Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

THÁNG NGÀY HƯ HAO...

                                                                                                                 TRẦN VĂN SÁU

Mấy hôm nay chẳng may bị té xe, tôi nằm ở nhà một mình, vào mạng đọc lung tung, đau đầu và mỏi mắt quá, nằm dài nghĩ đủ thứ chuyện trên đời, nghĩ về nghề về những tháng ngày qua. Vậy là tôi đi dạy đã 22 năm ( không kể 3 năm lông bông vừa dạy vừa bỏ vừa chơi). “ Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” đã lùi vào quá vãng. Những cảm xúc đầu đời đã đi vào chốn xa xôi. Vậy mà mỗi lần nghe tiếng trống khai trường lòng vẫn rộn ràng những cảm xúc tinh khôi. Mỗi khi nghe tiếng ve sầu rền rĩ thì “ Lòng rượi buồn theo ngày tháng củ, Chập chờn sống lại những ngày không
 Lại một năm học nưã trôi qua. Một khóa học sinh nữa lại chuẩn bị ra trường. Thêm một chuyến đò nữa sắp sang sông. Hành khách chuẩn bị lên bờ để tiếp tục cho chuyến hành trình dài về phía trước. Còn tôi thì lại quay lại để chuẩn bị cho chuyến tiếp theo. Cũng đã thấy mỏi gối chùn chân lắm rồi. Lòng nhiệt huyết, lửa đam mê đã có rất nhiều suy giảm. Mọi sự đã bắt đầu phải làm trong trạng thái hết sức cố gắng.
Ông bà nói: “ thầy giáo già, con hát trẻ”. Đúng quá rồi, bởi càng già càng có nhiều kinh nghiệm, độ chin chắn càng cao, độ sai sót càng ít. Nhưng không đúng hết đâu. Tôi nhớ như in, khi mới ra trường kiến thức tôi còn nông cạn lắm, nhiều điều tôi nói ra tôi chưa kịp nghĩ kĩ càng, mọi việc tôi làm đều rất bột phát. Ấy vậy mà tôi được học trò yêu quý lắm. Chẳng đứa nào than phiền gì về thầy cả, trong lòng chúng thầy là “number one”. Càng đi dạy tôi càng chin chắn ra. Những điều tôi nói ra tôi đã chiêm nghiệm quá kĩ càng tôi lồng triết lí sống vào mỗi định luật khái niệm Vật lí, tôi chuyển tải kiến thức khoa học khô khan bằng thơ ca, tục ngữ và âm nhạc, tôi “ăn gian” giờ dạy để nói với các em về nhân tình thế thái, về đạo làm người. Nhưng những gì mà tôi gặt hái được thì không lại như xưa. Sự thân thiện, quý mến của học trò dành cho tôi đã có phần giảm sút. Đôi khi tôi còn nhận được sự thờ ơ ...
Tôi không dám đổ lỗi cho khách quan, nhưng có người nói học trò bây giờ thực dụng lắm, có lẽ cũng có lí cuả nó. Nhưng tôi cũng thường xét lại mình “ tiên trách kỉ, hậu trách nhân” Có lẽ lỗi chính thuộc về tôi. Tôi bây giờ cũng thực dụng lắm, cơm áo gạo tiền đã làm cho tôi bây giờ đã khác xưa, mặc dù đã cố gắng nhưng cảm xúc trước cuộc đời trong tôi cũng đã nhiều thay đổi. Có lẽ tâm hồn tôi cũng đã có phần chai sạn, thời gian và sóng gió cuộc đời đã làm cho tât cả hư hao… Đang viết đến đây tôi bỗng nhận được một tin nhắn từ một đứa học trò với số điện thoại không quen: “ thầy ơi hôm nay là buổi học cuối cùng em rất muốn gặp thầy nhưng mà không gặp được, em muốn nói lời cám ơn thầy vì đã dạy dỗ chúng em. Em cám ơn thầy vì những gì thầy đã làm cho chúng em. Chúc thầy luôn mạnh khỏe để tiếp tục dạy dỗ những lớp đàn em sau này. Tạm biệt thầy, em sẽ không bao giờ quên thầy” Không, thầy phải cảm ơn con mới đúng. Cảm ơn con đã tiếp thêm cho thầy niềm tin yêu cuộc sống, cám ơn con vì đã hiểu được lòng thầy.
Có lẽ tôi đã già rồi nên bắt đầu lẩm cẩm, nghĩ không đúng nữa chăng? cuộc đời vẫn đẹp lắm mà! Mặt trời thì vẫn đỏ, nắng vẫn dịu dàng tỏa xuống sân trường chim vẫn hót trong vườn, ngoài kia hoa vẫn nở. Trên gương mặt của mỗi đứa học trò vẫn rạng rở những nụ cười tươi…

