Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

MÙA GIÓ CHƯỚNG

VÂN THỊ HỒNG HÀ (Bài này học trò kính viết tặng thầy Trần Văn Sáu Giáo viên Vật Lý – Trường chuyên PTTH Lê Quý Đôn)
Chiều đông. Gió hun hút luồn qua khe cửa, cái lạnh thốc vào từng thớ thịt, len lỏi vào tận tim gan. Rét buốt. Hạ rùng mình xuýt xoa, xốc lại cổ áo và sửa lại chiếc khăn quàng cổ cho ngay ngắn hơn. Cảm giác hai lòng bàn tay lạnh ngắt chạm vào đôi gò má. Vòm trời âm u, xám ngắt qua ô cửa sổ, lớp Hạ ở tầng ba nên gió mùa đông bắc càng được thể, cứ thổi thông thốc qua cửa lớp, xộc đến tận các dãy bàn, đặc biệt chỗ Hạ ngồi ngay bàn đầu, giữa lớp, ngay luồng gió từ cửa chính xộc vào nên càng buốt càng lạnh. Hạ thu mình trong chiếc áo ấm dày sụ mà vần còn cảm thấy run lập cập. Trống vào tiết đã vang lên, và tụi học trò cũng đã về chỗ ngồi ngay ngắn, lạnh quá, lớp rù rì từng nhóm chuyện trò thì thào: - Hôm qua kiểm tra toán mày làm được mấy bài? Trời ạ, câu c bài 4 tau mắc ngay bất đẳng thức Bunhiacốpxki, loay hoay mãi, tức thật … - Ê, kỳ báo toán học tuổi trẻ vừa rồi có bài giải của Lai đó, ngon thiệt… - Thì số trước cũng có bài Lê Huy lớp mình đó - … “Nghiêm”. Lớp trưởng gõ thước lên mặt bàn cái cộp. “Chúng em chào thầy ạ” Lớp thôi những lời thì thào, thôi chuyện trò rúc rích, thầy khẽ vẫy tay ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống, mỉm cười hiền hậu. Nhưng… chợt thầy khẽ nhíu mày: - Trung Nhân, sao em không ngồi đúng vị trí mà tự ý chuyển chỗ, thích đâu thì ngồi thì hỏi lớp có còn tôn trọng thầy cô giáo và có còn trật tự quy củ hay không? - Dạ, dạ thưa thầy… em… em… Cả lớp đổ dồn mắt nhìn xuống góc cuối lớp, nơi tiếng “dạ” khe khẽ vừa thốt lên sợ sệt. - Sao thế, em có thể tự do chuyển chỗ ngồi thì cũng có thể có một lý do xác đáng chứ… - Dạ, em… em… Khuôn mặt “bị cáo” ngày càng đỏ bừng, giọng nói càng nhỏ lại và càng ấp úng. Thầy cau mặt có vẻ không vừa lòng, lớp yên lặng như đang “cầu nguyện”. Hạ hết nhìn sang chỗ ngồi trống trơn ngay đầu bàn mình lại ngoái đầu nhìn xuống góc lớp, chỗ Trung Nhân đang cúi gằm đầu lúng túng. Lại một đợt gió lạnh nữa ào qua, Hạ bất giác so mình “Lạnh quá”. Hạ nhìn thầy một cách lo lắng, và khẽ liếc nhìn đồng hồ tay. “15 phút rồi”. Hạ thầm chắc lưỡi. “Trông thầy có vẻ hơi giận. Khổ cho bạn rồi, Trung Nhân ơi…” Hạ liếc nhìn cậu bạn cùng bàn, cùng lớp và chợt sững người “Kìa, sao mặt cậu ấy tái thế kia, ơ sao cậu ấy không thèm mang áo ấm, trời lạnh thế kia mà…”. Và thắc mắc của Hạ ngay lập tức được giải đáp trong vòng một phút sau đó. Trung Nhân phần sợ thầy giận, phần bị hỏi dồn, rưng rưng: - Dạ… thầy ơi, em… em… lạnh … quá… Nói xong thì cúi gầm, thổn thức. Một đợt gió nữa lại ào qua, góc cuối lớp là nơi khuất gió và ấm áp nhất cũng chùng chình, Trung Nhân khẽ run lên dưới lớp áo mỏng - chiếc áo trắng học trò đã ngả úa sang màu “cháo lòng” bạc phếch. Hạ chợt hiểu, mắt cay cay không biết tự lúc nào. Hạ len lén liếc nhìn thầy, liếc nhìn các bạn cùng lớp. Trái tim con gái thổn thức “Thôi chết, đợt này trở gió chướng đột ngột, bạn ấy ở nội trú chắc không kịp về nhà lấy áo ấm…”. Hạ cúi đầu, cả lớp cúi đầu, hình như ai cũng đang mắc “nghẹn”. “Nhà bạn ấy ở miết tận Gio Linh, mà hoàn cảnh lại rất khó khăn, làm gì có sẵn 2, 3 áo ấm dự trữ như những bạn khác, Hạ là dân “quê”, nhà không dư dả gì mà mẹ còn sắm cho được 2 cái áo ấm và khăn quàng cổ. Thời tiết miền Trung mình thất thường lắm, nhất là mùa này trở gió, rét phơi gan phơi ruột không thể coi thường được. Lời mẹ như vẳng bên tai”. Hạ chợt thấy buồn và xấu hổ, sao mình có thể vô tâm quá, cậu ấy ngồi cùng bàn, cách có một cái với tay mà mình thật… Trên bục giảng, thầy đứng lặng yên, rất lâu… từng tiếng tích tắc của kim đồng hồ, Hạ nghe rất rõ, nặng nơi lồng ngực. Hai mắt thầy rưng rưng. 39 đứa “nhất quỷ nhì ma” cũng rưng rưng. Rất lâu… Hạ nghe trái tim mình đang lạo xạo, âm ỉ một điều gì đó, bàng hoàng và đau nhói. Rồi thầy cũng vào bài giảng, một bạn nam trong lớp se sẽ chuyền tay cho Trung Nhân một chiếc áo cánh mỏng. “Khoác đi mày… cho đỡ lạnh, xin lỗi tụi tao vô tâm quá”. Tiết học trôi qua trong nuối tiếc và trầm lắng hơn mọi ngày, giọng thầy như vỡ ra trên trang giáo án, sau từng dòng phấn trắng. Hạ ngồi ngay bàn đầu nên nhìn thấy tất cả, trong khi cả lớp cắm cúi chép bài, thầy đôi ba lần đã quay lưng và khẽ quệt nước mắt. Lần đầu tiên trong đời, tuổi mười bảy Hạ thấy mình thật bé nhỏ… và Hạ như thấy mắt thầy long lanh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét