yêu, nếu họ đối xử không tốt với con thì có thể đó chỉ là những giây phút nhất thời của họ. Duy chỉ có một điều con nghĩ hơi khác mẹ là mẹ bảo con tha thứ thì một ngày nào đó người khác sẽ hiểu ra còn con khi tha thứ cho ai đó con sẽ không có ý đợi cho người khác hiểu ra được đâu mẹ ạ vì con tim con cũng đau lắm, cho con giữ một chút ích kỷ cho mình mẹ nhé . Như một câu hát trong bài hát “Rêu Phong” nổi tiếng của nhạc sỹ Tuấn Khanh : “Đời còn lắm ma quái bước đi về trên phố dài…”, nếu cuộc đời thực sự lắm ma quái đến vậy thì tại sao lại không chọn cho mình cách nghĩ và cách sống dễ thương nhất phải không mẹ? Và cảm ơn mẹ, cảm ơn vì mẹ đã dạy cho con biết cách để trở thành một người vĩ đại trong cuộc sống. Dù cho mẹ không phải là Êđisơn với những phát minh nổi tiếng hay Anhstanh với thuyết tương đối bất hủ thì đối với con mẹ cũng đã là người vĩ đại bởi tình yêu mà mẹ đã dành cho con, bởi cách mà mẹ đã chăm sóc và nuôi dạy con. Con hứa con cũng sẽ cố gắng để được như mẹ, để được trở thành một người vĩ đại trong mắt con gái mình. Điều cuối cùng mà con muốn nói với mẹ là mẹ hãy vững tin ở con vì mặc cho con chỉ là một hạt cát nhỏ bé giữa biển cát khổng lồ thì con tin con vẫn luôn muốn mình là một hạt cát lấp lánh. Con gái của Mẹ

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

tình cờ...mùa đông!



TÌNH CỜ...MÙA ĐÔNG!



Trần Văn Sáu

viết tặng: VTLH

Một chiều đông rét mướt tôi đứng tựa cửa lớp học nhìn ra sân trường nhìn gió mưa sướt mướt kéo nhau về lòng miên man nhớ về những ngày mùa đông thơ ấu: những ngày gió rét lùa qua căn nhà tranh trống trải tường phên rách nát, cơm không có sắn khoai chẳng đủ ăn, áo quần tơi tả, tối đến cả 5 mẹ con nằm trên chiếc gường ọp ẹp với chiếc chiếu bằng nilon và chiếc mền mỏng hơn chiếc áo người nghèo được cấp trong những tháng ngày tị nạn, tôi bỗng thương mẹ vô cùng một mình chống chọi với bão tố cuộc đời để nuôi 4 anh em tôi tới bờ tới bến…đang nghĩ mông lung thì phía cuối hành lang bỗng xuất hiện một cô bé dễ thương mái tóc suôn dài bồng bềnh trong gió lạnh với đôi mắt rất hiền như nhìn vào cõi xa xăm, như chẳng quan tâm gì thời hiện tại, một chiếc khăn quàng cổ đổ xuống chiếc áo lạnh màu ghi một dáng đi mang chút dáng dấp của người con gái phương tây sãi bước về phía tôi. Thấy tôi cô bé dừng lại hai tay khoanh trước ngực, đầu cúi xuống ngang vai rồi tiếp tục bước đi, tôi nhìn theo lòng đầy thiện cảm, chẳng biết cô bé con cái nhà ai, học lớp nào mà ngoan vậy, tự dưng cô bé đem đén cho tôi một niềm vui, một đốm lửa hồng khi lòng tôi đang lạnh giá…và vui hơn tôi thấy cô bé rẽ vào phòng bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia môn toán. Tôi bỗng nhớ Nam Cao: không cuộc đời chưa hẳn đáng buồn…
Cô bé làm tôi xao động mất mấy ngày, tôi là người hay nghĩ đa sầu đa cảm nhiều lúc có những điều tưởng chừng như nhỏ bé tầm thường với ai đó lại đem đến cho mình những suy tư những hạnh phúc, những tin yêu... tôi vẫn cố không tin vào nhận xét của nhiều người lớn: trẻ con bây giờ khác xưa rồi, chúng chỉ biết mình thôi, cô bé đã cho tôi một phản ví dụ để tôi có thể tôi củng cố được niềm tin của mình, tiếp cho tôi thêm một chút tin yêu vào cuộc sống…
Thế rồi mùa đông cũng qua đi, mùa hè lại đến. Cô bé cũng theo tháng ngày đi vào chuyện cổ tích của trí nhớ bắt đầu lẩm cẩm và đang giảm sút của tôi. Trong giờ nghỉ tôi lại đứng tựa cửa nhìn ra sân trường, không có hoa phượng nở đỏ thắm như trong lời một bài ca mà tôi yêu từ thuở nhỏ, nhưng bóng dáng những tà áo dài trắng thì vẫn cứ bay bay…những gương mặt rạng ngời của con trẻ, những nụ cười "như mùa thu tỏa nắng" thì vẫn cứ còn mãi với tháng năm…tôi nghe tiếng ve râm ran trên sân trường và lòng mình cũng ngập tiếng ve kêu…tôi lại thấy lòng mình buồn lạ, lại cứ tưởng như mình sắp đi xa…và tôi thấy nhớ Nguyễn Bính” một mình làm cả cuộc phân li”. Bỗng nghe bên tai: dạ thầy,con mời thầy chụp với con một kiểu ảnh nghe thầy. Tôi như thoát ra từ cõi mộng: ơ hay sao lại là cô bé. và sao lại là tôi? “ Phúc bất trùng lai” chẳng lẽ câu nói của người xưa lại sai ư? Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, tôi nhìn thấy trong đôi mắt xa xăm ấy một chút thân thiện, một chút trìu mến không biết là có phải dành cho tôi…?Làm thế nào mà lại không nhận lời được chứ. Và tôi không quên dặn cô bé nhớ chuyển ảnh cho thầy…cô bé lại làm cho tôi vui thêm được mấy ngày…
Và rồi mùa hè lại qua đi, mùa thu lại đến. Lại một mùa tựu trường nữa lại về. Sân trường lại rộn rã cười vui. Tôi đứng giữa sân trường nhìn đàn con trẻ nô đùa bỗng chạnh lòng nhớ những tháng năm qua. Vẫn là những khuôn mặt trẻ, vẫn là những tà áo trắng tinh khôi…con đò còn đó, người xưa đâu rồi?... Tôi hay tin cô bé đã vào một trường đại học danh giá, người ta nói sai rồi” hoa thơm không quí” cô bé vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang, vừa ngoan vừa giỏi…ngày 20-11 tôi lại nhận được mail cô bé với những lời chúc mừng và xin lỗi vì không gửi tấm hình…ồ cô bé có lỗi gì đâu, rất mừng là vì trong tâm trí cô bé vẫn có tôi một người không quen biết, không dạy dỗ cô bé một ngày, một chữ cũng không, với tôi đó quả là một hạnh phúc lớn lao. Tôi bỗng nhớ tới Vũ Thành An” triệu người quen có mấy người thân…”
Và rồi mùa đông lạị trở về. Tôi bỗng tình cờ gặp lại cô bé giữa mùa đông Hà Nội. Một triết gia Hy lạp tôi không nhớ tên đã nói” sự tình cờ chỉ đến với những người đáng được tình cờ”. Cô bé mang đến cho tôi niềm vui khó tả. Trong đôi mắt xưa giờ đã bây giờ đã bớt xa xăm, tôi nhìn thấy ở đó niềm vui, sự trẻ trung đã trở lại…Tôi như lâu ngày gặp lại tri âm, tri kỉ( trước đó tôi chưa bao giờ nói chuyện với cô bé dù chỉ một phút giây). Tôi trải lòng và lắng nghe cô bé. Cô bé nói với tôi đủ mọi thứ chuyện trên đời. Cô bé coi tôi như một người rất thân rất gần gũi. Và lạ kì chưa, sao cô bé lại tin tôi đến thế. Cô Cô bé đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác…Tôi không ngờ cô bé lại quan tâm nhiều chuyện và lại sâu sắc đến vậy. Cô bé có những nhận xét làm tôi rất bất ngờ. Tôi cứ sợ những con số khô khan đã làm khô cằn con trẻ.Tôi cứ mong trời đừng tối, chiều cứ dài ra…để được mãi ngồi nghe cô bé nói, để được ngắm nhìn cô bé…để thấy tháng ngày đừng trôi qua.
Tiễn cô bé lên xe về nhà rồi, tôi đứng tần ngần ngẩn ngơ mất mấy giây giữa con đường đông đúc xe cộ. Trong tôi Hà Nội dễ thương hơn rất nhiều, vì giờ có thêm một cô bé dễ thương sống cùng Hà Nội và như lời cô bé nói “ sao con thấy ai cũng dề thương hết mà…” tôi ước mong những ngày đông êm đềm đừng vội trôi đi, và ước mơ những “ ngày xưa” rồi sẽ trở lại. Cô bé ơi: ta muốn nói với con một điều: con là người rất đáng yêu… ta yêu con lắm

