Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2009

Những bài thơ tôi yêu
















CHUYÊN ĐỀ NGOA.I KHÓA KỈ NIỆM NGÀY THƠ VIỆT NAM
Người thực hiện: TRẦN VĂN SÁU
Kính thưa các thầy giáo, cô giáo, thưa các em học sinh thân mến!
“Bước ra từ non biếc,tháng giêng thật lả lơi, rượu cất trong áo tết, vừa đi vừ say đời”( Nguyễn Lâm Cúc)
Đã bao mùa xuân trôi qua, nhưng chưa bao giờ tôi lại thấy đất trời, tiết trời đẹp như năm nay, có lẻ đó là một điềm lành báo hiệu một năm tốt đẹp. Năm nay thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng của cơn bão khủng hoảng tài chính nhưng theo kinh dịch vận hội nước nhà năm nay ứng với quẻ thuần li, đất nước hai lần sáng. Chúng ta cầu mong cho đất nước có một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thu được nhiều thành tựu hơn nửa trong công cuộc đổi mới, mong cho trường ta gặt hái được nhiều thành công trong năm kỉ niệm 15 năm thành lập trường. Trong không khí đó lòng tôi như trẻ lại, và hôm nay nhân ngày tết nguyên tiêu, tôi xin đọc và bình cho các em nghe một số bài thơ nổi tiếng mà có thể các em chưa biết, hi vọng sẽ mang lại cho các em những cảm xúc tươi mới đầu năm, nhưng cũng rất lo không biết các em có đồng cảm hay không bởi tôi biết thời đại ngày nay có rất nhiều hình thức giải trí và thơ ca là sự chọn lựa của rất ít người, nó đang dần mất đi đọc giả và thậm chí đang bị lảng quên. Chính vì vậy nhiều lúc thấy tâm trạng mình giống Vũ Đình Liên: “những người muôn năm củ, hồn ở đâu bây giờ..”nhiều khi tôi cứ thấy nhớ, thấy tiếc như mình vừa bị mất đi một cái gì…Nhưng các em nên nhớ rằng, văn học nghệ thật nói chung và thơ ca nói riêng là tài sản vô giá, nó làm cho tâm hồn ta giàu có hơn lên( mà sự giàu có về tâm hồn về trí thức đáng quý gấp ngàn lần sự giàu có về vật chất của cải..)nó làm cho chúng ta biết hướng về chân thiện mỹ, biết kính mẹ yêu cha biết quý tình làng nghĩa xóm biết yêu quê hương đất nước thêm bội phần…, nhân đây tôi cũng xin phép tổ văn,tôi không dám múa rìu qua mặt thợ mà chỉ muốn chia sẽ cảm xúc của một người yêu thơ và muốn góp thêm một tiếng nói làm phong phú thêm sắc màu cho việc học trong nhà trường mà thôi

Bài thứ nhất
Nắng mới
... Mỗi lần nắng mới hắt bên sông
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không
Tôi nhớ Mẹ tôi, thuở thiếu thời
Lúc Người còn sống tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi

Hình dáng Mẹ tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.
Các em thân mến! tạo hóa thật tuyệt vời khi đã ban cho chúng ta một món quà vô giá đó là Mẹ, trong mỗi chúng ta không ai là không có những kỉ niệm đẹp về Mẹ, trong mỗi đời sống ấu thơ của chúng ta không ai mà không nhìn thấy hình ảnh trìu mến của Mẹ hiền hòa với nụ cười đen nhánh sau tay áo...Hãy hình dung có một buổi chiều thu miền trung nước Việt khi gió heo may bắt đầu thổi khi nắng hanh vàng phủ trên hàng cây ruộng lúa, bờ ao có một đứa con xa nhà, chợt nhớ đến Mẹ, chợt nhớ đến những hình ảnh đầy trìu mến cất dấu từ nhiều năm trong tâm tưởng. Đây là một trong số những bài thơ hay nhất của Lưu Trọng Lư và của thi ca tiền chiến. Bài thơ Nắng Mới của Lưu Trọng Lư đã vượt thoát ra ngoài hữu hạn của thời gian. Những xúc động tột cùng, thăng hóa nỗi nhớ về Mẹ đã như một chất men rượu cất lâu ngày trong tâm hồn đứa con đang bây giờ đã lớn khôn. Bài thơ đã tạo cho Lưu Trọng Lư một chỗ đứng trang trọng trên thi đàn Thơ Mới mà Lưu Trọng Lư là một trong những thi sĩ chủ xướng phong trào này từ năm 1932. Có một người con xa xứ đã viết :Mẹ tôi bây giờ ở quê hương không biết có còn đem phơi những chiếc áo bên hàng giậu thưa khi trời trở gió, nắng hắt hiu trên cành xoan... khi mùa thu đang chuyển mình. Ở đây không có Mẹ, mỗi năm không còn nhìn thấy ...nắng mới reo ngoài nội... Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi... mà chỉ thấy hàng phong thay lá... màu vàng mênh mông của mùa thu nhung nhớ đang bắt đầu tàn phai... để chuẩn bị lễ Tạ Ơn và Mùa Giáng Sinh trở về...Đã bao nhiêu năm cuộc đời thăng trầm trôi giạt, tôi vẫn không quên bài thơ ca tụng Mẹ dễ thương này. Bài thơ hay vì chất chứa hồn thi nhân chân thật, hồn nhiên, vẽ nên nguyên thực hình ảnh đôn hậu hiền hòa của Mẹ. Có nhiều người bảo: “Trong tất cả kỳ quan của nhân loại, không có kỳ quan nào vĩ đại bằng trái tim Mẹ”. thật chẳng sai.Đây là một bài thơ mới, theo nghĩa tươi mới, dù nó được sáng tác trong thời kỳ Thơ Mới, cách nay đã sáu mươi năm.
Câu hỏi: Em còn biết bài thơ nổi tiếng nào của Lư trọng Lư?
(tiếng thu, thơ sầu rụng …)
Thơ sầu rụng
Vầng trăng từ độ lên ngôi
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ
Để tóc vương vần thơ sầu rụng
Mái tóc buồn thơ cũng buồn theo
Năm năm tiếng lụa xe đều
Những ngày lạnh rớt gió vèo trên cây
Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay
Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông
Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng
Thời gian lạnh buốt một dòng buồn tênh.

Bài thứ hai

Màu tím hoa sim- bài thơ tình hay nhất mọi thời đại
Nàng có ba người anh
Đi bộ đội
Những em nàng còn chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh.
Tôi là người chiến binh
Xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới,
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân,
Nàng cười xinh xinh
Bên anh chồng độc đáo.
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi!
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng đời chiến chinh
Mấy người đi trở lại
Lỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ
Bé bỏng chiều quê ...
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con
Đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương
Tàn lạnh vây quanh ...
Tóc nàng xanh xanh
Ngắn chưa đầy búi
Em ơi!
Giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được trông thấy nhau một lần.
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa một mình
đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa...


Một chiều rừng mưa
Ba người anh
Trên chiến trường Đông Bắc,
Biết tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng.
Gió sớm thu về
Rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió thu về
Cỏ vàng chân mộ chí.
Chiều hành quân
Qua những đồi sim ..
Những đồi hoa sim ...,
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa.
Áo tôi sứt chỉ đường tà,
Vợ tôi chết sớm mẹ già chưa khâu
Câu hỏi: Em biết gì về bài thơ “ màu tím hoa sim”
Có ba bài thơ diễn tả tuyệt vời tâm tình của những chàng trai trí thức thành thị, kháng chiến chống Pháp từ 1946 đến 1954. Đó là hai bài Đôi Mắt Người Sơn Tây, Tây Tiến của Quang Dũng, bài Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan.Trong thế kỷ trước, dấu ấn đậm nhất của thế giới về VN là chiến tranh cách mạng. Có rất nhiều bài thơ viết về chiến tranh, Màu tím hoa sim là bài thơ tình nhiều giá trị. Chiến tranh luôn kéo theo mất mát, đau khổ. Trong chiến tranh người ta cần có nhiều bài thơ hùng tráng, những tiếng xung phong để cổ vũ kháng chiến. Nhưng khi chiến tranh đã đi qua, người ta cần nhìn về nó với cái nhìn nhân bản hơn. Nỗi khổ mà chiến tranh gây ra không phải là nỗi khổ của người lính ra chiến trận mà là sự chờ đợi của những người phụ nữ ở quê nhà, không biết khi nào chồng, cha, anh, em mình mới trở về. . Bài thơ tuy chỉ kể chuyện riêng của một người mà hình ảnh và mỹ cảm lại thoát ra khỏi "cái tôi" để đến với nhiều người, tạo nên sự đồng cảm sâu xa, chan hoà trong thế giới tâm linh huyền diệu. Bài thơ thật như cuộc đời có thật. Không có gì chữ nghĩa cả mà xúc động biết bao. Nhà thơ Vũ Cao tác giả của Núi Đôi kể:"Tôi còn nhớ cái buổi chiều, ngồi trong một quán nhỏ ở Thanh Hóa, anh (Hữu Loan) báo cho tôi biết cái tin đột ngột: Ninh( cô gái trong bài thơ) vừa mất. Bàn tay anh cầm cốc nước run lên bần bật, nước bắn tung toé xuống bàn, mặt anh tái xanh. Cái tin sét đánh ấy khiến Hữu Loan tan nát cõi lòng. Nỗi đau dồn nén ấy đã bật thành lời, thành một bài thơ bất tử. Bài thơ gây xúc động mạnh vì những lời tình tự của Hữu Loan, những lời tình tự chân thành, không làm dáng, không son trát phấn vẽ mà trở thành tuyệt tác, sống mãi với thời gian…