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

VIẾT CHO TÔI

                                                                                                                                   
                                                                                                                            PHAN THỊ QUỲ


  Ngày tháng hạ mênh mông buồn, 
  Lòng vắng vẻ như sân trường…….
 Ôi, giọng hát buồn mênh mông xa vắng đưa tôi về một vùng ký ức thênh thang lồng lộng. Tuổi mười ba với vai nhỏ tóc dài, với áo tà nguyệt bạch. Tuổi mười lăm với nắng hồng trên môi và mưa buồn trong mắt. Ngày hai buổi đi về, một nụ hồng e ấp nở trong tim, dể ngại ngần cuống quýt một sớm mai thức dậy chợt thấy mình mười sáu.
Tuổi 16, một thời thiếu nữ tôi đi qua, khát khao ước vọng và ngâp tràn lo âu. Đất nước mãi chiến tranh, tôi mơ một ngày lặng yên tiếng súng, để cha mẹ tôi không còn thấp thỏm đêm đêm, để bao người quanh tôi không còn đau thương bi hận, để bạn bè cùng tôi chỉ lo chuyện vở bài, cùng hát vang những bài tình ca, ríu rít chuyền nhau những vần thơ viết vội, những dòng lưu bút đầy luyến nhớ vấn vương, ngày giã từ sân trường của tuổi đời tôi mười tám.
Tuổi 18, tôi thấy mình nhỏ bé chơi vơi nơi giảng đường đại học. Mọi thứ thật ngỡ ngàng xa lạ với một cô bé nhà quê tỉnh lẻ là tôi. Có những bàn tay nâng đỡ dịu dàng, những nụ cười thân ái khích lệ và còn có những ánh mắt làm tôi chùng xuống ngại ngần xa cách. Cuộc sống thật khó khăn và đôi khi lòng người bổng trở nên chật hẹp. Tôi mơ một ngày đất nước đi lên và khung trời rộng mở, cho tôi đượcvào đời, thanh thản tuổi hai mươi.
Tuổi 20, tôi đã là cô giáo, lại sân trường lớp học như quãng đời tôi qua, lại vở bài lo lắng như ngày xưa tôi đã trải. Tôi lại thấy tôi như những ngày xưa thơ dại, vẫn mê mãi đến trường quên cả bước thời gian trôi. Và rồi… có ai đó bỗng nhắc tôi dừng lại, níu giữ cuộc đời , níu giữ tuổi xuân phai.
Tuổi 30, không còn là thiếu nữ, bộn bề công việc, bộn bề tâm tư. Các con thơ như mầm non hé nụ. Tôi trôi giữa cuộc đời, mỏi gánh nặng hai vai. Có những lúc mệt nhoài dừng chân lại, ước như mình còn có ngắm mây bay???
 Tuổi 40, lòng đã thôi ước vọng, tôi quay về tìm lại chút hương xưa. Hương thôi thắm, màu thời gian đã nhạt, gót nhỏ âm thầm vang động cõi thinh không. Mỗi mùa phượng nở, mỗi mùa thi, tôi cất bước giữa sân trường gió lộng, nhìn các em thơ, nhớ mình thủơ mười sáu, hoa cỏ lối về bay bổng những hàng me.
Tưổi 50, thôi còn gì để nói, để còn ai lắng mãi khúc tiêu thiều, để một mai cát bụi lấp trời yêu, xin thôi hết một cõi đời vọng động. Xin thôi hết ngàn ngày xưa thơ mộng, xin hãy qua mùa lá trút nghiêng ngàn, bước rưng rưng mòn nhịp gót thời gian, lòng cuống quýt buổi xuân tàn, đông mỏi.
Còn bao lâu tôi thầm thì tự hỏi. Tuổi năm mươi héo hắt buổi xế chiều. Tuổi đơn côi gặm nhấm nổi niềm yêu, dòng viết vội bỗng thơm mùi dĩ vãng.
Tôi về đâu một chiều vàng bãng lãng, chợt quắt quay ngày tháng cũ tìm về, chút yêu thương hờn giận nẻo đường quê, bỗng len lõi trong ồn ào phố thị.
Tuổi 50 thời gian trôi nhè nhẹ, chợt qua mau trên tóc trắng phai màu, bước chênh vênh nghiêng hết một đời đau, lòng quạnh vắng, chắt chiu từng kỹ niêm… Ai còn đó, ai xa xôi biền biệt, mái trường xưa vẫn mãi đến bây giờ, Tà áo mộng vờn bay trong gió rét, viết cho tôi …..mộc mạc bỗng thành thơ…
  Mưa gieo ngàn hạt mưa mưa rụng, 
  Lá đổ muôn chiều lá lá rơi, 
 Ngày đi chầm chậm đêm dần xuống, 
 Hương nồng ấp ủ mãi khôn nguôi…

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Những ngày xưa thân ái

 
                                                                                                                                         







                                                              TRẦN TUYẾN

Bây giờ ngồi một mình, một suy tư, lòng bộn rộn Tuổi mười tám mười chín, tuổi chập chững bước vào đời. Ngày về quê lòng bâng khuâng lạ. Những tháng ngày dài dài ấy đã qua đi trong nụ cười và nước mắt, trong yêu thương và hận thù, nhưng giờ nhìn lại đôi khi thấy tiếc cho cái gọi là tuổi thơ. Buổi chiều hôm nào đó, giữa tết, nằm trên võng nhìn trời nhìn đất hay nhìn cái gì đó không rõ. Võng đung đưa, hát vu vơ, nhìn ngu ngơ để rồi bây giờ chợt nhớ. Tuổi thơ đó đi về đâu và tình yêu nằm ngã nào, tôi ơi? Nắng chiều vàng vời vợi mà cũng buồn rũ rượi. Giữa cái lạnh thở ra khói mà nhìn thấy nắng không phải là dễ có. Mấy ngọn tre ngả nghiêng theo gió xua tôi về một trời kỉ niệm. Con đường làng này tôi biết không biết từ bao giờ, nhưng ngày đi hết thì có lẽ là cái lúc tập đạp xe. Vừa đạp vừa nhắc vừa đi cũng lết đến tận cánh đồng sau lũy tre dày cuối xóm. Cái kênh nhỏ trước nhà là nơi câu cá, chỉ có điều chưa bao giờ được cá. Bên kia con kênh là bãi đất rộng không dùng để làm gì, nơi lí tưởng để thả diều. Cũng có chiều lang thang trên đồng mò cua bắt ốc mà không biết để làm gì. Đi chơi với mấy đứa nhỏ chăn trâu thì vui hơn, bắt cào cào châu chấu, nướng lên thì thơm, mà ăn thì muốn ói vì chưa chín. Nhớ lại vừa cười vừa tủi tủi. Chưa lớn, còn nhỏ lắm, mà đã bắt đầu thấy tiếc như đã già lắm rồi. Mà cái nhớ nhất là đi chăn vịt..một thời buồn nhưng lắm kỉ niệm, kỉ niệm buồn. Đi chân đất trên đường sỏi cả chục cây một ngày, đi qua cỏ gai, ruộng, bùn lầy, rắn rít, vỏ ốc hay bất cứ cái gì.. cũng không biết là cái gì. Trưa thì mắt ríu lại, còn chị thì lờ đờ. Hai đứa nhỏ đứng lơ ngơ giữa trời chang chang nắng. Mùa lũ về, vịt con chết đầy ra. Có lần đi lùa vịt rồi lội nước ngập ngang cổ, mới học sinh mẫu giáo hay lớp một gì đó, ai dám chắc sống chết. Đêm trăng sáng, còn nhớ như in những đêm trăng sáng, mấy mẹ con đi trong vội vàng, nằm giữa đồng hoang để giữ vịt. Đã qua mấy ngàn ngày rồi, kể không hết mà nhớ làm gì. Cuộc đời nghiệt ngã vô tình giết tuổi thơ chết đi trong nước mắt, nghẹn ngào với suy tư khi trưởng thành để rồi nhận ra, tôi ơi tôi già rồi giữa tuổi xanh. Bây giờ hoàng hôn sắp tắt, con nghĩ gì đây, con nhớ mẹ nhiều. Có lẽ nói về mẹ là dễ mà khó nhất. Nói sao cho hết được, chỉ biết là biết vậy thôi.Giấy bút nào đó cũng vẽ nên cái hình thôi, chứ cái hồn thì chỉ có ta tự hiểu. Mới hôm qua, bài văn của học sinh lớp 6 được 10 điểm khi viết về mẹ. Cái tuổi non nớt vậy mà cô giáo đã khóc khi đọc văn của con đó mẹ à. Tất nhiên mẹ là người vui nhất, và vì vậy con nhớ mãi. Đem khoe nhiều bây giờ nó thất lạc rồi, lạc đôi ba dòng chữ nhưng cái tình vẫn còn đây, trọn vẹn và lớn lao mẹ à. Con còn nhớ cái lối văn hoa non nớt ngày nào khi “mẹ là ngọn nến lung linh giữa đêm dài lạnh lẽo, dù ánh nên nhỏ bé nhưng chẳng bao giờ tắt, dù mong manh nhưng luôn làm ấm lòng con. Ngọn hải đăng nào dẫn lối giữa đại dương bao la liệu có bằng ngọn nến mẹ thắp, dẫn lối con trong cuộc đời. Con nghe người ta nói cuộc đời lắm chông gai, liệu chông gai của cuộc đời có làm chân con đau khi dẫm phải, nhưng con có mẹ rồi. Con không nhớ nhưng con hình dung nét cười hiền dịu mẹ nhìn con khi con chào đời. Con không tả được nụ cười của mẹ, dù nụ cười đã bên con từng ngày, nụ cười đã khơi trong con một niềm yêu đời tràn ngập. Con yêu mẹ nhiều. Vì con hiểu những giọt nước mắt trên mặt mẹ. Con chưa lau khô được, con nhìn trong nổi buồn bất tận, nên con đã làm một đứa con ngoan. Cuộc sống làm nước mắt mẹ lăn dài trên má, có nên không khi con làm gì đó để mẹ phiền lòng? Nếu không còn mẹ, cuộc đời như thiếu đi ánh sáng. Và bầu trời thiếu ánh sao đêm. Và trẻ thơ không lớn khôn thêm. Để con biết con hạnh phúc nhường nào, khi mẹ vẫn luôn bên con, vẫn mỉm cười khi con buồn, vẫn ôm con khi con khóc, và yêu con như mẹ vẫn yêu…” Ngày đó, lâu rồi, còn còn ngu dại lắm. Khi nhìn bạn bè, đôi khi con mặc cảm vì những tờ tiền, những ổ bánh mì thịt nó ăn không hết rồi vứt đi, khi con đang ước một lần được ăn. Khi bạn con cầm những que kem giữa mùa hè oi bức, con ngồi nhìn, nhìn và thèm. Vào lớp có những đứa cầm quạt đẹp phẫy phẫy, con ngồi toát mồ hôi và lại ước. Con ước mình sinh ra trong một gia đình giàu có. Đừng trách con mẹ à, trẻ thơ hay giận hờn vì vu vơ. Con giận mẹ, những khi mẹ đi mà không cho con đi theo..để con khóc và gào lên khi nhìn mẹ đạp xe đi xa. Con đâu biết, mẹ chật vật chạy theo những đồng tiền, vì con, và vì cái cuộc mưu sinh khốn nạn. Và con vui khi thấy mẹ đi chợ về. Con vui vì mấy mẫu bánh nhỏ, vì ngòi bút quyển vở mới. Con vui hơn khi có cặp sách, khi mặc những bộ áo quần tươm tất hơn những đứa nhà giàu. Và hạnh phúc bé nhỏ vì những vụn vặt đời thường bổng chốc hóa bao la, khi con đủ hiểu những đắng cay mẹ chịu đựng. Cái gia đình của mình không phải gia đình phải không mẹ? Con hiểu, con hiểu mà..chỉ có điều con không biết làm gì. Con đứng nhìn những cảnh tượng trong nước mắt, tai con nghe tiếng van xin giữa đêm khuya, để bây giờ con ớn lạnh khi nghĩ về. Con biết, con biết mà…nên con đã hận. Dần dần rồi lòng con tan nát. Con muốn làm gì đó để mẹ bớt khổ, nhưng làm gì. Mẹ thương con nên con vẫn sống trong bao bọc, trong những lời động viên để con được vui. Con yêu mẹ nhiều. Con thích ở trường, ở đó con bình yên hơn, nhưng khi nghĩ về mẹ ở nhà, con lơ đãng nhìn ra cửa sổ để nghe khóe mắt cay cay. Những ngày ở trường con lắm cảm xúc. Có những lần tim con đập thình thịch, vì con sợ lúc về nhà… Khi nghe tin mẹ gặp tai nạn, mặt con tái mét, con sợ lắm. Con gắng học như con có thể, để mẹ vui, bởi con biết tương lai của mẹ đang ở đây. Ngày đó con đâu biết về tương lai, chỉ muốn nhanh bước ra cái thế giới ngộp thở này. Con bắt đầu ngẩm nghĩ và suy tư. Con bắt đầu mặc cảm về bản thân, và rồi con tách biệt với mọi người. Con buồn vì nghĩ về mình. Chỉ với mẹ, con mới là con. Ngày chị vào đại học. Con khóc trong đêm vì nhớ chị, vì ghét chị đi để lại mẹ, vì con sợ những ngày sắp tới. Rồi con thương chị, có lẽ không có chị thì bây giờ có thể con đang lang thang như những đứa khác, hoặc con sẽ không làm mẹ tin vào tương lai để sống. Con biết chị phải chịu nhiều khổ cực hơn, để bảo vệ đứa em ngu dại này. Cũng vì nghèo nên chị không được học như người khác. Trong thiếu thốn, trong gò bó, con biết chị cũng khóc một mình trong đêm. Nhưng con yêu chị, vì thương mẹ nên đắng cay cũng chỉ là cái vụn vặt, vụn vặt thôi phải không mẹ. Rồi dần dần con cũng lớn hơn. Và con biết mình sẽ làm chổ dựa cho mẹ. Ngày tháng rồi cứ đi qua, không có gì thay đổi trong cái gia đình đó. Nhưng con đã biết giúp mẹ cười, giúp mẹ nghĩ về tương lai để quên đi nhọc nhằn hàng ngày. Con biết con phải làm gì cho mẹ. Ừ, và những ngày mới cũng đến. Con vui biết nhường nào khi thấy mẹ cười bên con, trong những bước chân mới, những ngày mới. Bây giờ con khác trước nhiều con biết cuộc sống là gì nên tình yêu thương của mẹ, con đã hiểu là vô bờ bến.Khi nghĩ về mẹ, cái kí ức yêu thương xen lẫn với khổ đau ùa về, con không cầm được nước mắt. Con vẫn nghẹn ngào như cái thuở ban đầu, kí ức vẫn còn đó, muốn quên nhưng không quên được.. con thương mẹ nhiều, và mang ơn mẹ nhiều… Bây giờ những giọt nắng cuối cùng đang lút dần sau mấy tòa nhà. Chiều hôm qua tôi vẫn còn đong đưa trên võng, nhìn mặt trời khuất dần sau rặng tre. Hoàng hôn giữa thành đô hoa lệ đẹp lắm, nhưng tôi thích cái yên bình chốn quê nhà hơn. hoàng hôn đẹp rồi cũng phải qua đi, tuổi thơ êm đềm vì ai mà tan tác, hạnh phúc nào bổng chốc hóa đau thương.