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

xa rồi 5B!



XA RỒI 5B!

Trần Hương Quỳnh

Phải làm sao khi tôi sắp phải xa mái trường tiểu học, phải làm sao khi mai đây tôi sẽ không còn thấy bóng dáng bè bạn vào mỗi buổi học như trước, và nhất là không còn được nghe cái giọng trầm bổng của người đã đưa tôi tới ngày hôm nay…rồi lúc đó,tôi sẽ không còn được nắm tay,trò chuyện…với những người bạn đồng trang đồng lứa với tôi. Thời gian trôi quá nhanh, nhanh đến mức giờ đây chữ “5B” đã từ giã tôi, từ giã tất cả mọi người . Rồi lúc tôi ra đi những hạt nước mắt lại tuôn trào à để lại cho “5B” một nỗi buồn khó tả. Chúng tôi xa nhau,chúng tôi sẽ rất nhớ nhau, nhưng có lẽ người nhớ nhất vẫn là người mẹ thứ hai của tôi. Mai xa rồi,tôi đã để lại cho cô biết bao là kỉ niệm vui buồn bên mái nhà êm ấm này và người khắc ghi chính là cô. Cô là người mở đầu cho chúng tôi những lối đi riêng lẻ. Và tất nhiên, cô không để cho chúng tôi đi mà không mang theo hành trang gì, cô đã trao cho chúng tôi cả một trái tim. Trái tim cô ấm áp, dịu dàng, là ngọn đuốc dẫn dắt chúng tôi trong tất cả mọi con đường chứa đầy bóng tối….Và trong đó, người đã cho tôi những niềm tự tin trên con đường là bạn bè.
Tôi biết là vẫn còn có rất nhiều cơ hội để nói chuyện, tâm sự với bạn bè,thầy cô nhưng sao tôi vẫn tự hỏi mình sao không kìm nén được. Tôi nhớ bạn bè, nhớ thầy cô, tôi sẽ nhớ tưng giây từng phút tại mái nhà này. Tôi sẽ nhớ tất cả, tất cả những gì ở đây và tôi mong rằng cô cũng sẽ nhớ 38 con tim bé bỏng này. Tôi nhớ những mùa hè trước, mỗi lần được nhìn thấy từng cánh phượng nở và từng chú ve nâu đang khẽ khàng đưng trên từng nhành phượng thắm là lòng tôi lại xao động và ước muốn mùa hè về thật nhanh cơ mà. Nhưng giờ đây thì lại khác, mỗi lần ngắm phượng rơi là lòng tôi lại buồn não ruột. Cũng có thể nói là tôi muốn cho thới gian quay trở lại,tôi sẽ không phải ghét ngắm nhìn hoa phượng đến mức này. Nhưng đôi lúc ngắm nhìn hoa phượng tôi cũng thấy thương, thương là thương những ngày tôi mới bước vào trường,tôi chỉ biết lấy phượng làm bạn,thế rồi thời gian sao vội vàng thế….Đối với tôi,thầy cô là những người lái đò còn bạn bè là những vị khách đi cùng. Trên chuyến đò đó đã có những niềm vui cũng như nỗi buồn…giờ đến lúc con đò phải cập bến rồi.Biết nói sao vơi những vị khách đi cùng đây,những giây phút bên nhau đã hết rồi, niềm vui rồi phải làm sao phải đi thôi…
tạm biệt người lái đò nhé....!!!!

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011
















CHUYÊN ĐỀ NGOẠI KHOÁ VỀ TỔ QUỐC VÀ DÂN TỘC VIỆT NAM


Người thực hiện: Trần Văn Sáu

Kính thưa quý thầy cô giáo kính mến! thưa các em thân mến
Tiếp tục với bài học làm người mà tôi đã cùng các em trao đỏi với các em mấy năm nay. Hôm nay xin phép BGH nhà trường và quý thầy cô xin được nói với các em đôi điều về tổ quốc và dân tộc Việt Nam
Các em ạ! Đối với mỗi con người, tổ quốc và dân tộc là một thực thể thiêng liêng, là một phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn của mỗi một chúng ta
Ôi tổ quốc ta ta yêu như máu thịt.
Như mẹ cha ta như vợ như chồng
Ôi tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mõi ngôi nhà ngọn núi con sông (Chế Lan Viên)
Và để rồi mỗi khi đi xa lại nhớ quay nhớ quắt, lại chỉ muốn quay về:
Tổ quốc ơi! Bởi vì sao mỗi bước
Chân con đi xa mẹ nhói bàn chân,
Cũng ánh sáng, cũng trời mây, gió nước
Xa quê hương sao nhạt nhẽo muôn phần.( Huy Cận)
Tại sao tổ quốc dân tộc lại thiềng liêng như thế? lại muôn vàn yêu quý như thế lại đáng tự hào như thế? Thây muốn các em cùng tìm hiểu
Câu hỏi 1: Em hãy cho biết nghĩa đen và nghĩa bóng của từ tổ quốc và đồng bào Từ ý nghĩa đó gợi cho em suy nghĩ gì?
Trả lời : Tổ quốc: đất nước cuả tổ tiên. Đồng bào: người trong một bọc (theo truyền thuyết trăm trứng trăm con). Các em ạ! Dân tộc Việt Nam chúng ta may mắn là con một cha nhà một nóc. Chúng ta cùng có chung cội nguồn, có chung dòng máu Lạc Hồng, dòng máu rồng tiên. Tổ quốc Việt nam là của chung chung ta. Đất nước việt nam là của dân tộc Việt nam, những người sống trên đất nước này đều là đồng bào của chúng ta. Đó là điều thuận lợi mà không phải bất kì quốc gia nào cũng có được. Người Mĩ chẳng hạn, họ cùng sống trên nước Mĩ nhưng không cùng tổ quốc, các em biết không, tổ quốc của tổng thống đương nhiệm của nước Mĩ không phải là Hoa kì mà là Kenya, các cộng đồng dân cư trong nước Mĩ đều có tổ quốc riêng của họ. Đối với họ tổ quốc (the fatherland), đất nước (country )và quốc gia (nation ) là hoàn toàn khác biệt chứ không là một như chúng ta. Chỉ có khái niệm nhân dân Mĩ chứ không có khái niệm dân tộc Mĩ. Vậy thì hà cớ gì mà chúng ta không thương yêu đùm bọc nhau. Các em hôm nay ngày hai buổi tới trường thì các em phải nhớ rằng có những người anh em của mình đang phải đi đánh giày, bán báo ngoài kia để kiếm từng miếng cơm manh áo, các em được cha mẹ thương yêu, thầy cô bạn bè qúy trọng thì các em phải nhớ rằng anh em mình đang có kẻ lang thang không cửa không nhà giữa những hè đổ lửa ngày đông tháng giá. Mỗi khi các em gặp một cụ già vất vưỡng kiếm sống trên đường thì các em hãy nhớ đó là đồng bào của chúng ta chúng ta phải động lòng trắc ẩn, khi các em thấy ai đó gặp nạn thì các con phải nhớ đó là ruột thịt của ta, phải ra tay giúp họ, đừng để như ai đó chỉ đứng lại nhìn vì hiếu kì rồi lại bỏ đi. Đừng như ai đó khi thấy tai nạn xảy ra thì không cứu người mà chỉ lo hôi của. Khi các em lớn lên các em sẽ là những bác sĩ các em phải nhớ rằng bệnh nhân là đồng bào mình, các em phải cứu họ vì họ cần phải sống chứ không phải vì trong túi họ có bao nhiêu tiền. Các em sẽ là những thầy giáo, các em phải tận tâm với học trò phải thương yêu học trò vì đó là đó là đồng bào mình chứ không phải vì nó là con ông nọ bà kia. Các em sẽ là những nhà lãnh đạo các em phải coi nhân dân là cha mẹ là anh em mình chứ đừng nghĩ rằng họ là tôi tớ của các em để rồi bắt nạt dạy bảo và đe nẹt họ. Các em phải nhớ lấy chúng ta là con Hồng cháu Lạc, chúng ta là người Việt Nam
Câu hỏi 2: Em hãy nêu tên nước ( quốc hiệu) của chúng ta qua các thời kì?
Trả lời: Văn Lang dưới thời họ Hồng bàng, Âu Lạc dưới thời nhà Thục. Nam Việt dưới thời nhà Triệu. trong thời kì Bắc thuộc lần 1 gọi Giao chỉ sau đổi thành Giao châu trong lần Bắc thuộc lần 2. Vạn Xuân dưới thời nhà tiền Lí. An Nam trong lần Bắc thuộc lần 3. Đại Việt dưới thời nhà Ngô. Đại Cồ Việt dưới thời nhà Đinh, nhà tiền Lê, nhà Lí. Đại Việt dưới thời nhà Lí, nhà Trần. Đại Ngu dưới thời nhà Hồ. dưới thời nhà hậu Trần, nhà hậu Lê lấy lại tên nước là Đại Việt . Việt nam dưới thời nhà Nguyễn cho đến nay
Câu hỏi 3: Em hãy cho biết diện tích đất nước ta?
Trả lời: Nước ta có hai phần: lãnh thổ và lãnh hải. Diện tích phần đất liền khoảng 331.698 km². Vùng biển của Việt Nam chiếm diện tích khoảng 1.000.000 km². Trong đó có 3260km bờ biển, 3000 hòn đảo lớn nhỏ, 2 quần đảo xa bờ là Hoàng sa và Trường sa. Trước đây nhiều quốc gia chỉ quan tâm tới phần lãnh thổ. Nhưng trong thế giới ngày nay, lãnh hải vô cùng quan trọng, ngoài tài nguyên trong lòng nó thi đây còn là cửa ngõ để giao thương với bên ngoài
Các em biết đấy để có được giang san gấm vóc như hôm nay, ông cha ta đã mất gần 4000 năm để tạo dựng, mở mang và gìn giữ. Trên mỗi tấc đất quê hương, mỗi góc phố, bờ tre đều in dấu bước chân của ông cha, máu mồ hôi của bao thế hệ đã đổ xuống. Không ý thức được điều đó là chúng ta có tội lớn với tiền nhân.
Câu hỏi 4: Đất nước chúng ta có 4000 năm lịch sử. trải qua các thời kì khác nhau. Thời kì thứ nhất : Thời kì Thượng cổ thời đại: tính từ khi lập nước đến hết đời nhà Triệu.Theo truyền thuyết về thời Hồng Bàng, cách đây hơn 4000 năm. Các tộc người Việt cổ (Bách Việt) đã xây dựng nên nhà nước Xích Quỷ có lãnh thổ rộng lớn tại khu vực ngày nay là miền nam sông Dương Tử (Trung Quốc). Tới thế kỷ 7 trước công nguyên (TCN), người Lạc Việt, một trong những nhóm tộc Việt ở phía Nam đã lập nên nhà nước Văn Lang tại khu vực mà ngày nay là miền Bắc Việt Nam, và kế tiếp là nhà nước Âu Lạc vào giữa thế kỷ 3 trước công nguyên. Trong thời kì này ngày nay còn lưu lại nhiều câu chuyện cổ tích: trăm trứng tăm con, sự tích trầu cau, phù đổng thiên vương, bánh dày bánh chưng , sự tích quả dưa hấu, sơn tinh thuỷ tinh, mị châu trọng thuỷ. Thầy có một câu hỏi vui nhé. Có rất nhiều kỉ lục quốc gia được lập trong thời kì này. Đó là những kỉ lục nào?
Trả lời : Bà mẹ đông con và có con cái thành đạt nhất? mẹ Âu cơ và các con là các Vua Hùng
Người đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ? Thánh Gióng
Người Việt nam đầu tiên làm maketting? Mai An Tiêm
Người đầu tiên đưa hàng giả vào việt nam? Trọng Thủy
Câu hỏi 5: Thời kì thứ 2: thời kì Bắc thuộc: Bắt đầu từ thế kỷ 2 TCN, đất nước chúng ta bị các triều đại phong kiến Trung Quốc cai trị trong hơn 1000 năm. Em hãy cho biết tại sao các nhà lịch sử chia thời kì này thành 3 giai đoạn: BT lần 1, BT lần 2, BT lần 3. Em có suy nghĩ gì có điều gì ngạc nhiên và khâm phục ông cha chúng ta qua thời kì này?
Trả lơì: Trong suốt 1000 năm đô hộ, nhân dân ta không cam chịu làm nô lệ, luôn đứng lên đánh đổ ách thống trị của giặc phương Bắc. Sau nhiều lần khởi nghĩa không thành của Bà Triệu, Mai Thúc Loan,...hoặc chỉ giành độc lập ngắn của Hai Bà Trưng, Lý Bí... đến năm 905 Khúc Thừa Dụ đã giành quyền tự chủ cho người Việt, và Việt Nam chính thức giành được độc lập lâu dài sau trận chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng do Ngô Quyền chỉ huy trước đoàn quân Nam Hán năm 938. điều lí thú nhất là trải qua 1000 năm bị đô hộ. Lòng yêu nước không bị dập tắt mà vẫn âm ỉ và khi có cơ hộị và điều kiện thì lại bùng phát và đứng lên dành lại độc lập đặc biệt bản sắc văn hóa dân tộc vẫn được giữ gìn. Ông cha ta vẵn không bị đồng hóa, vẫn giữ gìn được tiếng nói, vẫn phát triển được nền văn hóa. Nước Trung Hoa xưng hùng xưng bá, nhưng chưa bao giờ chiến thắng trước bất cứ cuộc chiến tranh xâm lược nào của ngoại bang. Nhưng họ có một biệt tài kỳ lạ, độc nhất vô nhị trên thế gian này, đó là trả thù bằng cách Hán hóa tất cả các đạo quân xâm lược, kể cả những đế chế lừng lẫy nhất thế giới, như Mông Cổ và Mãn Thanh. Đế chế Mãn Thanh hùng mạnh như vậy mà bị “thôn tính” trở lại theo kiểu “Hán hóa”, đến mức ngày nay chỉ còn lại con số cỡ trên trăm người nói được tiếng Mãn. Một nhà khoa học xã hội đã kể: Trong thời gian làm việc ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, ông có cơ hội được tiếp xúc với nhiều bạn bè người Mãn… ông nhận ra, ai cũng mang một đôi mắt đượm buồn, và khó tìm được vẻ buồn nào hơn thế. Có lần ông buột miệng hỏi một nhà nghiên cứu người Mãn: “Chị nói tiếng Mãn vẫn tốt chứ?”. Lòng chị ấy trĩu xuống, nói không ra tiếng, lắc đầu buồn bã, và buông ra một lời ứ máu nghẹn ngào: “Các bạn hạnh phúc vì vẫn giữ được tiếng Việt sau hơn một ngàn năm đô hộ của người Hán”. Đấy các em thấy ông cha chúng ta là như vậy
Câu hỏi 6: Thời kì thứ 3: Thời kì tự chủ: . Sau chiến thắng cuả Ngô Quyền chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc. chúng ta bước vào thời kì xây dựng đất nước với các triều đại phong kiến hùng mạnh. Em hãy cho biết đó là các triều đại nào?Các công việc lớn mà các triều đại này làm được?
Trả lời:Các triều đại phong kiến trong thời kì này. Ngô, Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, hậu Trần, Lê, hậu Lê, Trịnh Nguyễn phân tranh, nhà Nguyễn Tây sơn, nhà Nguyễn Có thể nói đây là thời kì hưng thịnh đất nước có nhiều vua hiền tôi giỏi chăm lo việc nước việc dân chống lại giặc phương Bắc, mở mang bờ cõi phía Nam. Sau khi giành được độc lập, từ thế kỷ 10 dân tộc Việt Nam đã xây dựng đất nước, chống lại sự xâm lược bởi các triều đại phương Bắc của người Hán, Mông Cổ, Mãn Thanh gắn liền với những tên tuổi của những vị tướng tài ba: Lí Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…và với những lần mở rộng lãnh thổ dần xuống phía nam nơi người Chăm, người Khmer sinh sống, gắn liền với tên tuổi cuả Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hữu Cảnh… Việt Nam có ranh giới địa lý gần như hiện nay vào năm 1757
Câu hỏi 7: Đến giữa thế kỷ 19, cùng với các nước ở Đông Dương, Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp. Trong Thế chiến thứ hai, phát xít Nhật chiếm Việt Nam và toàn thể Đông Dương, ngay sau khi hay tin đế quốc Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, Việt Minh đã giành lại chính quyền từ tay Nhật. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập thành lập nưảớc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Em hãy cho biết 2 câu thơ:
Mường thanh, Hồng cúm, Him lam.
Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng
viết về sự kiện lịch sử trọng đại nào của dân tộc ta?
Trả lời: Chiến thắng Điện Biên Phủ gắn liền với tên tuổi cuả vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp.
Em có biết điểm gì đặc sắc trong câu thơ trên? lối chơi chử tài tình. Câu thơ là một bức tranh thanh bình của quê hương sau ngày chiến thắng. cả 2 câu là những sắc màu tươi vui: xanh, hồng, lam, trắng, vàng.
Câu hỏi 8: Có ý kiến cho rằng giới trẻ ngày nay quay lưng lại với lịch sử, họ sống ích kỉ và ít quan tâm tới vận mệnh của đất nước, họ chỉ tìm cách làm sao kiếm được thật nhiều tiền em nghĩ sao?
Các em ạ! Thầy nghĩ rằng người Việt nam chúng ta lòng yêu nước đã trở thành máu thịt. Đất nước là vấn đề hết sức thiêng liêng. Thầy không tán thành với đánh giá là giới trẻ quay lưng với lịch sử. Lịch sử ở trong tâm can con người, vấn đề là nó có được đánh thức hay không thôi. Thực tế cho thấy nếu có vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, giới trẻ đều quan tâm và thể hiện thái độ của họ. Vấn đề là người lớn tổ chức như nào, làm cái gì và người lớn có phải là một tấm gương không? Tuy nhiên cũng có một số bạn trẻ ý thức xã hội ít, nhạt nhẽo, thậm chí còn có những quan niệm lối sống lệch lạc. Nhưng thực ra đấy chỉ là một bộ phận rất nhỏ. Và thầy nghĩ trách nhiệm một phần thuộc về người lớn. Thầy cô, cha mẹ chưa chăm sóc quan tâm các em chưa thật chu đáo, chưa lắng nghe các em.Và thật sự họ đang nghĩ gì? Biểu hiện bên ngoài có song hành với suy nghĩ bên trong tâm hồn thực của họ không?Đó là điều người lớn cần suy nghĩ
Có nhiều bạn cho rằng mục đích của đời mình là kiếm thật nhiều tiền. Quả là một quan niệm sai lầm và tai hại Các em nên nhớ kiếm tiến không phải là điều xấu. Nhưng kiếm để làm gì ? và kiếm như thế nào mới là điều đáng nói. Ai đó đã nói vui : tiền bạc là phù du, nhưng không có tiền thì phù mỏ, cũng đúng đấy các em a. Nhưng các em cần biết rằng đồng tiền chỉ là phương tiện chứ không thể là mục đích sống. Người ta nói rằng đồng tiền là người đầy tớ tốt nhưng là người chủ xấu. Thần tượng cuả giới trẻ là Bill Gates đầy tham vọng và khao khát làm giàu. Ông là người tài năng và giàu nhất thế giới hiện nay. Nhưng đồng tiền ông ta làm ra đã dành phần lớn để cống hiến trở lại vì hạnh phúc của nhân loại qua công tác từ thiện. Các em nhớ điều đó
Kết luận: Các em ạ! Tổ quốc ta dân tộc ta thật là vĩ đại. Tìm hiểu cội nguồn để chúng ta thêm tin yêu cuộc sống hôm nay. Không ai có thể yêu đất nước, yêu đồng bào mà không biết gì về đồng bào và đất nước. Ông cha ta đã để lại cho chúng ta một di sản đáng tự hào. Các em phải biêt nâng niu gìn giữ. Ai đó đã nói rất hay: Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác.
Ngày nay, với sự bùng nổ của Internet và các phương tiện thông tin hiện đại, các em có đầy đủ thông tin. Đó là thế mạnh mà các em so với thế hệ cha ông. Nhưng những kiến thức đó không tự dưng mang đến cho người ta một lý tưởng sống. Tuổi trẻ chúng ta không thiếu thông tin nhưng cái ta thiếu chính là tính nhân văn trong các thông tin đó. Cuộc sống sẽ vô cùng ý nghĩa nếu chúng ta biết sống vì cộng đồng. Hạnh phúc không chỉ đến từ những điều chúng ta nhận được mà còn đến từ những gì mà chúng ta đã cho đi, Kinh tế thị trường đem đén cho chúng ta cuộc sống đây đủ hơn về vật chất nhưng nó là mảnh đât tốt tươi cho tính ích kỉ, chủ nghĩa cá nhân xuất hiện Và, điều gì sẽ xảy ra nếu bản lĩnh của ta trước cuộc đời trở nên yếu hèn hoặc lệch lạc. Và em hãy nghe con tim mình nhắc nhở :
Em có là người Việt Nam dòng máu đỏ da vàng biết yêu thương nồng nàn.
Em có là người Việt Nam mang trái tim nhân hậu thương giống nòi về sau
Thầy chúc các em hãy nuôi dưỡng khát vọng, có nhiều niềm đam mê, đầy ắp sự sáng tạo, nhiệt huyết, dám nghĩ và dám làm của tuổi trẻ, với một mục đích là vì cuộc sống cuả chính các em vi sự an vui hạnh phúc của đồng bào vì sự thịnh vượng bình yên của đất nước. Cuối cùng kính chúc quý thầy cô và các em mạnh khoẻ. Càm ơn quý thầy cô giáo và các em đã lắng nghe

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011














CHUYÊN ĐỀ NGOẠI KHÓA VỀ QUÊ HƯƠNG ĐẦU NĂM TÂN MÃO:

QUÃNG TRỊ QUỂ HƯƠNG TÔI

Người thực hiện: Trần Văn Sáu
Kính thưa quý thầy cô giáo kính mến, thưa các em thân mến. Hôm nay khi không khí xuân hãy còn ngập tràn trên khắp quê hương, khi lòng mỗi chúng ta vẫn còn rộn ràng hứng khởi của những ngày đầu năm mới. Đây đó phố phường làng mạc tươi vui như trong thơ Hàn Mặc Tử” trong làn nắng ửng khói mơ tan, đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng, sôt soạt gió trêu tà áo biếc, trên giàn thiên lí bóng xuân sang” tôi xin phép ban giám hiệu nhà trường và quý thầy cô được trò chuyện với các em đôi điều về quê hương Quãng trị mến yêu
Các em yêu quý
“Con ốc bể bắc xoắn từ trái sang phải
Con ốc bể nam xoắn từ phải xoắn sang”
Mỗi người sinh ra, ai mà chẳng có cội nguồn gốc gác, ai mà không có quê hương. Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn.Ở đó ta có mẹ có cha, có những tháng ngày êm đềm bên gia đình bè bạn thầy cô xóm làng Ở đó ta đã chập chững những bước đầu tiên, đã học bài học sơ khai về đạo làm người, ở đó ta có những chiều vui tan học mang điểm 10 về khoe với mẹ, và cũng có những ngày buồn “ trốn học bị đòn roi”. Trong trái tim mỗi chúng ta, tình yêu quê hương thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng tha thiết là hành trang mang theo suốt cả cuộc đời. Để rôi mai này lớn lên đi xa những đêm buồn lại nhớ quay nhớ quắt, để rồi khi tuổi già bóng xế lại muốn quay về…
Sau đây tôi xin nêu một số câu hỏi giúp các em tìm hiểu về Quảng trị quê hương của chúng ta

Câu hỏi 1:
“Đất nước mình đâu cũng đẹp như tranh” quê hương Việt nam ta là một bức tranh thủy mặc, non xanh nước biếc. Xứ Đoài thì có núi Tản – sông Đà, xứ Nghệ thì có núi Hồng – sông Lam, đất kinh kì thì có núi Ngự - sông Hương Nam định có non Côi sông Vị, Quãng Ngãi có núi Ấn sông Trà… Còn Quảng Trị chúng ta? Câu trả lời dành cho các em?
Trả lời: non Mai – sông Hãn.
Non Mai tức núi Mai Lĩnh, một ngọn núi đẹp ở gần chiến khu Ba Lòng. Sông Hãn là sông Thạch Hãn, ôm lấy phía bắc của Thành cổ Quãng trị
Thầy xin nói thêm một chút về con sông Thạch hãn: Quảng Trị là nơi phát tích của họ Nguyễn khi Nguyễn Hoàng mới vào dựng nghiệp ở Đàng Trong, vì thế năm 1836, sau khi ổn định đất nước, vua Minh Mạng đã chọn sông Thạch Hãn là một trong 9 thắng cảnh của đất nước để đúc vào Cửu Đinh bày ở sân rồng coi như quốc bảo.
Câu hỏi 2:
Em hãy thử lí giải tại sao thành phố của chúng ta lại có tên gọi là Đông Hà

Trả lời: Đông Hà trước đây là tên gọi của một ngôi làng bây giờ thuộc phường 3. Sở dỉ có tên gọi này vì ở đây là một vùng có rất nhiều hà ( cùng loài với hến) nên gọi là Đồng Hà sau gọi chệch thành Đông Hà. Dân làng sinh sống nhờ hến và làm thợ rèn. Có câu ca rằng : “ trai Tân trúc chặt tre thở hoi hóp. Gái Đồng hà đãi hến hát ngêu ngao” ( giải thích câu đối). không chỉ thế ở làng điếu ngao( phường 2 bây giờ) cũng có câu ca: “ cam lộ không cam là cam lộ lộ. điêu ngao không hến là điếu ngao ngao” (giải thích câu đối).

Câu hỏi 3:
Sự hình thành phần đất phía nam quãng trị gắn với tên tuổi cuả một công chúa đời Trần bà được nhân dân xem là khai quốc công thần. em hãy cho biết bà là ai?
Trả lời: Huyền Trân công chúa
Câu hỏi phụ: em có biết ở Đông hà chúng ta đền thờ của Bà ở đâu? Con đường mang tên Bà?
Vào năm 1293, Trần Nhân Tông sau khi đã truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên tu ở núi Yên Tử, mến cảnh núi sông thường hay đi du ngoạn các nơi, vào đến đất Chiêm. Trong khi ở Chiêm Thành, vua Chế Mân biết du khách khoác áo cà sa là Thượng Hoàng nước Việt, nên lấy tình bang giao mà tiếp đãi nồng hậu. Không rõ Thượng Hoàng vân du có ý định mở mang bờ cõi cho đất nước về phía nam không, hay vì cảm tình đối với ông vua trẻ tuổi Chiêm Thành mà hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân.mặc dù khi đó Chế Mân đã có chính thất là hoàng hậu Tapasi, người Java (Inđônêxia ngày nay). Năm 1306, vua Chăm là Chế Mân dâng biểu cầu hôn lên vua Trần Anh Tông xin cưới công chúa Huyền Trân và dâng 2 châu: Châu Ô và châu (Rí) Lý làm vật sính lễ. Vua Trần bằng lòng gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân và nhận hai châu: Ô, Rí. Năm 1309, nhà Trần đổi châu Ô thành Thuận Châu, châu Rí thành Hóa Châu. Thuận Châu chính là dải đất từ sông Hiếu - Cửa Việt trở vào phía Nam, trong đó có các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và phần lớn đất thành phố Đông Hà ngày nay.
Cuộc hôn nhân này là một sự hy sinh to lớn của bà cho đất nước. Chúng ta haỹ nghe nỗi lòng cuả Bà
Nước non ngàn dặm ra đi...
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Ly.
Để tỏ lòng biết ơn vị khai quốc công thành nhân dân Quảng trị đã lập đền thờ bà tại phường Đông thanh thành phố Đồng hà, và con đường trước mặt UBND thành phố chúng ta được vinh dự mang tên Bà
Câu hỏi 4:
Quảng trị vốn là một vùng đất cằn cỗi nghèo khó
“Những ruộng đói mùa những đồng đói cỏ
Những đồi sim không đủ quả nuôi người “
Nhưng vùng quê nghèo ấy lại là nơi sản sinh ra những người con chịu thương chịu khó và rất hiếu học, những nhân tài cho đất nước. Em hãy cho biết những con người Quãng trị đã làm rạng rở cho quê hương

1.Về khoa bảng: Bùi Dục Tài người xã Câu Nhi huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.là người tiến sĩ đầu tiên của xứ đàng trong năm 1502, được cử giữ chức Hàn Lâm dưới triều Lê, Dưới triều Lê Tương Dực, ông được thăng Tả thị lạng bộ Lại. Đời Lê Chiêu Tông, làm đến tham tướng.

2. Về khoa học: Nguyễn Hữu Thận Nhà toán học, danh sĩ thời Nguyễn . Quê làng Đại Hòa, huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Ông say mê toán học từ thuở trẻ, hằng chuyên tâm nghiên cứu về môn học này. Cả hai triều Tây sơn và Gia long đều trọng dụng ông làm đên thượng thư . Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm quý giá
Ý trai toán pháp nhất đắc lực Tam thiên tự lịch đại văn chú Bách ti chức chế
3. Về hội họa có danh họa Lê Bá Đảng Lê Bá Đảng người làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sang Pháp học và trở thành một hoạ sĩ nổi tiếng ở châu Âu. Năm 1989 nhận giải thưởng "Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo" của Mỹ; Năm 1992 được Trung tâm tiểu sử quốc tế thuộc Đại học Cambridge của Anh đưa vào danh mục who is who in the word ; năm 1994 được Nhà nước Pháp tặng "Huân chương Văn hóa nghệ thuật Pháp". Được giới nghệ thuật đánh giá là bậc thầy của hai thế giới Đông - Tây. Hiện hội họa thế giới có một trường phái gọi là trường phái Lê Bá Đảng
4. Về thơ ca có Chế Lan viên người xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông xuất bản tập thơ đầu tay nhan đề Điêu tàn, Từ đây, cái tên Chế Lan Viên trở nên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được người đương thời gọi là "Bàn thành tứ hữu".Con gái ông, bà Phan Thị Vàng Anh, cũng là một nhà văn nổi tiếng
5.Về văn chương chúng ta có Hoàng Phủ Ngọc Tường người làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tác giả của bài kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” mà em được học trong chương trình 12. người được đánh giá là viết ki chỉ sau Nguyễn Tuân
6. Về âm nhạc chúng ta có Trần Hoàn quê quán Hải Lăng, Quảng Trị, tác giả của bản tăng gô” sơn nữ ca “bất hủ. có Hoàng Thi Thơ người làng Bích Khê ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị được coi là người viết nhạc quê hương hay nhất Việt Nam…
7. Về giáo dục chúng ta có GS hồ ngọc đại Hồ Ngọc Đại người làng Vệ nghĩa huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.Ông là một nhà khoa học giáo dục, một nhà tổ chức thực tiễn hoạt động giáo dục, một nhà giáo tràn đầy nhiệt huyết, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, một người "chịu thua tất cả chỉ để được công nghệ giáo dục ( từ chối chức bộ trưởng) ông sáng lập ra Trung tâm Công nghệ Giáo dục (CGD) để tiến hành thực nghiệm công nghệ giáo dục, công nghệ phát triển con người (cả về lý thuyết lẫn thực tiễn).
8. Về chính trị ta có tổng bí thư Lê Duẩn người được đánh giá là tài năng chỉ sau chủ tịch Hồ Chí Minh
9. Về quân sự chúng ta có Lê chưởng quê xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; là một vị tướng tài ba.. có Đoàn Khuê Quê quán: Thôn Gia Đẳng, Xã Triệu Lăng, Huyện Triệu Phong, Tỉnh Quảng Trị là bộ trưởng quốc phòng
Câu hỏi 5: Đầu năm mới có du khách là bạn em ghé thăm Quãng trị em hãy giới thiệu cho họ những nơi cần đến, những món cần ăn
Trả lời: về du lịch nghỉ dưỡng chúng ta có Cửa tùng, Cửa việt, Mĩ thủy…du lịch di tích lịch sử văn hóa cách mạng chúng ta có Thành cổ, địa đạo vĩnh mốc, hàng rào điện tử mắcnamara..về du lịch tôn giáo chúng ta có thánh địa La vang, có chùa Sắc tứ Tịnh quang…
Về đặc sản chúng ta có Rượu kim long, ngày xưa được đánh giá Việt Nam Tứ Đại Danh Tửu. Cháo cá Hải Lăng đã du nhập vào tận Sài gòn. Tục ngữ có câu: Nem chợ Sãi, vải La Vang - Khoai quán Ngang, dầu tràm Đại Nại - Gạo Phước Điền, chiêng Sắc Tứ - Khoai từ Trà Bát, quạt chợ Sông - Cá bống Bích La, gà Trà Lộc... Nưa Lạt Lạo, gạo Cá Tiêm, chiêm Biền bắn, sắn Biền Càn (ở Câu Nhi) Chợ Ngô Xá nón lá Kệ Văn (Văn Quỷ)
Câu hỏi 6: Em hãy cho biết ý nghĩa hai câu thơ sau của nhà thơ Tế Hanh
Trời vẫn xanh một màu xanh Quãng Trị
Tận chân trời mây núi có chia đâu?
Trả lời: Trong lịch sử đát nước chúng ta đã hai lần phải chia cắt. Câu thơ này được Tế Hanh viết trong những ngày đất nước còn khói lửa binh đao, nhân dân phải sống trong cảnh ngày bắc đêm nam, cha xa con, vợ xa chồng…Con sông Bến Hải của Quãng trị chúng ta được chọn làm giới tuyến tạm thời. Nhưng ranh giới ấy chỉ là về địa lí. Còn trong lòng mỗi người con đất Việt thì không gì có thể chia cắt được. Hôm nay chúng ta may mắn được sống trong một đất nước hòa bình thống nhất, chúng ta phải có nhiệm vụ gìn giữ giang san gấm vóc sao cho non sông liền một dải, đừng bao giờ có cảnh máu chảy đầu rơi, làm sao cho trong thôn cùng xóm vắng rộn tiếng cười vui nhà nhà no ấm…
Câu hỏi 6:
Có một ngôi trường có tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã làm nên những kì tích lớn lao, là niềm tự hào của người dân Quảng Trị và được mệnh danh là “ quốc tử giám” của Quảng Trị. Em hãy cho biết đó là trường nào?
Câu hỏi phụ em hãy tự giới thiệu về trường mình? Nơi đào tạo nhân tài cho tỉnh nhà, xép hạng thứ 37 toàn quốc. Học sinh của trường rất thành đạt
Nói rõ ý nghĩa của lô gô của trường: Nói theo ngôn ngữ thời hiện đại là 3 trong 1
Ngọn lửa: Tượng trưng cho sức trẻ
Con ong: Tượng trưng cho sự cần mẫn đam mê chăm chỉ hút nhụy nhả mật cho đời
Cánh buồm: Tượng trưng cho lòng khát khao vươn tới những chân trời mơ ước.
Biểu tượng nói lên sự đào tạo con người toàn diện của nhà trường về cả 3 mặt thể lực đạo đức và tài năng
Các em thân mến thầy còn rất nhiều điều để nói và muốn nói về Quãng trị chúng ta. Nhưng hôm nay thời gian không cho phép những điều thây đã trao đổi chỉ là những gợi ý để có dịp các em tìm hiểu thêm. Bởi thầy nghĩ không ai có thể yêu quê khi mà chẳng biết rõ về quê mình. Thầy xin tạm dừng lại ở đây
Cuối cùng xin đọc tặng các em bài thơ “ Những cánh buồm” mà có thể các em chưa biết như là lời tâm tình, nhắn nhủ của những người làm mẹ làm cha người thầy với các em nhân dịp đầu năm mới chúc các em như những cánh buồm đi thẳng tới những chân trời cao rộng thênh thang
Những cánh buồm
Hai cha con bước đi trên cát
Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh
Bóng cha dài lênh khênh
Bóng con tròn chắc nịch,
Sau trận mưa đêm rả rích
Cát càng mịn, biển càng trong
Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng
Nghe con bước, lòng vui phơi phới.
Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:
“Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời,
Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”
Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ:
“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa,
Sẽ có cây, có cửa, có nhà
Vẫn là đất nước của ta
Ở nơi đó cha chưa hề đi đến.”
Cha lại dắt con đi trên cát mịn,
Ánh nắng chảy đầy vai
Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời
Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ:
“Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,
Để con đi!”
Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm
Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.