Bài thứ ba
Chợ Tết
1. Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
3. Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
4. Người các ấp tưng-bừng ra chợ Tết.
5. Họ vui-vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;
6. Những thằng cu áo đỏ chạy lon-xon,
7. Vài cụ già chống gậy bước lom-khom,
8. Cô yếm thắm che môi cười lặng-lẽ,
9. Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ.
10. Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,
11. Con bò vàng ngộ-nghĩnh đuổi theo sau.
12. Sương trắng dỏ đầu cành như giọt sữa,
13. Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,
14. Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
15. Đồi thoa son nằm dưới ánh bình-minh.
*
16. Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.
17. Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ,
18. Để lắng nghe người khách nói bô-bô.
19. Anh hàng tranh kĩu-kịt quảy đôi bồ,
20. Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán.
21. Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản,
22. Tay mài nghiên hí-hoáy viết thơ xuân.
23. Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
24. Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.
25. Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
26. Nước thời-gian gội tóc trắng phau phau.
27. Chú hoa-man đầu chít chiếc khăn nâu,
28. Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu.
29. Áo cụ lý bị người chen sấn kéo,
30. Khăn trên đầu đương chít cũng tung ra.
31. Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
32. Quên cả chị bên đường đang đứng gọi.
33. Mấy cô gái ôm nhau cười rũ-rợi,
34. Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa.
35. Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha,
36. Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết,
37. Con gà trống màu thâm như cục tiết,
38. Một người mua cầm cẳng dốc lên xem.
*
39. Chợ tưng-bừng như thế đến gần đêm.
40. Khi chuông tối bên chùa văng-vẳng đánh,
41. Trên con đường đi các làng hẻo-lánh,
42. Những người quê lũ-lượt trở ra về.
43. Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê-thê,
44. Lá đa rụng tơi-bời quanh quán chợ.
Câu hỏi: em có bình luận gì về bài thơ “ chợ tết”
Có thể nói Đoàn Văn Cừ là một hồn thơ lặng lẽ và khiêm nhường. bài thơ Phiên Chợ Tết bất hủ của ông đã đi vào tâm trí người đọc nhiều thế hệ; bài thơ là chuổi cười ngủ sắc (Thi nhân Việt Nam) dạt dào sự sống, niềm yêu đời, cái nhìn bao dung, nhân ái đó đã đi vào tâm hồn ta.
Đọc bài thơ ta tưởng như nghe thấy tiếng cười khúc khích, hóm hỉnh, lại rất hiền lành của một nhà thơ thôn dã. Cùng với sự vận động của thiên nhiên, là con người “tưng bừng ra chợ Tết”: nam, phụ, lão, ấu và có lẽ người bán nhiều hơn cả người mua. Đọc Chợ Tết ta bỗng thấy hân hoan, vui thích bởi sự chuyển động của không gian, sắc màu và con người. Nhà họa sĩ Đoàn Văn Cừ đã trình bày cho ta biết một “bản nguyên sống” trong sự tồn tại hồn nhiên, bề bộn mà lại nhịp nhàng của đời sống. Trong đời sống đó, con người là trung tâm trong cái nhìn và sáng tạo nghệ thuật của ông: Con người là trung tâm trong mỗi khổ thơ; con người lại là trung tâm của toàn phiên Chợ Tết mà ở giữa trung tâm đó lại là thời gian. Cái thời gian sẽ chia cách hai thế giới đối với mỗi số phận; nhưng cũng cái thời gian đó sẽ làm bền vững hơn cho những tác phẩm nghệ thuật đích thực, cho nền tảng văn hóa sâu xa của mỗi cộng đồng người mà Chợ Tết là muôn một. Nhận xét về câu kết trong thơ Đoàn Văn Cừ, các tác giả của Thi nhân Việt Nam đã viết: “Những câu ấy đều khép lại một thế-giới và mở ra một thế-giới: khép một thế-giới thực, mở một thế-giới mộng. Cảnh vừa tan thì trong lòng cũng vừa nhóm. Mắt ta không thấy gì nữa nhưng lòng ta bỗng bâng-khuâng”.
Bài thứ tư
Tha la xóm đạo
Đây Tha La xóm đạo,
Có trái ngọt, cây lành.
Tôi về thăm một dạo,
Giữa mùa nắng vàng hanh,
Ngậm ngùi, Tha La bảo:
- Đây rừng xanh, rừng xanh,
Bụi đùn quanh ngõ vắng,
Khói đùn quanh nóc tranh,
Gió đùn quanh mây trắng,
Và lửa loạn xây thành.

Viễn khách ơi! Hãy dừng chân cho hỏi
Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng

Đây Tha La, một xóm đạo ven rừng.
Có trái ngọt, cây lành im bóng lá,
Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ
Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ!
Về chi đây! Khách hỡi! Có ai chờ?
Ai đưa đón?
• Xin thưa, tôi lạc bước!
Không là duyên, không là bèo kiếp trước,
Không có ai chờ, đưa đón tôi đâu!
Rồi quạnh hiu, khách lặng lẽ cúi đầu,
Tìm hoa rụng lạc loài trên vệ cỏ.
Nghìn cánh hoa bay ngẩn ngơ trong gió
Gạo rưng rưng, nghìn hoa máu rưng rưng.
Nhìn hoa rơi, lòng khách bỗng bâng khuâng
Tha La hỏi: - Khách buồn nơi đây vắng?
- Không, tôi buồn vì mây trời đây trắng!
- Và khách buồn vì tiếng gió đang hờn?
Khách nhẹ cười, nghe gió nổi từng cơn.
Gió vun vút, gió rợn rùng, gió rít,
Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch:
- Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!
Bao người đi thề chẳng trở lại nhà
Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!
Tiếng địch càng cao, não nùng ai oán
Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa
Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa
Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh
Khách rùng mình, ngẩn ngơ người hiu quạnh
- Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!
Đây mênh mông xóm đạo với rừng già
Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách.
Khách bước nhẹ theo con đường đỏ quạch.
Gặp cụ già đang ngắm gió bâng khuâng
Đang đón mây xa... Khách bỗng ngại ngần:
- Kính thưa cụ, vì sao Tha La vắng?
Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng,
Nhẹ bảo chàng: "Em chẳng biết gì ư?
Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù!
Người nước Việt ra đi vì nước Việt
Tha La vắng vì Tha La đã biết,
Thương giống nòi, đau đất nước lầm than".
***
Trời xa xanh, mây trắng nghẹn ngàn hàng
Ngày hiu quạnh. ờ...Ơ...Hơ... Tiếng hát,
Buồn như gió lượn, lạnh dài đôi khúc nhạc.
Tiếng hát rằng:
Tha La hận quốc thù,
Tha La buồn tiếng kiếm.
Não nùng chưa! Tha La nguyện hy sinh
ờ... Ơ... Hơ... Có một đám Chiên lành
Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy
Quỳ cạnh chúa, đám Chiên lành run rẩy:
- Lạy đức Thánh Cha!
Lạy đức Thánh Mẹ!
Lạy đức Thánh Thần
Chúng con xin về cõi tục để làm dân...
Rồi... cởi trả áo tu,
Rồi... xếp kinh cầu nguyện
Rồi... nhẹ bước trở về trần...
Viễn khách ơi! Viễn khách ơi!
Người hãy ngừng chân,
Nghe Tha La kể, nhưng mà thôi khách nhé!
Đất đã chuyển rung lòng bao thế hệ
Trời Tha La vần vũ đám mây tang,
Vui gì đâu mà tâm sự?
Buồn làm chi cho bẽ bàng!
ờ... Ơ... Hơ...ờ... ơ Hơ... Tiếng hát;
Rung lành lạnh, ngân trầm đôi khúc nhạc,
Buồn tênh tênh, não lòng lắm khách ơi!
Tha La thương người viễn khách quá đi thôi!
***
Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ
Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ.
Lá rừng cao vàng rụng lá rừng bay...
Giờ khách đi. Tha La nhắn câu này:
- Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé!
Hãy về thăm xóm đạo
Có trái ngọt cây lành
Tha La dâng ngàn hoa gạo
Và suối mát rừng xanh
Xem đám Chiên hiền thương áo trắng
Nghe trời đổi gió nhớ quanh quanh...

• Câu hỏi: trong ngôn ngữ dân gian xóm đạo là gì? Em có biết bài thơ, bản nhạc nào khác viết về xóm đạo mà em cho là hay?
Các em đã biết về hình ảnh xóm đạo yên bình mà anh dũng qua bài làng tôi của Văn Cao, xóm đạo buồn qua bài chuyện tình buồn của Phạm văn Bình nhưng có lẽ bài tha la xóm đạo của Vũ Anh Khanh thì các em chưa được biết. Bài thơ là một bản hùng ca thật là bi tráng, là hình ảnh hào hùng dân tộc trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp được tác giả viết bằng nhiều thể loại, nghe như một vở kịch thơ. Tha La là một xóm đạo nghèo như bao làng quê Việt Nam khác Pháp là ân nhân của nền đạo, nhưng lại là kẻ thù của dân tộc. Dù phải chọn lựa khó khăn, giáo dân Tha La đã dứt khoát ra đi kháng chiến, đi theo tiếng gọi của non sông. Đặc biệt, không phải chỉ có giáo dân mà cả những vị linh mục tu sĩ cũng tạm xếp áo dòng để đi theo cách mạng: “chúng con xin về cỏi tục để làm dân, rồi cởi áo tu, rồi xếp kinh cầu nguyện…”Cũng như bao địa phương khác trên đất nước Việt Nam thân yêu khi giặc tràn vào thôn xóm, Tha La đã đứng lên tự vệ cho chính mình một cách oai hùng, Tha La kiên cường, của niềm tự hào bất khuất. Họ kính Chúa, và họ yêu nước, yêu bờ ruộng nương, yêu con sông rạch dịu hiền, yêu xóm làng và họ chấp nhận hy sinh, để hôm nay đất nước được yên vui trong hòa bình và con cháu xóm đaọ Tha la được an bằng trong Chúa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét