Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Thư gửi MẸ








                                           














                                            VĂN THỊ LINH HÀ

 Mẹ kính mến! Có lẽ đây là lần đầu tiên con viết thư cho mẹ, chắc hẳn đã làm mẹ vô cùng ngạc nhiên. Hôm nay là một ngày vui của con bởi con đã có cơ hội nói rất nhiều những lời cảm ơn đến những người tốt bụng đã giúp đỡ mình và rồi con chợt nhận ra 18 năm qua đã không biết bao nhiêu lần con nói tiếng cảm ơn nhưng chưa lần nào nói với người con mang nợ nhiều nhất trong cuộc đời này là mẹ. Cảm ơn mẹ trước hết vì mẹ là người đã chịu vô vàn đau đớn để sinh ra con, để con có cơ hội phám khá thế giới rực rỡ này. Cảm ơn mẹ vì mẹ cùng ba đã là những người yêu thương con vô điều kiện từ lúc con còn chưa lọt lòng.Những người xung quanh có thể yêu mến con một phần vì con ngoan ngoãn, lễ phép; những người bạn có thể yêu mến con một phần vì con tốt tính hay dễ gần; người chồng tương lai của con có thể yêu con một phần vì con có chút ngoại hình và học thức, những đứa con của con yêu con vì con đã sinh thành và nuôi dưỡng chúng; duy chỉ có mẹ và ba yêu con không vì bất cứ một lý do nào kể trên và tình yêu đó của ba mẹ luôn lớn hơn tất cả những tình yêu trên cộng lại. Và cảm ơn mẹ vì mẹ không chỉ yêu con một cách đơn thuần mà luôn chuyển hóa nó thành hành động. Con biết chắc chắn mẹ không thể là người đồng hành cùng con trong suốt cuộc đời này nhưng trên những bước đường con đang đi luôn có sự dõi theo và động viên của mẹ. Con luôn tin dù mình có đi xa đến đâu khi ngoảnh đầu lại vẫn thấy bóng dáng của mẹ sẵn sàng là điểm tựa cho con lúc khốn cùng. Con chợt nhận ra những lúc buồn con đều ngồi bó gối và đó chính là tư thế của những đứa trẻ khi đang ở trong bụng mẹ. Đó chắc chắn không phải là sự tình cờ ngẫu nhiên của tạo hóa mà có thể đó đã là một lối mòn vô thức trong hành động của con người: mỗi khi gặp khó khăn lại nhớ về mẹ, nhớ về vòng tay che chở của mẹ. Cảm ơn mẹ vì cách mà mẹ đã nuôi dạy con. Mỗi bà mẹ trên thế giới này đều dành một yêu thương vô bờ bến cho con cái nhưng mỗi người trong số đó nuôi dạy con theo một cách riêng của mình. Mẹ không chỉ xây dựng cho con những thói quen tốt trong sinh hoạt hằng ngày mà mẹ cũng nuôi dưỡng cho con những tính cách cần thiết trong cuộc sống. Ai đó có thể cảm thấy việc chải răng buổi tối thật đang ghét, vô vị thì nhờ mẹ con luôn cảm thấy đó là điều nên làm và làm nó theo một thói quen như ăn cơm, uống nước hằng ngày. Cảm ơn mẹ đã tập cho con cách chào hỏi lễ phép với người lớn để giờ đây mỗi khi nói chuyện với các chú, các cô, các bác con có niềm tự hào nho nhỏ là được khen ngoan ngoãn, dễ thương. Cảm ơn mẹ vì mẹ đã tập cho con tính kiên trì, chịu khó. Mẹ chẳng cần nói nhiều chỉ cần quan sát cách mẹ làm việc con cũng hiểu muốn thành công dù việc lớn hay nhỏ đều phải cố gắng hết mình. Cảm ơn mẹ vì mẹ đã tập cho con tính cách sống thoải mái, không ghen tỵ với người khác. Con còn nhớ lúc con còn đi học phổ thông có những bạn luôn phải băn khoăn so sánh điểm mình với điểm người khác, lo sợ nếu mình thấp điểm hơn người khác thì sẽ bị mẹ mắng còn mẹ thì chẳng bao giờ như vậy bởi đơn giản mẹ không so sánh con với người khác, mẹ chỉ muốn con tự đánh giá được khả năng của bản thân và đặt ra những mục tiêu phù hợp. Giờ đây trước cuộc sống bộn bề con luôn thầm cảm ơn mẹ vì lối suy nghĩ đó đã được mẹ xây dựng cho con, nó làm cho con luôn cảm thấy thoải mái và vững tin trong những sự lựa chọn của mình. Và có những khi trong những cơn nóng giận con đã nghĩ nếu người khác đối xử với mình thế nào thì mình sẽ đối xử như thế với họ thì chính mẹ đã giúp con gạt bỏ những suy nghĩ ấy ra khỏi đầu. Thực sự con đã từng nghĩ có lẽ vì mẹ hiền lành quá, chịu thương chịu khó quá nên mới để những người xung quanh bắt nạt hay con đã nghĩ vì thế hệ của mẹ đã sống khác với thế hệ của con nhưng rồi giờ đây con nhận ra con phải cảm ơn vì những lời khuyên đó của mẹ. Mẹ nói đúng: “đối xử chân thành và khoan dung với người khác chính là cách tốt nhất làm cho tâm hồn thoải mái và thảnh thơi”, nếu con luôn ghi nhớ những điều không tốt mà người khác đã làm với mình hay sẽ đối xử với họ như cách mà họ đối xử với con thì con sẽ vô cùng mệt mỏi và cắn rứt. Giờ đây mỗi khi tức giận trước hành động không đẹp của một ai đó với mình con sẽ kiềm chế cảm xúc và bỏ qua nó. Như mẹ đã nói thế giới mà con đang sống thực sự còn rất nhỏ bé và hiền lành so với xã hội phức tạp ngoài kia vì vậy những con người xung quanh con chắc hẳn sẽ có những điểm rất đáng yêu, nếu họ đối xử không tốt với con thì có thể đó chỉ là những giây phút nhất thời của họ. Duy chỉ có một điều con nghĩ hơi khác mẹ là mẹ bảo con tha thứ thì một ngày nào đó người khác sẽ hiểu ra còn con khi tha thứ cho ai đó con sẽ không có ý đợi cho người khác hiểu ra được đâu mẹ ạ vì con tim con cũng đau lắm, cho con giữ một chút ích kỷ cho mình mẹ nhé . Như một câu hát trong bài hát “Rêu Phong” nổi tiếng của nhạc sỹ Tuấn Khanh : “Đời còn lắm ma quái bước đi về trên phố dài…”, nếu cuộc đời thực sự lắm ma quái đến vậy thì tại sao lại không chọn cho mình cách nghĩ và cách sống dễ thương nhất phải không mẹ? Và cảm ơn mẹ, cảm ơn vì mẹ đã dạy cho con biết cách để trở thành một người vĩ đại trong cuộc sống. Dù cho mẹ không phải là Êđisơn với những phát minh nổi tiếng hay Anhstanh với thuyết tương đối bất hủ thì đối với con mẹ cũng đã là người vĩ đại bởi tình yêu mà mẹ đã dành cho con, bởi cách mà mẹ đã chăm sóc và nuôi dạy con. Con hứa con cũng sẽ cố gắng để được như mẹ, để được trở thành một người vĩ đại trong mắt con gái mình. Điều cuối cùng mà con muốn nói với mẹ là mẹ hãy vững tin ở con vì mặc cho con chỉ là một hạt cát nhỏ bé giữa biển cát khổng lồ thì con tin con vẫn luôn muốn mình là một hạt cát lấp lánh. Con gái của Mẹ

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

tình cờ...mùa đông!



TÌNH CỜ...MÙA ĐÔNG!



Trần Văn Sáu

viết tặng: VTLH

Một chiều đông rét mướt tôi đứng tựa cửa lớp học nhìn ra sân trường nhìn gió mưa sướt mướt kéo nhau về lòng miên man nhớ về những ngày mùa đông thơ ấu: những ngày gió rét lùa qua căn nhà tranh trống trải tường phên rách nát, cơm không có sắn khoai chẳng đủ ăn, áo quần tơi tả, tối đến cả 5 mẹ con nằm trên chiếc gường ọp ẹp với chiếc chiếu bằng nilon và chiếc mền mỏng hơn chiếc áo người nghèo được cấp trong những tháng ngày tị nạn, tôi bỗng thương mẹ vô cùng một mình chống chọi với bão tố cuộc đời để nuôi 4 anh em tôi tới bờ tới bến…đang nghĩ mông lung thì phía cuối hành lang bỗng xuất hiện một cô bé dễ thương mái tóc suôn dài bồng bềnh trong gió lạnh với đôi mắt rất hiền như nhìn vào cõi xa xăm, như chẳng quan tâm gì thời hiện tại, một chiếc khăn quàng cổ đổ xuống chiếc áo lạnh màu ghi một dáng đi mang chút dáng dấp của người con gái phương tây sãi bước về phía tôi. Thấy tôi cô bé dừng lại hai tay khoanh trước ngực, đầu cúi xuống ngang vai rồi tiếp tục bước đi, tôi nhìn theo lòng đầy thiện cảm, chẳng biết cô bé con cái nhà ai, học lớp nào mà ngoan vậy, tự dưng cô bé đem đén cho tôi một niềm vui, một đốm lửa hồng khi lòng tôi đang lạnh giá…và vui hơn tôi thấy cô bé rẽ vào phòng bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia môn toán. Tôi bỗng nhớ Nam Cao: không cuộc đời chưa hẳn đáng buồn…
Cô bé làm tôi xao động mất mấy ngày, tôi là người hay nghĩ đa sầu đa cảm nhiều lúc có những điều tưởng chừng như nhỏ bé tầm thường với ai đó lại đem đến cho mình những suy tư những hạnh phúc, những tin yêu... tôi vẫn cố không tin vào nhận xét của nhiều người lớn: trẻ con bây giờ khác xưa rồi, chúng chỉ biết mình thôi, cô bé đã cho tôi một phản ví dụ để tôi có thể tôi củng cố được niềm tin của mình, tiếp cho tôi thêm một chút tin yêu vào cuộc sống…
Thế rồi mùa đông cũng qua đi, mùa hè lại đến. Cô bé cũng theo tháng ngày đi vào chuyện cổ tích của trí nhớ bắt đầu lẩm cẩm và đang giảm sút của tôi. Trong giờ nghỉ tôi lại đứng tựa cửa nhìn ra sân trường, không có hoa phượng nở đỏ thắm như trong lời một bài ca mà tôi yêu từ thuở nhỏ, nhưng bóng dáng những tà áo dài trắng thì vẫn cứ bay bay…những gương mặt rạng ngời của con trẻ, những nụ cười "như mùa thu tỏa nắng" thì vẫn cứ còn mãi với tháng năm…tôi nghe tiếng ve râm ran trên sân trường và lòng mình cũng ngập tiếng ve kêu…tôi lại thấy lòng mình buồn lạ, lại cứ tưởng như mình sắp đi xa…và tôi thấy nhớ Nguyễn Bính” một mình làm cả cuộc phân li”. Bỗng nghe bên tai: dạ thầy,con mời thầy chụp với con một kiểu ảnh nghe thầy. Tôi như thoát ra từ cõi mộng: ơ hay sao lại là cô bé. và sao lại là tôi? “ Phúc bất trùng lai” chẳng lẽ câu nói của người xưa lại sai ư? Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, tôi nhìn thấy trong đôi mắt xa xăm ấy một chút thân thiện, một chút trìu mến không biết là có phải dành cho tôi…?Làm thế nào mà lại không nhận lời được chứ. Và tôi không quên dặn cô bé nhớ chuyển ảnh cho thầy…cô bé lại làm cho tôi vui thêm được mấy ngày…
Và rồi mùa hè lại qua đi, mùa thu lại đến. Lại một mùa tựu trường nữa lại về. Sân trường lại rộn rã cười vui. Tôi đứng giữa sân trường nhìn đàn con trẻ nô đùa bỗng chạnh lòng nhớ những tháng năm qua. Vẫn là những khuôn mặt trẻ, vẫn là những tà áo trắng tinh khôi…con đò còn đó, người xưa đâu rồi?... Tôi hay tin cô bé đã vào một trường đại học danh giá, người ta nói sai rồi” hoa thơm không quí” cô bé vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang, vừa ngoan vừa giỏi…ngày 20-11 tôi lại nhận được mail cô bé với những lời chúc mừng và xin lỗi vì không gửi tấm hình…ồ cô bé có lỗi gì đâu, rất mừng là vì trong tâm trí cô bé vẫn có tôi một người không quen biết, không dạy dỗ cô bé một ngày, một chữ cũng không, với tôi đó quả là một hạnh phúc lớn lao. Tôi bỗng nhớ tới Vũ Thành An” triệu người quen có mấy người thân…”
Và rồi mùa đông lạị trở về. Tôi bỗng tình cờ gặp lại cô bé giữa mùa đông Hà Nội. Một triết gia Hy lạp tôi không nhớ tên đã nói” sự tình cờ chỉ đến với những người đáng được tình cờ”. Cô bé mang đến cho tôi niềm vui khó tả. Trong đôi mắt xưa giờ đã bây giờ đã bớt xa xăm, tôi nhìn thấy ở đó niềm vui, sự trẻ trung đã trở lại…Tôi như lâu ngày gặp lại tri âm, tri kỉ( trước đó tôi chưa bao giờ nói chuyện với cô bé dù chỉ một phút giây). Tôi trải lòng và lắng nghe cô bé. Cô bé nói với tôi đủ mọi thứ chuyện trên đời. Cô bé coi tôi như một người rất thân rất gần gũi. Và lạ kì chưa, sao cô bé lại tin tôi đến thế. Cô Cô bé đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác…Tôi không ngờ cô bé lại quan tâm nhiều chuyện và lại sâu sắc đến vậy. Cô bé có những nhận xét làm tôi rất bất ngờ. Tôi cứ sợ những con số khô khan đã làm khô cằn con trẻ.Tôi cứ mong trời đừng tối, chiều cứ dài ra…để được mãi ngồi nghe cô bé nói, để được ngắm nhìn cô bé…để thấy tháng ngày đừng trôi qua.
Tiễn cô bé lên xe về nhà rồi, tôi đứng tần ngần ngẩn ngơ mất mấy giây giữa con đường đông đúc xe cộ. Trong tôi Hà Nội dễ thương hơn rất nhiều, vì giờ có thêm một cô bé dễ thương sống cùng Hà Nội và như lời cô bé nói “ sao con thấy ai cũng dề thương hết mà…” tôi ước mong những ngày đông êm đềm đừng vội trôi đi, và ước mơ những “ ngày xưa” rồi sẽ trở lại. Cô bé ơi: ta muốn nói với con một điều: con là người rất đáng yêu… ta yêu con lắm